.

Châu Âu khó chia sẻ thông tin tình báo

.

Một trong những kẻ đánh bom liều chết tại Brussels ngày 22-3 vừa qua đã từng bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất sang Hà Lan, nhưng rồi lại được trả tự do sau đó. Loạt tấn công khủng bố Paris tháng 11 năm ngoái cũng có những thiếu sót tương tự như vậy liên quan tới các nghi can.

Bốn tháng trước, ngay sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris, từng có một sự đồng thuận cao giữa các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc cơ quan tình báo các nước cần phải chia sẻ thông tin với nhau nhiều hơn để phòng ngừa các cuộc tấn công trong tương lai của khủng bố.

Ấy thế nhưng cho tới hôm nay, sự “đứt mạch” giữa các cơ quan tình báo tại châu Âu vẫn còn khá phổ biến. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan,  nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất nghi phạm đánh bom liều chết tại Brussels là Ibrahim el-Bakraoui tới Hà Lan mùa hè năm ngoái, đồng thời cảnh báo Bỉ về việc tên này có liên hệ với khủng bố.

Dù thế thì Bakraoui - một kẻ mang quốc tịch Bỉ, vẫn được thả ra mà không hề bị kết án. Người ta tin rằng tên này chính là một trong những kẻ đánh bom liều chết khiến hơn 30 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương ngày 22-3 tại Brussels.

Tình trạng không thể hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố của các cơ quan an ninh châu Âu cho thấy một thực tế, rất khó để vượt qua rào cản đố kỵ, ngờ vực giữa các nước trong lĩnh vực tình báo, bất chấp những lợi ích chung của nhiều bên. Không giống một chính sách năng lượng chung hay thậm chí một đồng tiền chung, việc chia sẻ các năng lực quốc phòng cũng như tình báo “đánh trúng” vào phần lõi của vấn đề chủ quyền đất nước.

Chuyên gia về tội phạm học người Pháp Alain Bauer - người đã cố vấn cho chính phủ Pháp qua nhiều thời kỳ về chính sách chống khủng bố, cho rằng, các chính quyền cần phải vượt qua quan điểm khư khư sở hữu thông tin tình báo của họ, chỉ nên tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khủng bố mà không phải toàn bộ khối lượng thông tin đồ sộ của một quốc gia.

Ông Alain Bauer cho rằng công tác phản gián (những hoạt động nhằm phòng ngừa và chặn đứng mọi hoạt động do thám của kẻ thù) “là một bí mật hiển nhiên mà anh thậm chí còn không thể nói với vợ, huống hồ là các cơ quan khác. Nếu công tác chống khủng bố được ứng xử như công tác phản gián thì sẽ chẳng có gì để chia sẻ hết. Vấn đề ở đây là chúng ta không có đủ hoạt động chống khủng bố, một hoạt động mà không giống với công tác phản gián ở chỗ nó ngắn hạn và có thể dễ dàng chia sẻ hơn”.

Các chuyên gia an ninh cho rằng, mặc dù châu Âu cũng đã đi theo hướng chia sẻ nhưng với nhịp độ chưa đủ nhanh và chưa tận dụng hết những công cụ chống khủng bố trong tay.

Tháng 1 năm nay, Europol thành lập một đơn vị đặc biệt là Trung tâm chống khủng bố châu Âu với khoảng 50 chuyên gia chuyên thu thập, đánh giá các thông tin về những nghi phạm khủng bố. Căn cứ theo các điều tra về vụ tấn công ngày 13-11 ở Paris, trung tâm chống khủng bố tại Hague này đã cung cấp một bản đánh giá nguy cơ về Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và kết luận: “Cơ quan tình báo cho rằng IS đã gây dựng một lực lượng hoạt động bên ngoài được đào tạo chỉ nhằm thực hiện các vụ tấn công đặc biệt trong môi trường quốc tế”. Nhưng báo cáo đó vẫn chưa được các nước châu Âu quan tâm đúng mức.

Châu Âu cũng đã lập ra mạng lưới các cơ quan tình báo châu Âu có thể là Nhóm chống khủng bố (CTG), tuy nhiên tổ chức này mới chỉ hoạt động trên nền tảng tự nguyện ở cấp độ cơ bản. Tháng trước, CTG tuyên bố sẽ thành lập một nền tảng chia sẻ thông tin chống khủng bố giữa 30 thành viên của tổ chức, trong đó bao gồm 28 quốc gia EU cùng Na Uy và Thụy Sĩ. Mô hình hoạt động mới này dự kiến sẽ được triển khai trong nửa đầu năm nay với mục tiêu ngăn chặn những cuộc tấn công kiểu như ở Paris.

Giám đốc phụ trách an ninh quốc gia của tổ chức Asia Pacific Foundation có trụ sở tại London, Sajjain Gohel, cho rằng, sự hợp tác đã tăng cường hơn từ sau vụ tấn công Paris, nhưng “mỗi khi một tên bị bắt, truy tố, lại có ít nhất 5 tên khác bắt đầu nảy sinh. Mọi việc sẽ chẳng bao giờ kết thúc”. Và rõ ràng, châu Âu sẽ không thể cứ rút kinh nghiệm mãi, nếu họ không thực sự thay đổi trong chính sách hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo để phòng ngừa khủng bố tốt hơn và nhanh hơn, hậu quả sẽ thật khôn lường.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.