Tác phẩm tham gia "Giải Búa liềm vàng 2018"

Chính sách dành cho công nhân khu công nghiệp - Bài 1: Hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở

.

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, 10 năm qua, thành phố Đà Nẵng có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của lực lượng công nhân (CN). Tuy nhiên, đến nay, nhiều vấn đề bức xúc của người lao động ở khu công nghiệp (KCN) vẫn chưa được giải quyết triệt để, cần có giải pháp đột phá mới trong thời gian đến.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, khu chế xuất (KCX), nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động (CNLĐ) ngày càng tăng cao. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng nhà ở cho CNLĐ. Tuy nhiên, đến nay, số lượng dự án nhà ở xã hội cho CNLĐ chỉ mới đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu thực tiễn.

Chương trình “Mái ấm Công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã hiện thực hóa ước mơ an cư, lạc nghiệp của người lao động trong các khu công nghiệp có hoàn cảnh  khó khăn.Trong ảnh: Với ngôi nhà khang trang, gia đình anh Đinh Hữu Tuấn có không gian sống thoải mái hơn.Ảnh: TRÂM ANH
Chương trình “Mái ấm Công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã hiện thực hóa ước mơ an cư, lạc nghiệp của người lao động trong các khu công nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.Trong ảnh: Với ngôi nhà khang trang, gia đình anh Đinh Hữu Tuấn có không gian sống thoải mái hơn.Ảnh: TRÂM ANH

Những mái ấm nghĩa tình

Một buổi chiều mùa hè, căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) của anh Lê Văn Minh (SN 1983, CN Công ty CP Xi-măng Ngũ Hành Sơn tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) rộn rã tiếng cười đùa.

Hơn 3 năm trước, ngôi nhà này xuống cấp trầm trọng, tường gạch không tô phủ kín rêu, mái tôn gỉ sét, dột mưa khắp nhà. Đồng lương công nhân bấp bênh, dành dụm mãi cũng chỉ đủ trả nợ, chi tiêu trong nhà, anh Minh không dám mơ về căn nhà khang trang hơn.

“Nhiều lúc muốn mua bao xi-măng trám lại mảng tường, thay tấm tôn dột nát nhưng kinh phí hạn hẹp quá đành lần lựa mãi”, anh Minh kể.

Đầu năm 2015, nghe tin Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố có đợt hỗ trợ “Mái ấm Công đoàn”, được sự động viên của mọi người, anh Minh mạnh dạn làm đơn xin hỗ trợ. “Ngày biết tin có tên trong danh sách được hỗ trợ, tôi trằn trọc, mất ngủ vì hạnh phúc.

Với số tiền 15 triệu đồng được hỗ trợ, tôi mới tự tin vay mượn thêm để sửa nhà. Nhà xây xong, có chỗ ở tươm tất, tôi mới dám ngỏ lời cầu hôn vợ. Vợ tôi hạnh phúc lắm. Niềm vui nối tiếp niềm vui trong ngôi nhà mới khi vợ chồng tôi đón chào đứa con đầu lòng.”, anh Minh nghèn nghẹn chia sẻ.

Trong khi đó, năm 2015, vợ chồng anh Đinh Hữu Tuấn (SN 1987, ngụ phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, CN Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung, Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) dắt díu con thơ, lặn lội từ Quảng Nam ra Đà Nẵng lập nghiệp.

Xa quê, cả nhà chen chúc trong một căn phòng trọ chật hẹp chừng 15m2. Mùa nắng, trẻ con vừa học bài vừa liên tục quạt giấy. Mùa mưa, cha mẹ nhường con chỗ ngồi không bị dột nước. Con trai anh chị thường xuyên đau ốm, phải phẫu thuật lại quấy khấy hằng đêm vì không ngủ được trong không gian chật hẹp, ẩm mốc.

Thương con, anh chị chắt chiu từng đồng với ước mơ về một tổ ấm của riêng mình. Tích lũy hòm hèm mười năm, anh chị mới mua được mảnh đất nhỏ nằm sâu trong một con hẻm. Vậy nhưng, từ khi có đất, vợ chồng anh Tuấn lại không dám mơ về căn nhà hoàn thiện vì điều kiện kinh tế không cho phép.

“Đến năm 2016, với số tiền 30 triệu đồng do LĐLĐ thành phố hỗ trợ, chúng tôi mới mạnh dạn vay mượn thêm để xây nhà. Gia đình tôi mừng lắm”, anh Tuấn xúc động.

Có thể nói, chương trình “Mái ấm Công đoàn” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động từ năm 2006 đã và đang trở thành một hoạt động xã hội có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần tạo dựng niềm tin, hiện thực hóa ước mơ an cư, lạc nghiệp của người lao động nghèo khó.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Trần Vũ Duy Mẫn, trong 10 năm qua, LĐLĐ thành phố hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 550 “Mái ấm Công đoàn” cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 10 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa 35 nhà gia đình chính sách với số tiền 700 triệu đồng.

Riêng năm 2018, từ nguồn “Quỹ hoạt động xã hội công đoàn”, LĐLĐ thành phố hỗ trợ xây dựng sửa chữa 62 “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá 1,3 tỷ đồng.

Mơ những căn nhà “không chật hẹp”

Với sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, KCX, nhu cầu về nhà ở cho công nhân ngày càng tăng cao. Tại địa bàn lân cận KCN ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, đa số CNLĐ phải thuê ở các khu nhà trọ vừa chật hẹp, vừa không bảo đảm an toàn, vệ sinh.

Đơn cử, mỗi tháng thu nhập của vợ chồng chị Dương Thị Phong (SN 1988, quê Quảng Nam, CN Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung, KCN Đà Nẵng, quận Sơn Trà) và anh Nguyễn Văn Hà (SN 1982, CN một công ty sản xuất bồn nước inox) khoảng hơn 9 triệu đồng.

Với mức lương này, 8 năm qua, vợ chồng chị Phong ưu tiên phần lớn số tiền chăm lo cho việc học của hai con và chọn thuê phòng trọ giá rẻ chừng 15m2. Sau khi kê dựng các vật dụng, không gian sinh hoạt của 4 người chỉ vẻn vẹn khoảng 5m2. Nơi đây ban ngày vừa là chỗ ăn cơm, vừa là chỗ học tập, ban đêm thì trở thành chỗ ngả lưng sau giờ làm.

Cùng mức thu nhập ấy, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1987, CN Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) và anh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1987, ngụ phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, CN cơ khí của một công ty tư nhân) cũng chỉ thuê phòng trọ chừng 12m2. Phòng nhỏ đến nỗi vợ chồng chị không dám mua tủ đựng quần áo, đành giăng ngang sợi dây thép móc áo quần.

Nơi nấu ăn được kê vào góc đối diện phòng vệ sinh. Ban đêm, căn phòng vừa đủ cho 3 người nằm vì phải “nhường” diện tích cho hai chiếc xe máy. Chị Anh tâm sự: “Mỗi tháng, vợ chồng tốn khoảng 1 triệu đồng tiền thuê nhà và chi phí điện, nước. Mặc dù phòng trọ ẩm thấp, chật hẹp nhưng phải ráng vì còn để dành tiền cho bé lớn sắp đi học và chuẩn bị cho kỳ sinh nở tới”.

Giống như hai trường hợp trên, rất nhiều CN vẫn đang mơ những căn nhà “không chật hẹp” nhưng chưa dám nghĩ đến ngày hiện thực hóa ước mơ. Bởi lẽ, với họ, lo đủ cái ăn, chuyện học cho con đã là niềm hạnh phúc rất lớn…

Theo thống kê của LĐLĐ thành phố, có gần 74.000 CN lao động (LĐ) đang làm việc tại 6 KCN, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố, số lượng CNLĐ ngoại tỉnh chiếm khoảng 45%. Trong đó, khoảng 28.000 CNLĐ có nhu cầu về nhà ở.

Đồ họa: KHA MIÊN
Đồ họa: KHA MIÊN

Nỗ lực xây nhà ở cho công nhân

Có thể thấy, nhu cầu nhà ở của CN các KCN, KCX rất lớn, cần được quan tâm một cách sát sao, nghiêm túc. Để có cơ sở tham mưu cho lãnh đạo thành phố về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của lực lượng CN, năm 2016, LĐLĐ thành phố khảo sát nhu cầu của CNLĐ tại các Tổ CN tự quản và các KCN.

Theo đó, nhà ở, nhà trọ là vấn đề quan tâm thứ hai theo thứ tự ưu tiên, sau thu nhập. Từ khảo sát cho thấy, có 75,9% CNLĐ hiện đang thuê nhà trọ tư nhân, 8,4% ở nhờ nhà người thân và chỉ có 1,1% NLĐ được khảo sát ở nhà tập thể do doanh nghiệp xây dựng, chủ yếu tập trung ở KCN Hòa Khánh, Thọ Quang và các tổ tự quản. Trong khi đó, mức thu nhập của CN chủ yếu ở khoảng 3-5 triệu/tháng (77,9%), chỉ có 2,6% có thu nhập trên 7 triệu.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Ngô Xuân Thắng cho biết, để giải quyết vấn đề nhà ở cho CN, UBND thành phố phê duyệt “Đề án xây dựng nhà ở CN giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030”. Đề án đặt ra mục tiêu hoàn thành các dự án nhà ở cho CN còn dở dang trước đây, kêu gọi chủ nhà trọ đầu tư thực hiện cải tạo, sửa chữa và nâng cấp khu nhà trọ đạt theo tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ theo quy định để đến năm 2020 giải quyết ít nhất 20% số công nhân tại các KCN có nhu cầu về nhà ở, đến giai đoạn 2021-2030, ít nhất 35% số CN bảo đảm chỗ ở, tương đương 20.409 CNLĐ với khoảng 11.225 căn hộ.

Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố đề xuất UBND thành phố tiếp tục có cơ chế hỗ trợ hoặc cho vay ưu đãi để các hộ dân gần KCN xây dựng, sửa chữa nhà trọ bảo đảm yêu cầu; thống nhất chủ trương chuyển công năng, cải tạo khu ký túc xá sinh viên phía tây (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) thành khu nhà ở để CN thuê hoặc mua với giá rẻ.

Thành phố quy hoạch đất bố trí nhà ở cho CN tại KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Cầm. Các KCN mới như: Hòa Sơn, Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh cần quy hoạch nhà ở tập trung và các thiết chế văn hóa cho CNLĐ. Thành phố hỗ trợ về đất đai, thuế, kinh phí đối ứng ở mức 30% để tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn và các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở tập thể, nhà giá rẻ cho CN.

Ông Ngô Xuân Thắng nhận định, kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp CN cũng như việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CN trên địa bàn thành phố đã có nhiều khởi sắc trong thời gian qua, trong đó có vấn đề nhà ở. Đặc biệt, đầu năm 2018, Thành ủy, UBND thành phố đã tặng một khu thiết chế Công đoàn cho CNLĐ khi bố trí 2,7ha đất để xây dựng nhà ở, siêu thị, nhà trẻ tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1) trị giá 70 tỷ đồng.

Mới đây, UBND thành phố tổ chức cuộc thi tìm kiếm phương án kiến trúc mẫu nhà ở, nhà trọ công nhân các KCN trên địa bàn thành phố với 5 đơn vị trong và ngoài nước tham dự. Phương án dự thi phải bảo đảm đầy đủ các dịch vụ đô thị, tạo thành quần thể công trình điểm nhấn của các KCN thành phố, có mật độ xây dựng tối đa 65%, kết hợp nhiều cây xanh tạo cảnh quan với kiến trúc xanh, thân thiện môi trường. Đây là nỗ lực của Đà Nẵng trong việc hiện thực hóa giấc mơ nhà ở cho CNLĐ.

Song, theo báo cáo của LĐLĐ quận Liên Chiểu tại buổi tiếp xúc cử tri là công nhân lao động của Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Liên Chiểu vào ngày 27-5, do nhiều nguyên nhân nên một dự án, công trình trên địa bàn vẫn đang ở giai đoạn triển khai, như: dự án Nhà ở CN tại khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh.

Một số dự án, công trình khác vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”, thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư do các công ty đầu tư, các doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn nên đã xin trả lại dự án, trả lại đất, như: dự án Nhà ở CN và người lao động tại các KCN trên địa bàn thành phố...

Vì vậy, để công nhân có thể hiện thực hóa giấc mơ có nhà ở, thành phố cần nỗ lực hơn nữa cùng nhiều giải pháp khả thi để giải bài toán đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động một cách căn cơ.

Nhà trọ công nhân thân thiện, sạch đẹp, an toàn

Nhằm nâng cao đời sống cho CNLĐ, đầu năm 2017, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng phát động xây dựng “Nhà trọ CN thân thiện, sạch đẹp, an toàn”. LĐLĐ các quận, huyện phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ cam kết không tăng giá nhà, tiền điện, nước; hỗ trợ giá điện, nước sinh hoạt cho người có thu nhập thấp. Nhờ vậy, nhiều hộ CNLĐ ở trọ được hưởng giá điện khởi điểm, giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt, bảo đảm đời sống.

LAM PHƯƠNG – KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.
.