.

Vấn đề Biển Đông chiếm lĩnh Đối thoại Shangri-La

.

Vấn đề tranh chấp Biển Đông là một trong những nội dung chính được bàn thảo tại diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất châu Á mang tên Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ ngày 3-6 đến 5-6 ở Singapore.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Singapore vào ngày 2-6.                                          Ảnh: AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Singapore vào ngày 2-6. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, Đối thoại Shangri-La, do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở ở London (Anh) tổ chức, với sự tham dự của ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dẫn đầu.

Ông Carter đã đến Singapore vào ngày 2-6 và sự hiện diện của ông chủ Lầu Năm Góc tại Đối thoại Shangri-La là một phần trong chiến lược thúc đẩy ngoại giao của Mỹ nhằm xây dựng, duy trì các đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn được Washington xem là then chốt trong các lợi ích an ninh và kinh tế lâu dài. Đây cũng là lần thứ 5 ông Carter đến châu Á - Thái Bình Dương kể từ khi đứng đầu Lầu Năm Góc vào tháng 2-2015 đến nay.

TS William Choong, chuyên gia cấp cao thuộc IISS cho rằng, Đối thoại Shangri-La sẽ là cơ hội tốt để Bộ trưởng Quốc phòng các nước đề cập quan điểm của từng nước về vấn đề an ninh trong khu vực.

Xung quanh vấn đề Biển Đông, TS Tim Huxley, Giám đốc khu vực châu Á thuộc IISS cho rằng, có nhiều đồn đoán về các bước tiếp theo của Trung Quốc ở vùng biển này, nhất là trong lúc Tòa án trọng tài thường trực quốc tế ở The Hague (Hà Lan) sắp ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo ông Zhang Junshe, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Đối thoại Shangri- La năm nay có một “tác nhân” mới, đó là Tòa án trọng tài thường trực quốc tế.

Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông đã vấp phải phản ứng của các nước láng giềng Đông Nam Á. Căng thẳng càng leo thang ở Biển Đông khi Trung Quốc bồi đắp trái phép tại các đảo mà họ đang chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, ngang nhiên lập căn cứ và triển khai vũ khí…

Quân đội Mỹ đã có những hoạt động nhằm “bảo đảm tự do hàng hải”, trong đó có việc đưa tàu hoặc máy bay đến vùng mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền như một giải pháp bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Washington cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng mối quan hệ với các đối tác khu vực như Việt Nam và Malaysia.

Ngày 31-5 vừa qua, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng, ông sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, trong lúc nhà lãnh đạo này đang tỏ ý muốn làm ấm lên quan hệ với Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc lạnh nhạt và chính phủ Manila đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài thường trực quốc tế về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông một cách vô lý.

Trong khi đó, khi đến Singapore, trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Carter gọi liên minh giữa nước ông và Philippines là “bọc thép”.

Nhận định về Đối thoại Shangri-La, nhiều chuyên gia cho rằng, an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, mà thách thức lớn nhất chính là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. TS Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, lo ngại xảy ra những va chạm, xung đột quân sự ở trên khu vực Biển Đông.

Khu vực Biển Đông có vai trò trọng yếu không chỉ đối với hòa bình và an ninh khu vực mà còn trên toàn thế giới, cũng như đối với nền kinh tế của toàn khu vực vì các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông là các tuyến đường giao thương huyết mạch.

Công ty phân tích quốc phòng IHS Jane’s cho rằng, căng thẳng trên Biển Đông sẽ làm chi phí quốc phòng của các nước châu Á - Thái Bình Dương tăng từ 435 tỷ USD vào năm ngoái lên 533 tỷ USD vào năm 2020.

Ngày 3-6, Trung Quốc xác nhận sẽ điều 5 tàu hải quân tham gia cuộc tập trận trên biển do Mỹ tổ chức mùa hè năm nay, bất kể những mâu thuẫn đang căng thẳng giữa hai cường quốc về vấn đề Biển Đông. Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (gọi tắt là RIMPAC) là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới được tổ chức 2 năm/lần tại Hawaii trong tháng 6 và tháng 7.

Hàn Quốc ngày 3-6 nói rằng, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của Mỹ nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ CHDCND Triều Tiên sẽ không được bàn thảo tại Đối thoại Shangri-La. Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1 vừa qua và phóng tên lửa hồi tháng 2.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, các vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong thời gian gần đây cho thấy cần thiết phải thúc đẩy phòng vệ tên lửa, ngay cả khi vụ thử vào ngày 31-3 vừa qua không thành công.

Trung Quốc và Nga phản đối THAAD. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, cần có hệ thống này để đáp trả mối đe dọa tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.