.

Crimea chọn Nga

.

Cuối cùng người Crimea cũng chọn tách khỏi Ukraine để gia nhập Nga, nhưng sự lựa chọn này sẽ đặt Mátxcơva vào thế khó do bị Mỹ và châu Âu trừng phạt.

Người Crimea thân Nga vui mừng với kết quả trưng cầu dân ý ở Sevastopol. 							                  Ảnh: AFP
Người Crimea thân Nga vui mừng với kết quả trưng cầu dân ý ở Sevastopol. Ảnh: AFP

Theo AP, trưng cầu dân ý ở Crimea ngày 16-3 diễn ra đúng dự đoán với 96,8% ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Đây là thắng lợi lớn của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc đối đầu với Mỹ và châu Âu để có được bán đảo chiến lược Crimea. Song, câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý này.

“Chúng ta đang về nhà”

Ngày 17-3, sau khi có kết quả chính thức, các nghị sĩ ở Crimea thông qua nghị quyết tuyên bố bán đảo Biển Đen này - nơi có 2 triệu dân sinh sống - là nhà nước độc lập, chủ quyền. Sau đó, họ nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga.

Việc người Crimea chọn Nga được cho là sẽ vẽ lại bản đồ châu Âu một cách đáng kể nhất kể từ khi Kosovo tuyên bố ly khai khỏi Serbia vào năm 2008. Hầu hết người Crimea có tâm trạng “đang trở về nhà”. Thủ tướng Crimea Sergiy Aksyonov khẳng định: “Chúng ta đang về nhà. Crimea đang đi tới Nga”.

Đương nhiên Nga ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý nói trên. Tổng thống Putin nói rằng, cuộc trưng cầu dân ý là hợp pháp bởi “dựa theo luật pháp quốc tế” và ông sẽ tôn trọng nguyện vọng của người dân Crimea. Một trong những lý do là theo thống kê, có khoảng 60% người dân Crimea là người gốc Nga, nói tiếng Nga; còn lại là người Ukraine và người Tatar. Các lý do khác là về mặt lịch sử và địa chính trị, Mátxcơva không để mất bán đảo này. Thực tế, Crimea từng là một phần lãnh thổ Nga từ thế kỷ 18 trước khi được chính quyền Liên Xô trước đây chuyển giao cho Ukraine quản lý vào năm 1954.

Các nghị sĩ Nga nói rằng, họ chào đón Crimea. Interfax dẫn lời Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Neverov cho biết, cơ quan lập pháp này sẽ thông qua việc cho phép Crimea gia nhập Nga “trong tương lai gần”. “Kết quả trưng cầu dân ý rõ ràng cho thấy người dân Crimea thấy tương lai của họ chỉ khi trở thành một phần của Nga”, ông Neverov nói.

Gậy trừng phạt

Mặc dù biết trước sẽ không thể đảo ngược được tình hình ở Crimea, nhưng Mỹ và châu Âu đều không công nhận kết quả trưng cầu dân ý. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là cuộc bỏ phiếu “cẩu thả”. Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov chỉ trích việc trưng cầu dân ý là “màn hài kịch lớn”.

Một kịch bản trừng phạt Nga được lên sẵn. Cuộc họp của các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) vào ngày 17-3 là minh chứng cụ thể cho hành động chống Nga sắp tới của liên minh già cỗi này, trong đó có việc cấm visa và “đóng băng” các tài khoản đối với một số cá nhân. “Trừng phạt là điều không thể tránh khỏi”, Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans nhấn mạnh. Còn Ngoại trưởng Anh William Hague hàm ý sẽ có thêm các biện pháp chống Nga tại Hội nghị thượng đỉnh EU, khai mạc vào ngày 20-3. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz nói rằng, cấm vận của EU sẽ nhằm vào các quan chức Nga và Crimea nhưng không bao gồm lãnh đạo các công ty năng lượng của Mátxcơva. “Danh sách đen” với khoảng 120-130 cái tên được các Ngoại trưởng EU bàn luận trong cuộc họp ở Brussels. Trước đó, báo Bild của Đức dự đoán cấm vận sẽ nhằm vào lãnh đạo tập đoàn Gazprom Alexei Miller và tập đoàn Rosneft Igor Sechin.

Có những quan ngại về một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra. Các quan chức Mỹ cảnh báo bất kỳ động thái nào của Nga ở phía đông và nam Ukraine cũng sẽ là sự leo thang nghiêm trọng. Về phía Ukraine, Quốc hội nước này đã phê chuẩn việc huy động một phần quân đội nhằm đối phó với Mátxcơva.  

Song, dù sao vẫn phải chờ phản ứng chính thức của Điện Kremlin. Hôm nay (18-3), Tổng thống Putin dự kiến có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội về vấn đề Crimea.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.