.

Công tác thư viện cần tạo sức hút

.

Ngày 5-10, tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo về công tác phục vụ bạn đọc của 10 tỉnh, thành phố thuộc Liên Chi hội Thư viện Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề về “sách và văn hóa đọc” trong thời đại bùng nổ thông tin; mối quan hệ giữa bạn đọc và thư viện; mặt được và chưa được của công tác phục vụ bạn đọc tại các thư viện...

Lượng độc giả đến với các thư viện công cộng ngày càng thưa vắng, đòi hỏi những giải pháp tích cực, toàn diện để tạo sức hút mới. (Ảnh chụp tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng)
Lượng độc giả đến với các thư viện công cộng ngày càng thưa vắng, đòi hỏi những giải pháp tích cực, toàn diện để tạo sức hút mới. (Ảnh chụp tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng)

Văn hóa đọc bị thu hẹp?

Nhiều ý kiến tại hội thảo có chung nhận định: So với trước năm 1975, hệ thống sách báo hiện nay phong phú hơn rất nhiều, nhưng người dân lại ngày càng ít đến với thư viện, hay nói đúng hơn là ít thời gian để đến với sách hơn. Cuộc sống bận rộn, áp lực công việc; đặc biệt, sự phát triển của mạng Internet và các phương tiện nghe nhìn đã khiến quỹ thời gian đọc sách, báo của công chúng ngày càng bị thu hẹp. Một số ý kiến còn cho rằng, văn hóa đọc đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng, xuống cấp trầm trọng. Riêng đối với hệ thống thư viện công cộng, một thực tế không thể phủ nhận là số lượng bạn đọc nhiều lứa tuổi đến với thiết chế văn hóa này ngày càng giảm sút, qua đó đặt ra yêu cầu đổi mới trong cách phục vụ bạn đọc của các thư viện ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. Ngoài vấn đề của thư viện, theo ông Nguyễn Hữu Giới, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL, một trong những nguyên nhân khiến văn hóa đọc chưa thực sự xứng tầm với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là do sự “khiêm tốn” đáng báo động của thị trường sách. Cách đây vài năm, thông thường một cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn được in với số lượng từ 2.000-3.000 cuốn, nay thì trừ những cuốn sách được dư luận quan tâm, còn hầu hết đều được in chỉ trên dưới 1.000 cuốn. Với các tập thơ, số lượng in chỉ khoảng 500 - 700 cuốn. Theo ông Giới, chỉ số xuất bản đó không thể xem là bình thường đối với một đất nước 80 triệu dân. Mặt khác, chất lượng sách không bảo đảm, giá thành cao, lại chưa đến tận nơi các địa bàn xa xôi hẻo lánh... là một trong những lý do khiến văn hóa đọc khó được mở rộng.

Cần giải pháp tích cực, toàn diện

Không ai phủ nhận sức hấp dẫn của văn hóa nghe - nhìn trong thời đại ngày nay, nhưng cũng không ai có thể phủ nhận vai trò của văn hóa đọc trong việc cung cấp tri thức và giáo dục nhận thức. Vì vậy, các ý kiến tham luận tại hội thảo đều đi đến khẳng định: Đọc sách vẫn là nhu cầu không thể thay thế trong mọi thời đại, vấn đề là làm sao để bạn đọc ngày càng đến gần hơn với sách. Và thư viện là một trong những địa chỉ cần tạo được sức hút mới.

Các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế trong công tác phục vụ bạn đọc hiện nay tại các thư viện trong khu vực như: Vốn tài liệu của các thư viện chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc; hình thức hoạt động đơn điệu, chậm đổi mới; thời gian mở cửa phục vụ hầu hết vào giờ hành chính, mạng lưới thư viện cơ sở mở cửa không thường xuyên; cán bộ thư viện chưa thực sự năng động, công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu sách còn yếu; thủ tục làm thẻ bạn đọc tại một số thư viện còn rườm rà.... Vì vậy, giải pháp trong thời gian đến của các thư viện khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là tập trung tuyên truyền, giới thiệu sách đến với người dân qua nhiều kênh thông tin; xây dựng kho sách ngày càng phong phú với phương châm bám sát nhu cầu bạn đọc; thường xuyên bổ sung sách, báo; hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật cũng như cách thức phục vụ. Bên cạnh đó, tăng cường việc luân chuyển sách về các quận, huyện. Đồng thời, thực hiện đơn giản hóa các thủ tục cấp thẻ cho bạn đọc...

Một sáng kiến được đưa ra bàn bạc tại hội thảo là xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục và cơ sở dữ liệu toàn văn tư liệu dư địa chí của toàn Liên chi hội. Nếu sáng kiến này được hoàn thành, toàn khu vực sẽ có một ngân hàng thông tin với nguồn tư liệu dồi dào, hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu bạn đọc, người nghiên cứu của các tỉnh, thành phố, đặc biệt khi họ nghiên cứu những vấn đề chung của khu vực, cần sự liên kết, tính so sánh của nguồn tư liệu.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.