.

Chặn đứng tiền lệ xấu

.

Phải xử lý tháo dỡ biệt phủ của ông Ngô Văn Quang xây dựng trái phép trong rừng đặc dụng Nam Hải Vân theo tinh thần Nghị quyết của HĐND thành phố.

Dư luận cử tri thành phố thở phào: Vụ xử lý công trình xây dựng trái phép của ông Ngô Văn Quang cuối cùng đã đến hồi kết. Việc lãnh đạo thành phố kiên quyết xử lý vi phạm này nhằm chặn đứng việc tạo ra tiền lệ xấu là vi phạm pháp luật rồi tìm cách hợp pháp hóa hành vi đó.

Việc xử lý các trường hợp xây dựng trái phép tại khu vực đồi Chim Chim thuộc tiểu khu 11 rừng đặc dụng Hải Vân coi như khép lại nhưng còn đó nhiều bài học đáng suy ngẫm trong công tác quản lý Nhà nước.

Bài học đầu tiên là công tác quản lý Nhà nước của thành phố đối với việc giao khoán sử dụng đất rừng đã bị buông lỏng suốt một thời gian dài gần 20 năm.

Đó là tình trạng giao khoán đất lâm nghiệp tràn lan, không đúng đối tượng (theo Nghị định 01/NĐ-CP của Chính phủ quy định người được giao khoán đất lâm nghiệp chỉ sử dụng vào mục đích trồng rừng phát triển kinh tế, không được chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào).

Trong khi đó, người dân địa phương nơi có đất rừng có nhu cầu trồng rừng làm kinh tế không được giao đất. Giao đất rừng sai đối tượng, ắt dẫn đến sử dụng sai mục đích như chuyển nhượng trái pháp luật, xây dựng trái phép... Dư luận đặt dấu hỏi liệu có tiêu cực trong việc giao khoán đất rừng.

Xây dựng trái phép trên đất rừng đặc dụng Nam Hải Vân không phải đến cuối năm 2014 mới bị phát hiện, được báo chí đăng tải. Tình trạng này bắt đầu từ năm 1997.

Chính quyền quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc  và các ngành chức năng của thành phố đã kiểm tra và xử phạt hành chính, trong đó có buộc tháo dỡ nhiều lần. Điển hình trong năm 2011, tính từ tháng 5 đến tháng 7 có ít nhất 9 văn bản từ thành phố đến phường liên quan đến việc xử lý buộc tháo dỡ công trình trái phép nhưng vẫn không xử lý được.

Điệp khúc kiểm tra, phát hiện, ra văn bản xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ lặp đi, lặp lại nhiều lần với cả rừng văn bản nhưng không hiểu vì lý do gì mà công trình xây dựng trái phép vẫn tiếp tục tồn tại và không ngừng phát triển. Điển hình là công trình xây dựng trái phép của ông Ngô Văn Quang.

Rõ ràng sai phạm của các trường hợp này có tính hệ thống, liên tục và kéo dài. Cử tri thành phố cho rằng: Thật thiếu công bằng khi một cựu chiến binh phường Hòa Hiệp Bắc xây dựng nhà hàng trên đất rừng Nam Hải Vân lại bị xử lý tháo dỡ rất kiên quyết, còn biệt phủ nguy nga trong rừng vẫn thách thức dư luận.

Bài học thứ ba là sự thiếu nhất quán trong chỉ đạo xử lý vụ việc này. Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố (khóa VIII) đã biểu quyết thống nhất thời hạn xử lý tháo dỡ biệt phủ xây dựng trái phép của ông Quang chậm nhất đến tháng 8-2015.

Dư luận cử tri thành phố cũng như báo chí lúc đó rất đồng tình với quan điểm kiên quyết xử lý của Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố đối với hành vi xây dựng trái phép này. Tuy nhiên, công trình này đã có một khoảng thời gian trì hoãn tháo dỡ do ông Quang gửi đơn lên các cơ quan Trung ương, sau đó có hoạt động giải quyết, xử lý đơn thư của Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đối với vụ việc này.

Trong quá trình đó, cơ quan chấp hành của HĐND thành phố đã ban hành những văn bản chỉ đạo UBND quận Liên Chiểu tạm dừng áp dụng biện pháp xử lý hành chính tháo dỡ biệt phủ của ông Quang và chỉ 6 ngày sau lại ra văn bản chỉ đạo thực hiện xử lý. Sự việc này đã gây nên sự hiểu nhầm của cử tri và dư luận.

Sự việc sau đó đã được Bí thư Thành ủy và Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: Nghị quyết HĐND thành phố (về việc tháo dỡ biệt phủ của ông Ngô Văn Quang) phải được thực thi nghiêm túc. Cùng thời điểm, Thanh tra Chính phủ có văn bản khẳng định việc xử lý công trình xây dựng trái phép của ông Ngô Văn Quang thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Đà Nẵng và đề nghị khẩn trương giải quyết theo quy định pháp luật.

Cử tri thành phố đồng tình với quan điểm xử lý vụ việc: Mọi người đều bình đẳng pháp luật. Thành phố không chấp nhận hành vi vi phạm pháp luật để lâu được hợp pháp hóa (chuyển biệt phủ của ông Quang thành khu du lịch). Nếu chấp nhận, đó là tiền lệ xấu cho những vi phạm pháp luật trong tương lai. Biệt phủ của ông Quang dù giá trị đến đâu cũng không thể đánh đổi lấy niềm tin của cử tri thành phố vào kỷ cương, phép nước. Mọi hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Từ cái sai nhỏ không được xử lý dứt điểm ngay từ đầu dẫn đến vi phạm lớn kéo dài gây dư luận bức xúc, làm tốn thời gian, chi phí ngân sách của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương vào cuộc giải quyết. Những bài học này phải được rút kinh nghiệm để tránh xảy ra những trường hợp tương tự trong tương lai.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.