.

Cuộc đào thoát của "người thổi còi"

.

Cuộc đào thoát của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden từ Hong Kong sang “nước thứ ba” và cuộc truy lùng của Washington được Reuters ví như trò chơi mèo bắt chuột.

Tin tức về Edward Snowden liên tục được phát sóng trên các kênh truyền hình ở Hong Kong.  								                       Ảnh: AP
Tin tức về Edward Snowden liên tục được phát sóng trên các kênh truyền hình ở Hong Kong. Ảnh: AP

Hãng tin Interfax của Nga cho biết, chuyến bay được cho là chở Edward Snowden - người đang bị Mỹ truy lùng ráo riết vì tiết lộ chương trình gián điệp gây chấn động dư luận - từ Hong Kong đã hạ cánh tại sân bay Sheremetyevo của Mátxcơva. Song, đây chưa phải điểm đến cuối cùng của “người hùng” Snowden mà chỉ là điểm trung chuyển để đến “nước thứ ba”.

Cũng theo Interfax, các bác sĩ của Đại sứ quán Ecuador tại Mátxcơva đã kiểm tra sức khỏe của Snowden ở ngay sân bay. Đại sứ Ecuador tại Nga Patricio Chavez cũng đến sân bay Sheremetyevo sau khi máy bay chở Snowden hạ cánh. BBC cho biết, anh có thể đến Cuba, sau đó đến Venezuela - quốc gia Nam Mỹ mà Chính phủ vốn có “quan hệ nhạy cảm với Washington”, rồi mới đáp chuyến bay đến Ecuador. Tuy nhiên, Cuba nói rằng nước này chưa có thông tin về sự hiện diện của Snowden.

Như vậy, cả Cuba lẫn Venezuela - những quốc gia từng được xem là điểm đến của Snowden - thì nay có thể chỉ là điểm trung chuyển để anh đến Ecuador.

Trong lúc muốn dẫn độ Snowden về Mỹ để đối mặt với các cáo buộc, Washington ngày 24-6 bày tỏ kỳ vọng Mátxcơva sẽ đưa “kẻ tội đồ” của Chính phủ Mỹ về nước và ngăn chặn người làm lộ chương trình gián điệp của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) rời thủ đô của Nga. Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Caitlin Hayden, Nga nên xem xét tất cả sự lựa chọn phù hợp để trục xuất Snowden, đồng thời Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo các nước Tây bán cầu không để Snowden tị nạn.

Cường quốc hàng đầu thế giới cũng phản đối mạnh mẽ việc Hong Kong và Trung Quốc cho phép Snowden rời khỏi đặc khu hành chính. Tổng thống Barack Obama vốn đang nỗ lực cài đặt lại quan hệ với Nga và xây dựng quan hệ đối tác với Trung Quốc nên những hành động như thế sẽ gây bất lợi cho các mối quan hệ song phương giữa Hong Kong, Trung Quốc, Nga với Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bị phía Mỹ chỉ trích, cho rằng ông dường như biết vụ việc và thậm chí đã “bật đèn xanh” cho chuyến bay chở Snowden đến Mátxcơva. Thượng nghị sĩ Mỹ Charles Schumer còn dự đoán “những hệ lụy nghiêm trọng” trong quan hệ Washington - Mátxcơva. Còn Trung Quốc chưa có bình luận gì, ngoài tuyên bố tôn trọng cách thức giải quyết của Hong Kong.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino tiết lộ, Chính phủ của ông đã nhận được đề nghị tị nạn từ Snowden và anh có thể nhận được sự hỗ trợ của trang mạng WikiLeaks. Người sáng lập trang mạng này, Julian Assange, cũng được Chính phủ cánh tả của Tổng thống Rafael Correa che chở và đang lánh nạn ở Đại sứ quán Ecuador tại London (Anh) do tiết lộ các tài liệu bí mật của Chính phủ Mỹ. Trên trang Twitter, WikiLeaks khẳng định đã giúp Snowden có được các giấy tờ đi lại và bảo đảm cho anh rời Hong Kong an toàn. Song, ông Patino không cho biết Chính phủ nước này mất bao nhiêu thời gian để quyết định vấn đề tị nạn của Snowden, chỉ nói rằng đề nghị tị nạn sẽ được các nhà chức trách Ecuador xem xét một cách có trách nhiệm.

Về mối quan hệ với Mỹ, Ngoại trưởng Patino nói rằng, một số chính phủ hành động phụ thuộc vào lợi ích, nhưng Ecuador thì không. “Chúng tôi hành động dựa theo những nguyên tắc của mình”, ông Patino nói và nhấn mạnh: Ecuador quan tâm đến quyền con người.

Ecuador, Cuba và Venezuela đều là thành viên của khối ALBA - liên minh các Chính phủ cánh tả tại Mỹ Latinh. Mỹ vốn không có hiệp uớc dẫn độ với Nga, nhưng có thỏa thuận này với Cuba, Venezuela và Ecudor. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, dù có hiệp ước đi chăng nữa, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể cho Snowden sự ngoại lệ. Và hành trình trốn chạy của Snowden đang làm tăng thêm cuộc khủng hoảng mà Washington đối mặt, liên quan chương trình gián điệp của NSA.

Ngày 24-6, chuyến bay SU150 từ Mátxcơva đến Havana cất cánh, nhưng chỗ ngồi mà Edward Snowden đặt vẫn trống. Như vậy chưa có dấu hiệu nào cho thấy “người thổi còi” và là “kẻ tội đồ” của Mỹ ra nước ngoài sau khi anh đến Nga vào tối trước đó. Hãng Interfax dẫn nguồn tin cơ quan an ninh Nga xác nhận Snowden không có mặt trên chuyến bay này.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.