.

"Dính chàm" thì không có chuyện xin xỏ

.

Nếu ai vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực có đủ chứng cứ phải bị xử lý, không có chuyện gặp lãnh đạo xin xỏ, không có chuyện can thiệp, tác động. Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cảnh báo cán bộ, đảng viên tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 50-CT/TW (ngày 7-12-2015) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Quan điểm của tập thể Thường trực Thành ủy là kiên trì, kiên quyết phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực, không nể nang, không né tránh, không có vùng cấm. Bí thư Thành ủy cũng đặt vấn đề cần đổi mới cơ chế PCTN hiệu quả hơn.

Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đã nêu kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về PCTN, diễn biến tham nhũng vẫn ngày càng phức tạp, Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta.

Trình bày dự thảo chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Trần Thanh Vân cũng nêu thực trạng chống tham nhũng hiện nay là “một tay thì đấm còn một tay thì xoa”. Từ năm 2006 đến nay, thành phố đã xử lý được 15 vụ án với 24 bị can về tham nhũng nhưng không có vụ án nào mà không có sự can thiệp ít nhiều, gửi gắm này gửi gắm nọ… Hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng không cao.

Các ý kiến thảo luận cũng nêu thực trạng công tác phát hiện, phòng chống tội phạm tham nhũng giữa các cơ quan thanh tra, điều tra… vẫn chưa được chặt chẽ. Trình độ của điều tra viên về án tham nhũng cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là lĩnh vực quản lý tài chính. Pháp luật cũng vướng, nhiều vụ án tham nhũng cả năm giám định tài sản nhưng vẫn chưa có kết quả, mà chưa có kết quả giám định thì chưa thể khởi tố, hoặc những vụ có liên quan đến xây dựng cơ bản khi chưa quyết toán chưa thể khởi tố được.

Tại sao quyết tâm PCTN của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng, có hẳn một hệ thống pháp luật mà hiệu quả PCTN vẫn chưa cao, tham nhũng vẫn chưa được đẩy lùi, vẫn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ? Rõ ràng là cơ chế phòng, ngừa chưa hiệu quả là thực tế đòi hỏi phải sửa Luật PCTN để khắc phục triệt để những hạn chế.

Đơn cử việc kê khai tài sản của cán bộ vẫn hình thức, chưa có hiệu quả đối với PCTN, kê nhưng không công khai, không thẩm định, xác minh được, cũng không ai quản lý được tài sản kê khai, tức là kê khai chỉ để đấy chứ không giải quyết được gì.

Để PCTN hiệu quả, luật phải có cơ chế đảm bảo thi hành, giám sát, kiểm tra quá trình thi hành. Quy định về kê khai tài sản, thu nhập, xử lý tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý cũng phải được đổi mới căn bản, cùng với đó áp dụng nhiều biện pháp để minh bạch hóa tài sản. Cần có quy định bảo vệ người cung cấp thông tin và miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong một số trường hợp.

Nên chăng có chính sách khoan hồng phù hợp đối với người đưa hối lộ trong trường hợp bị ép buộc, bất khả kháng hoặc đã chủ động tố giác khi bị phát hiện. Đặc biệt, cần phải tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức PCTN, cùng với kiện toàn, bổ sung vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan PCTN hiện nay. Có như vậy mới PCTN hiệu quả, không để tham nhũng tiếp tục làm xói mòn lòng tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước.

Một tín hiệu lạc quan là sắp tới đây sẽ có một hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN, thực trạng tham nhũng hiện nay và hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Thông qua hội nghị lần này sẽ làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, trong đó trọng tâm là việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN, tạo đột phá trong công tác PCTN trong thời gian đến

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.