.
Hàng lạ quanh ta

Bài cuối: Lỗ hổng từ thị trường

.

Từ năm 2015, Việt Nam chính thức thực hiện cam kết tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Theo đó, hàng hóa các nước Đông Nam Á, tiến tới là Trung Quốc, Hàn Quốc… sẽ được lưu thông tự do trong toàn khối mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào về thuế giữa các thành viên. 12 lĩnh vực ưu tiên như may mặc, giày dép, nông sản, thủy sản… được tự do lưu thông cũng có nghĩa là áp lực cạnh tranh với các ngành sản xuất trong nước rất lớn.

Các sản phẩm may mặc hàng Việt Nam chất lượng cao đang có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.                                                                                                                         Ảnh: Duyên Anh
Các sản phẩm may mặc hàng Việt Nam chất lượng cao đang có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Duyên Anh

Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, mối lo hàng Việt thua ngay trên sân nhà sau khi mở cửa tự do thị trường ASEAN vào năm 2015 đã được dự báo. Tất nhiên, không thể đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải tự thân vận động trong bối cảnh khó khăn mà rất cần sự điều phối từ phía Nhà nước.

Làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá so với hàng Trung Quốc lâu nay đã được các ngành, địa phương ở nước ta quan tâm, nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ hỗ trợ DN như đổi mới công nghệ, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để có các nguyên liệu đầu vào trong nước phục vụ cho sản xuất. Điển hình như ngành hàng dệt-may của Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở khâu gia công mà chưa tạo ra được giá trị gia tăng vì nguyên liệu gần như phải nhập khẩu hoàn toàn.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và độc hại xuất xứ từ Trung Quốc không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn là mối nguy hại đến sức khỏe của cộng đồng người Việt. Vì vậy, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ các ngành y tế, khoa học và công nghệ đầu tư các phương tiện kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tại Đà Nẵng, các ngành chức năng chỉ có phương tiện làm những xét nghiệm nhanh trên nông sản thực phẩm, nhưng những xét nghiệm đơn giản này chưa đủ điều kiện để đánh giá, đưa ra quyết định cuối cùng kết quả thực hiện. Việc kiểm tra dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu tại Đà Nẵng chưa có cơ quan chức năng nào thực hiện được, còn gửi mẫu xét nghiệm không dễ vì không đủ điều kiện bảo quản mẫu trong quá trình di chuyển.

Ông Lê Quốc Thỉnh, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản thành phố, nhìn nhận: “Với những mặt hàng như nông sản phải được kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới chứ vô Đà Nẵng rồi thì khó mà kiểm soát hết được”. Đại diện Sở NN&PTNT Đà Nẵng cũng cho rằng, để có nguồn thực phẩm an toàn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành và cả vai trò tích cực của người tiêu dùng, chứ một mình Sở NN&PTNT không thể kiểm soát nổi.

Các giải pháp hành chính đối việc việc xử lý vi phạm trong kinh doanh hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng hiện nay chưa đủ “đô” để xử lý, vì vậy tình trạng này vẫn luôn tồn tại. Trong tất cả các trường hợp vi phạm, các hộ kinh doanh đều biết rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhưng vì lợi nhuận mà họ nhắm mắt làm ngơ.

Đà Nẵng với 85 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng, tạp hóa lớn nhỏ, chưa kể hàng hóa buôn bán dạo, hàng di động ở nông thôn chưa được quản lý chặt chẽ; từ đó, hàng giả, hàng lậu vẫn mặc sức tung hoành, làm rối loạn thị trường, dồn nhà sản xuất trong nước vào “thế bí” đến mức không thể cạnh tranh phải phá sản, còn người tiêu dùng thì hoang mang. Trong lúc đó, cơ quan chức năng không thể đòi hỏi người dân phải làm người tiêu dùng thông thái để phân biệt thực phẩm kém chất lượng hoặc đâu là hàng Việt Nam, đâu là hàng Trung Quốc. Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế Đà Nẵng, kiến nghị: “Nhà nước phải có kênh thông tin chính thống phản hồi hàng thật, hàng giả, hàng Trung Quốc kém chất lượng, hàng độc hại để cảnh báo người tiêu dùng. Người dân thiếu thông tin, đời sống còn khó khăn nên vẫn còn ham hàng rẻ, chưa chú trọng đến vấn đề nguy hại sức khỏe lâu dài”.

DUYÊN ANH - THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.