.

Vợ chồng lúc nào cũng vui

.

53 năm là vợ chồng với 5.082 ngày tạm xa cách, ông bà đã viết cho nhau tổng cộng 126 bức thư tình. Trong Bảo tàng Quân khu 5, tất cả những dòng thư ấy hiện được lưu giữ như kỷ vật chiến tranh.

Còn trong ngôi nhà của họ, những trang thư trên giấy pơ-luya luôn mở đầu bằng Em yêu, Anh yêu, rồi sau này có thêm Con yêu, giờ được đánh máy vi tính, đóng thành hai tập cẩn thận. Theo thời gian, “hòm thư” của ông bà ngày một dày thêm khi chồng đi đâu đó vài ngày lại viết thư về cho vợ, con xa bố cũng viết thư gửi tâm tình.

Vợ chồng ông Huỳnh Phương Bá và Vương Thị Tiệng trao nhẫn trong tiệc kỷ niệm 50 năm ngày cưới. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Vợ chồng ông Huỳnh Phương Bá và Vương Thị Tiệng trao nhẫn trong tiệc kỷ niệm 50 năm ngày cưới. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Đối với gia đình này, các trang thư chính là tài sản vô giá nhất để tất cả cùng nâng niu và vun vén cho yêu thương cứ thế ngày một đậm sâu thêm.

1. Những bức thư là lý do chính để tôi tìm đến nhà ông Huỳnh Phương Bá (84 tuổi) và vợ Vương Thị Tiệng (77 tuổi), tại H18/4 K482 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Cái buổi chiều được ngồi bên chiếc xích đu dưới tán cây nguyệt quế rung rinh hoa trắng trong sân nhà cụ và nghe hai ông bà chia sẻ về tình yêu đang dành cho nhau một cách “vui lắm” (theo lời ông nói) ở cái tuổi xưa nay hiếm, tôi lại có thêm cho mình một niềm tin, có lẽ đời vợ chồng không chỉ vàng son trong ngắn ngủi, rồi sau đó, nếu có, người ta cũng chỉ gắn với nhau vì cái nghĩa nhiều hơn cái tình như nhiều người vẫn “đúc kết” và hồ nghi. Sự hồ nghi về hành trình hạnh phúc còn bi thảm đến mức có lần tôi còn nghe chị đồng nghiệp tâm sự, sau 10 năm ngày cưới, mỗi lần cúng giao thừa, chị lại ơn trời vì vợ chồng lại được qua thêm một năm “an toàn”.
        
2. Ông Huỳnh Phương Bá (quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy và Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Quân khu 5) gặp vợ là Vương Thị Tiệng (quê Nghệ An, nguyên kỹ sư nông nghiệp, Ban Nông lâm thủy lợi Quảng Nam - Đà Nẵng) khi ông tập kết ra Bắc. Năm 1960, họ kết hôn rồi sau đó biền biệt 13 năm vì nhiệm vụ với Tổ quốc. Trong khoảng thời gian ấy, ông tham gia chiến đấu, còn bà tiếp tục việc học hành, mọi yêu thương họ gửi qua các trang thư. “Mà thư đi trong chiến tranh thì cái viết trước tới sau, cái viết sau tới trước. Nhưng cái nào cũng được cất trong thùng sắt, chôn dưới đất để bảo quản khỏi nguy hại của lửa đạn. Vui lắm!”, ông Bá nói. Chỉ đến năm 1990, tức là khoảng 20 năm trở lại đây, khi cả hai về hưu thì ông bà mới thực sự có thời gian dành cho nhau trọn vẹn.

3. Nói “bí quyết” thì có vẻ hơi lớn lao, bởi cái cách để hai vợ chồng già hưu trí giữ gìn hạnh phúc gia đình là những gì rất bình dị. Đó là mỗi buổi bà đi bộ ra chợ, dù không còn đủ sức chở bà, nhưng ông luôn lặng lẽ đạp xe theo rồi chịu khó đợi để chở giỏ hàng về cho bà bớt nặng. Đó là mỗi bữa cơm, tới tận tuổi này ông vẫn luôn “ga-lăng” như gọt trái cây, bóc vỏ chuối cho bà. Phần bà, mỗi khi bạn bè ông đến, có bận bịu hay đau ốm cỡ nào bà cũng niềm nở hết lòng để ông vui. Tôi thì nôm na tưởng tượng thế này, hai cụ không còn trao thư tay như trước đây nữa nhưng vẫn đều đều “viết thư tình” bằng từng hành động yêu thương chia sẻ mỗi ngày. Ông bảo, chỉ cần biết sống vì nhau một chút thôi thì cuộc đời vợ chồng lúc nào cũng… vui lắm.

Cái cách luôn sống vì nhau là điều gì đó rất tự nhiên với những người được trưởng thành trong giai đoạn mà cái tôi của cá nhân bị chìm bởi những cái chung, lớn lao hơn của đất nước. Xã hội càng phát triển, cái tôi càng lớn nên đôi khi con người nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn, vợ chồng trẻ dễ quyết định ly hôn cũng nhiều hơn, ông bảo thế. Ở khía cạnh này, tôi thực sự vẫn mơ hồ là phải chẳng sự sẵn sàng ly hôn khi cần thiết là một thái độ sống mạnh mẽ, thể hiện tinh thần dám đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân mình trước những rào cản của điều tiếng và dư luận?

Với ông Huỳnh Phương Bá, hành động ly hôn của những người trẻ cũng có mặt ưu như vậy. Nhưng trong nhiều trường hợp người ta đã đi đến quyết định phá bỏ hôn nhân khi chưa thực sự tìm mọi cách tạo dựng nó.

Tạo dựng là một quá trình dài, có sự rèn luyện và tác động của gia đình, xã hội. Ông cho rằng, một gia đình có nền nếp luôn yêu thương, coi sự tổn thương của người khác là trách nhiệm mà bản thân mình phải tìm cách hàn gắn sẽ là nền tảng cho chúng ta biết yêu thương và luôn muốn hàn gắn với người bạn đời sau này. Bên cạnh đó, trong mỗi người phải có lòng trắc ẩn để sợ làm người khác đau, chứ không phải thái độ sống muốn hành hạ vợ hoặc chồng mình đau nhiều hơn nữa mới hả dạ.

Dù luôn lạc quan trước cuộc đời, nhưng ông cũng không phủ nhận sự giả dối trong lối sống và ứng xử đang thực sự đáng sợ, khiến con người ta giảm đi lòng trắc ẩn và sự trung thực. Tiếc là những đứa trẻ ngày nay ít được lớn lên trong môi trường trong veo sự thành thật để trở thành người chồng, người vợ đáng tin cậy trong lòng nhau…

4. Một buổi chiều quá ngắn ngủi cho tôi được chiêm ngưỡng hành trình hôn nhân với đủ nghĩa và tình của vợ chồng ông, cũng không đủ để một người trẻ thôi mơ hồ về ý nghĩa của hạnh phúc trong hôn nhân. Chỉ biết rằng, nghe con dâu ông bà thể hiện sự khao khát đến tuổi già vẫn được hưởng hạnh phúc như thế, thấy đứa cháu nội mới lên 3 của hai cụ đã sớm biết ý nhị quan tâm tới người khác, đủ thấy “trái ngọt” của một lối sống luôn vì nhau và giàu lòng trắc ẩn đang tiếp nối đơm hoa.

THU HOA

;
.
.
.
.
.