.

Hạ lãi suất phải bền vững

.

Một số ý kiến gần đây cho rằng mức lãi suất cho vay ở nước ta hiện thuộc diện cao nhất khu vực, đồng thời dẫn chứng một loạt mức “lãi suất thực” mà doanh nghiệp phải gánh chịu, trong đó Việt Nam thuộc dạng “đầu bảng” (7-8%/năm), nếu so với Philippines (2,2%), Malaysia (2,1%)…

Cần lưu ý rằng, tiêu chí thống kê kinh tế nói chung, lãi suất nói riêng, phải được đặt trong một hệ quy chiếu chung thống nhất, nếu không sẽ rất khập khiễng. Nếu quan niệm lãi suất thực một cách đơn giản (Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa - Tỷ lệ lạm phát dự kiến) thì lãi suất thực quý 1-2016 tại Việt Nam chỉ vào khoảng 3-4% dựa trên căn cứ xác suất thống kê lãi suất từ một số ngân hàng thương mại (NHTM) nội địa lớn có uy tín tại Việt Nam.

Nhưng nếu quan niệm lãi suất thực là một khái niệm đa chiều, có liên quan đến nhiều biến số phức tạp khác, ví dụ: chi phí bù đắp rủi ro lạm phát/ rủi ro thanh khoản/ rủi ro nợ xấu/ rủi ro kỳ hạn… thì thực chất lãi suất thực ở ta chỉ còn khoảng 1,5 - 2,5%.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tốt đang được thụ hưởng mức lãi suất khá hấp dẫn, ví dụ ngắn hạn chỉ từ 4-5%/năm, trung dài hạn từ 6-9%. Lãi suất USD còn thấp hơn, khoảng 2-3%. Mức lãi suất cho vay trung và dài hạn dưới 10% thực ra đã được các NHTM chủ động điều chỉnh từ khá lâu trước khi có hội nghị gặp gỡ mới đây giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

Vấn đề tồn tại lớn nhất đối với điều hành lãi suất hiện nay chính là chúng ta đang bị sa lầy quá lâu vào não trạng “lãi suất tiền gửi cao”. Hàng loạt NHTM đua nhau nâng lãi suất tiết kiệm lên cao. Trong khi đồng tiền xã hội thay vì cần được khơi thông để luân chuyển mạnh mẽ, đưa vào kinh doanh, khuyến khích tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tăng cường ý thức khởi nghiệp… thì lại bất động trong két ngân hàng để hưởng lãi.

Lãi suất tiền gửi ở các nước có nền tảng vĩ mô ổn định luôn duy trì ở mức rất thấp (dưới 1%/năm), kể cả áp dụng mức lãi suất bằng zero nếu tiền gửi không đạt số dư tối thiểu theo quy định (Ví dụ, tại Philippines: gửi tiết kiệm <500 bằng USD lãi suất 0%, trên mức đó áp dụng lãi suất 0,01%; gửi tiết kiệm bằng nội tệ peso không quy định mức tối thiểu nhưng lãi suất cũng chỉ vào khoảng 0,1%).

Một mô hình kinh tế dựa vào “lãi suất tiền gửi cao” tất yếu dẫn đến sự kém năng động, làm tê liệt động lực phát triển và sáng tạo, thui chột ý chí chấp nhận vượt qua rủi ro. Hệ thống ngân hàng sẽ muôn đời quá tải vì gánh vác nhu cầu tín dụng ngày càng phình to ra, sẽ không có khả năng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững, trong khi sự chia sẻ trách nhiệm từ thị trường chứng khoán là quá ít ỏi, mặc dù đã gần 20 năm hình thành nhưng đến nay quy mô mãi chưa lớn nổi!

Giảm lãi suất là bài toán chiến lược của nền kinh tế, không nên và không để chạy theo những kiến nghị mang tính chủ quan nhất thời. Điều này đòi hỏi phải soát xét và thay đổi căn bản quan niệm điều hành chính sách vĩ mô, gắn với tái cơ cấu thực chất hệ thống kinh tế và tài chính ngân hàng theo những chuẩn mực thị trường hiện đại.

Nếu cứ duy trì thực trạng hơn 50 tổ chức tín dụng như hiện nay, hoạt động manh mún, quy mô nhỏ lẻ, cạnh tranh bằng lãi suất hơn là chất lượng sản phẩm dịch vụ và công nghệ thì sẽ không có hy vọng hướng đến mục tiêu tạo lập nền tảng lãi suất bền vững. Mặt khác, phải nhìn nhận và đối xử với lãi suất theo quan điểm động, mang tính pháp lý công bằng.

Người có uy tín mặc nhiên được vay lãi suất thấp, trong khi người chưa hội đủ độ tin cậy buộc phải chấp nhận lãi suất cao. Tương tự như vậy, những ngân hàng có bề dày tín nhiệm sẽ không thu hút tiền gửi và cho vay bằng mọi giá, trong khi những ngân hàng có mức độ rủi ro cao cần bị đặt vào chế tài buộc phải phá sản. Từ đó gửi đi một thông điệp thực sự minh bạch đến khách hàng để họ đặt cược quyền lựa chọn nơi giao dịch sao cho an toàn.

Tâm Dân

;
.
.
.
.
.