Vui học miễn phí

.

Không khó kiếm những lớp học miễn phí dưới nhiều hình thức khác nhau ở Đà Nẵng. Tại đây, ngoài chuyện học không tốn tiền, các bạn trẻ còn có cơ hội gặp gỡ nhiều người giỏi để sẻ chia, tiếp thu kiến thức.

Sinh viên Trần Mỹ Dung (phải) nhận Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học tiếng Nhật do Đại học Đà Nẵng tổ chức.
Sinh viên Trần Mỹ Dung (phải) nhận Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học tiếng Nhật do Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Truyền đam mê từ lớp học miễn phí

Trong lớp học tiếng Nhật miễn phí dành cho sinh viên (SV) tại Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), cả thầy và trò đều hào hứng cùng nhau vượt qua rào cản ngôn ngữ. Mở đầu buổi học, thầy Nagashima “làm nóng” không khí bằng cách học mà chơi, chơi mà học qua những bài hát vui nhộn và một số câu ngạn ngữ Nhật Bản nổi tiếng. Thầy Nagashima còn cho học viên chơi những trò chơi kết hợp kỹ năng nghe, nói và học từ mới.

Theo lớp học tiếng Nhật miễn phí qua thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử của ĐHĐN, Trần Mỹ Dung, SV năm 2, chuyên ngành Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ không vắng buổi học nào vì rất thích tìm hiểu tiếng Nhật. Tại đây, ngoài củng cố kiến thức, Dung còn có điều kiện tiếp xúc với các giáo viên người Nhật để hoàn thiện khả năng phát âm và giao tiếp. “Từ những kiến thức được tích lũy tại khóa học này, tôi mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ được làm việc ở công ty của Nhật. Trong các câu ngạn ngữ thầy Nagashima giới thiệu, tôi thích nhất câu: Đặt một câu hỏi, bạn sẽ thấy xấu hổ trong giây lát. Nếu không hỏi, bạn không biết và sẽ cảm thấy xấu hổ cả phần đời của mình. Đó cũng chính là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi bộ môn này”, Dung nói.

Khóa học tiếng Nhật miễn phí được ĐHĐN phối hợp với Trung tâm Nhật Bản tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014. Tính đến nay, đã có hơn 150 học viên đăng ký, trong đó gần 60 người hoàn thành chương trình sau một năm học và đáp ứng các kỹ năng cơ bản như nghe, nói, đọc, viết.

Trong khi đó, mở lớp dạy thư pháp miễn phí để truyền đam mê về bộ môn này là cách Mai Bá Phúc (SN 1991) duy trì và theo đuổi hơn 3 năm nay. Tốt nghiệp loại giỏi Khoa Đồ họa, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng năm 2014, ngoài thời gian làm việc tại Tập đoàn Trường Hải, Phúc còn dành thời gian đứng lớp dạy thư pháp cho các bạn trẻ. Lớp của Phúc không có địa điểm cố định, khi thì ở nhà riêng của anh tại đường Núi Thành, khi thì trong quán cà-phê hoặc Công viên 29-3... Trước mỗi buổi học, các học viên được thông báo thời gian, địa điểm qua trang facebook cá nhân của Phúc để chủ động tham gia. Tính đến nay, Phúc đã mở trên 20 lớp thư pháp miễn phí, mỗi lớp có từ 20 đến 30 học viên ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau.

Ánh sáng văn hóa hè

Nhiều năm nay, cùng với những hoạt động tiếp sức đến trường như giúp đỡ, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, dạy bổ túc văn hóa, xóa mù chữ cho thanh-thiếu nhi, Thành Đoàn Đà Nẵng cũng triển khai thành công chương trình “Ánh sáng văn hóa hè”, phụ đạo, giúp đỡ học sinh có học lực yếu, kém vươn lên trong học tập.

Đơn cử, từ năm 2012 đến nay, Quận Đoàn Thanh Khê mở 12 lớp “Ánh sáng văn hóa hè” cho 152 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê Trương Thanh Toàn cho biết, các lớp học này phần lớn dành cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 9. Trực tiếp đứng lớp là các SV hoặc thầy, cô giáo trẻ đang sinh sống, làm việc tại quận Thanh Khê.

Phần lớn các em tham gia lớp “Ánh sáng văn hóa hè” có học lực yếu, được gia đình gửi gắm cho Đoàn Thanh niên kèm cặp, giúp đỡ. Với những trường hợp đặc biệt, bỏ học giữa chừng, tình nguyện viên còn chia nhau đến tận nhà kèm học.

“Trong quá trình dạy văn hóa, cán bộ Đoàn động viên, khuyến khích các em ăn học đến nơi đến chốn. Những em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập. Với những trường hợp nghỉ học, Đoàn Thanh niên sẽ hỗ trợ giới thiệu học nghề miễn phí theo đúng sở thích và nguyện vọng của các em”, anh Trương Thanh Toàn cho biết.

Bài và ảnh: TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.