.

Khắc phục thiếu nước sinh hoạt: Giải pháp nào căn cơ?

.

Trong những ngày qua, người dân thành phố Đà Nẵng rất khổ sở bởi tình trạng thiếu nước sinh hoạt vì thủy điện (NMTĐ) Sông Bung 4 tích nước ở thượng nguồn. Làm sao để khắc phục được tình trạng này? Phóng viên Báo Đà Nẵng đã trao đổi với ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố xung quanh vấn đề này.

Dù suy kiệt nước, nhưng sông Vu Gia vẫn đổ về sông Thu Bồn, gây thêm khó khăn đối với việc cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng.  								             Ảnh: KHÁNH HÀ
Dù suy kiệt nước, nhưng sông Vu Gia vẫn đổ về sông Thu Bồn, gây thêm khó khăn đối với việc cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÀ

* Hiện sông Cầu Đỏ vẫn đang bị nhiễm mặn rất nặng mặc dù các nhà máy thủy điện (NMTĐ) đang tích cực xả nước về. Nếu sắp đến trời không mưa thì theo ông, cần phải có giải pháp nào?

-  Nguyên nhân chính dẫn đến việc thành phố thiếu nước sinh hoạt như trong thời gian qua là do NMTĐ Sông Bung 4 chặn dòng, tích nước làm suy giảm nguồn nước về hạ du khiến sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng. Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay phải ngưng lấy nước từ sông Cầu Đỏ, bơm nước thô từ đập dâng An Trạch về sản xuất. Bên cạnh đó, mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch bị sụt giảm làm giảm công suất bơm nước của các máy bơm khiến Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay thiếu nước sản xuất.

Hiện tại, không thiếu nước sản xuất nông nghiệp nhưng thiếu nước sinh hoạt. Giải pháp chính vẫn là yêu cầu các NMTĐ ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn tăng cường xả nước về sông Vu Gia. Do NMTĐ Sông Bung 4 đang tích nước nên không thể yêu cầu xả nước. NMTĐ Đăk Mi 4 đang xả nước với lưu lượng 20m3/s, còn NMTĐ A Vương đang xả nước với lưu lượng trung bình từ 40-45m3/s trong 6 ngày rồi tạm dừng 4 ngày, nên không đủ đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ và bảo đảm mực nước tại thượng lưu đập dâng An Trạch cho các trạm bơm họat động, cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Do đó, đề nghị NMTĐ Đăk Mi 4 phải xả nước với lưu lượng 25m3/s theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trước đây. NMTĐ A Vương cũng phải xả thêm nước để bảo đảm cấp nước sinh hoạt. Nếu vẫn còn thiếu nước thì cần phải làm việc với tỉnh Quảng Nam thực hiện giải pháp tạm là chặn sông Quảng Huế, làm giảm lưu lượng dòng chảy hoặc ngăn không cho nước từ sông Vu Gia chảy về sông Thu Bồn mà chảy về Đà Nẵng.

* Vậy có cách nào để tránh tái diễn tình trạng thiếu nước sinh hoạt dài ngày trong khi chưa ban hành quy trình vận hành các hồ chứa NMTĐ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa cạn ?

- Theo tôi, để giảm thiểu tình trạng này trong thời gian đến, trước hết, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) cần phải chủ động báo cáo sớm tình hình cho UBND thành phố để lãnh đạo thành phố có những chỉ đạo cụ thể hoặc khẩn cấp họp các ngành liên quan, cùng bàn bạc, đề xuất phương án, yêu cầu các NMTĐ tăng cường xả nước về.

* Sắp đến, khi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang về Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa các NMTĐ trong mùa cạn, ông tiếp tục yêu cầu chọn cao trình mực nước tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa là 2,8m để làm cơ sở vận hành xả nước thủy điện?

- Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan, cán bộ của Bộ TNMT. Sắp đến, nếu có làm việc với Bộ trưởng, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là chọn cao trình mực nước 2,8m tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa làm cơ sở vận hành điều tiết nước của các hồ chứa NMTĐ trong mùa cạn. Đây là mực nước trung bình của 3 tháng cạn kiệt nhất trong năm là tháng 2, 3 và 4. Việc Bộ chọn mực nước 2,53m (mực nước trung bình 1 tháng nhỏ nhất từ năm 1976-2008) làm cơ sở vận hành xả nước đồng nghĩa với việc đặt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái cạn kiệt nguồn nước. Thực tiễn trong những ngày Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt vừa qua minh chứng điều đó.

UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cũng đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi dự thảo quy trình theo hướng nên giao cho 2 địa phương thực hiện điều tiết nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng hoặc điều hành xả nước của các NMTĐ không bảo đảm (theo quy trình vận hành các hồ chứa NMTĐ trong mùa lũ, UBND tỉnh Quảng Nam điều hành việc xả lũ). Sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng, thậm chí mất trắng nếu bị thiếu nước từ 3-5 ngày trong mùa cạn, còn nước sinh hoạt thì không được thiếu trong 1 ngày. Trong khi đó, để báo cáo việc thiếu nước và đề xuất lên Bộ TNMT điều tiết nước thì phải tốn thêm thời gian.

* Quy trình vận hành các hồ chứa trong mùa lũ của các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không hề đề cập đến NMTĐ Sông Bung 4, trong dự thảo mới nhất về quy trình vận hành trong mùa cạn cũng chưa đề cập NMTĐ Sông Bung 4. Ý kiến của ông về việc này?

- NMTĐ Sông Bung 4 không được đề cập trong quy trình vận hành mùa lũ và cũng không đề cập trong dự thảo quy trình vận hành mùa cạn, trong khi mùa lũ tới đây NMTĐ này đi vào hoạt động rồi. Những tồn tại và hạn chế của việc vận hành các NMTĐ trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, chúng tôi đã phân tích, kiến nghị nhiều lần rồi nhưng các cơ quan chức năng cứ lờ đi. Mình cứ nói mãi mà người ta cứ nghĩ như mình đang “chơi xấu” họ. Giờ xảy ra việc thiếu nước sinh hoạt, người dân thành phố phải chịu khổ trong những ngày qua, nhưng chưa biết Cục Quản lý tài nguyên nước và Bộ TNMT có nhìn thấy không?

* Cảm ơn ông trả lời phỏng vấn.

Ông Nguyễn Hữu Ba, Phó Giám đốc DAWACO:

Xây dựng đập cao su ngăn mặn là tối ưu

Trước đây, nguồn nước dồi dào vì không có các thủy điện, giờ thủy điện nhiều, giữ nước ở trên thượng nguồn, nước không còn về nhiều. Vấn đề này hiển hiện ngay trước mắt, không cần nghiên cứu gì nhiều. Hiện sông Cầu Đỏ vẫn bị nhiễm mặn rất nặng, chưa thể lấy được nước ở đây mà phải lấy nước từ đập dâng An Trạch về cấp nước sinh hoạt cho dân. Tình hình này chắc còn phải kéo dài. Chỉ khi có mưa ở thượng nguồn mới có nước về dồi dào, đẩy được mặn, cải thiện tình hình. Nếu không có mưa thì vẫn tiếp tục lấy nước từ đập An Trạch nhưng công suất nước bơm về thấp hơn so với nhu cầu nước, nên phải tiếp tục cân đối, điều hòa cấp nước để mọi khu vực, hộ dân đều có nước dùng.

Để giải quyết căn cơ tình trạng này và để ngăn mặn ngay khu vực cầu Đỏ, công ty chúng tôi đề xuất lắp đặt một đập mềm cao su ngay phía hạ lưu cửa thu nước thô của Nhà máy nước Cầu Đỏ. Vào mùa khô thì bơm hơi vào ngăn sông để ngăn mặn, giữ ngọt, lấy được nước thô từ sông Cầu Đỏ. Còn vào mùa lũ, không cần nữa thì xả hơi, thu lại để sử dụng mùa sau. Giải pháp này tối ưu nhất, giải quyết căn cơ tình trạng thiếu nước sinh hoạt do sông Cầu Đỏ nhiễm mặn, bảo đảm cấp nước bình thường, ổn định cho người dân thành phố.

GS. TS Nguyễn Thế Hùng, Khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng:

Hậu quả của cách làm phản khoa học

Nhìn chung năm nay “mưa thuận, gió hòa”. Vào mùa hè, mặc dù có mưa nhiều nhưng lại xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt như thế này thì những năm không mưa, còn khổ hơn nữa. Tôi đã nhiều lần nói với lãnh đạo mộ số ngành chức năng rằng, các NMTĐ làm ăn quá bát nháo và ăn gian số liệu. Khi khảo sát thấy dung tích hồ nhỏ nhưng cứ vẽ cho to ra, thấy lưu lượng dòng chảy về hồ ít nhưng ghi cho lớn lên, rồi trong lúc tính toán thì cứ phù phép số liệu… để tính cho ra hiệu quả sản xuất 1kW điện là tốt nhằm dễ được phê duyệt. Có nhiều công trình thủy điện thực ra không lãi nhưng với cách tính như vậy nên thấy con số có lãi là người ta phê duyệt.

Trong tương lai chắc chắn sẽ tái diễn những sự cố nhân tai như: xả lũ chồng lũ, thiếu nước sinh hoạt, bởi đó là hậu quả của việc làm ăn phản khoa học, chỉ vì lợi ích của chủ đầu tư thủy điện mà bỏ qua yếu tố dân sinh. Điều này đúng quy luật xã hội. Bất cứ đất nước nào, nước cho sinh hoạt là cần thiết và cần đáp ứng đủ để phục vụ đời sống. Nhưng người dân đang phải sống thiếu nước sinh hoạt do các NMTĐ.

KHÁNH HÀ ghi

KHÁNH HÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.