Vấn đề Biển Đông lại nóng ở Shangri-La

Ngày 3-6, diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 17 tại Singapore bế mạc sau 3 ngày làm việc với 5 phiên toàn thể và 4 phiên họp đồng thời.

Phát biểu tại phiên toàn thể cuối cùng của đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Singpore Ng Eng Hen nhấn mạnh, mặc dù trật tự quốc tế trong lĩnh vực an ninh và thương mại được xây dựng từ sau Thế chiến thứ hai đến nay vẫn chưa bị phá vỡ, nhưng diễn biến khu vực cùng sự thay đổi cán cân quyền lực của các nước lớn đang khiến trật tự khu vực châu Á - Thái Bình Dương thay đổi.

Đáng chú ý, một số hành động đơn phương của Mỹ trong điều chỉnh, áp đặt các chính sách thương mại cùng việc triển khai các hệ thống khí tài quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đang đi ngược lại với các quy tắc hiện có và làm gia tăng thách thức an ninh tại khu vực. Trong bối cảnh đó, các bên cần tăng cường phối hợp xây dựng và củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế để tiếp tục duy trì xu thế phát triển và thịnh vượng của khu vực.

Như vậy, vấn đề Biển Đông được đề cập xuyên suốt SLD 17. Năm ngoái, tại SLD 16, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis chỉ trích mạnh mẽ việc Bắc Kinh coi thường luật pháp quốc tế bằng cách “quân sự hóa không thể chối cãi” các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại Biển Đông có tranh chấp với các nước láng giềng.

Còn tại SLD 17, ông Mattis nêu rõ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã xây các đảo nhân tạo trái phép và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự… “Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn trái ngược với sự cởi mở mà chiến lược của chúng tôi thúc đẩy. Nó gợi ra những câu hỏi về mục tiêu tham vọng hơn của Trung Quốc về quân sự hóa các thực thể nhân tạo ở Biển Đông, bao gồm triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, nhiễu âm điện tử, và gần nhất là triển khai máy báy đánh bom đến đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa”, ông Mattis nêu.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng, việc Trung Quốc triển khai những hệ thống vũ khí có liên hệ trực tiếp với việc sử dụng vũ khí quân sự cho mục đích “đe dọa và gây sức ép” là đi ngược với những cam kết trước đó của Bắc Kinh. Theo ông Mattis, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ đúng cam kết năm 2015 tại Nhà Trắng rằng Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các hòn đảo trên Biển Đông. Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng đến những thành quả với Trung Quốc, hợp tác khi có thể nhưng cũng cạnh tranh mạnh mẽ khi bắt buộc.

Bên cạnh tuyên bố cứng rắn nói trên, Mỹ có 2 động thái cụ thể: Rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2018 nhằm phản đối Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, và cử 2 chiến hạm vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa.

Trong khi đó, sau thời gian dài “ngụy biện” và “lãng tránh” trước sự chỉ trích, phê phán của cộng đồng quốc tế,  Trung Quốc đã buộc phải thừa nhận hành vi ngang ngược “quân sự hóa” các đảo ở Biển Đông mà họ chiếm đóng trái phép. Phát biểu tại SLD 17, Tướng Hà Lôi - Phó Chủ tịch Học viện Khoa học quân sự của Trung Quốc tuyên bố trắng trợn rằng, việc Bắc Kinh triển khai vũ khí và binh sĩ trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông là một phần của chính sách “bảo vệ quốc gia” nhằm “tránh sự xâm lược bởi các nước khác” (?!).

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vừa là biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược giữa ASEAN với Trung Quốc, vừa thể hiện quyết tâm của các nước đóng góp cho một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam cho rằng, mọi hành động vi phạm chủ quyền của nước khác, quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực. Thay vào đó, các bên liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.
Đúng như các nhà quan sát nhận định, sau vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Biển Đông đang là “điểm nóng” đặc biệt mà cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Giảm căng thẳng, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an toàn, tự do hàng hải cũng như hàng không ở Biển Đông không chỉ là mong muốn của nhiều quốc gia trong khu vực mà còn vì lợi ích của nhiều bên liên quan.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.