.

Đình Phong Lệ Bắc khoác áo mới

.

Công trình đình Phong Lệ Bắc (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) được thành phố nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ ngày 29-5, sau gần 2 tháng trùng tu, tôn tạo.

 Ông Ngô Văn Tâm tự hào giới thiệu về ngôi đình của làng mình.                              Ảnh: T.TÂN
Ông Ngô Văn Tâm tự hào giới thiệu về ngôi đình của làng mình. Ảnh: T.TÂN

Diện mạo khang trang, vững chãi, song đình Phong Lệ Bắc sau trùng tu không đánh mất “cái hồn” của một trong những ngôi đình làng Việt tại Đà Nẵng những năm cuối thế kỷ XIX.

Giữ “hồn” đình làng Việt

Tại buổi nghiệm thu công trình đình làng, ông Ngô Văn Tâm - Trưởng ban Hội đồng chư phái tộc làng Phong Lệ Bắc - hăng hái đưa khách tham quan khắp ngôi đình mới. Ông Tâm cho biết, đình Phong Lệ Bắc được xây dựng từ năm 1855 (năm Tự Đức thứ 8) gắn với tục thờ “ông ba mươi” của người làng Phong Lệ xưa (nay gồm các xã Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây - quận Cẩm Lệ và làng Phong Nam - xã Hòa Châu). Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, minh chứng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của cán bộ và nhân dân địa phương.

Trước đây, đình đã được trùng tu 3 lần, nhưng qua thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, tác động của mưa nắng, những năm qua, đình bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. “Mùa mưa năm ngoái, ban quản lý đình làng cứ lo đình bị sập, không còn dấu tích. May mà thành phố đầu tư kịp thời, người dân chúng tôi vui lắm”, ông Tâm thổ lộ.

Chỉ lên đôi rồng ngự trên đỉnh mái ngói âm dương của ngôi đình mới, ông Ngô Văn Tâm hồ hởi khoe: “Đôi Rồng này hồi trước bị gãy  một con, cứ tưởng không tìm được đâu ra một con như vậy nữa, vậy mà nay cặp linh vật này vẫn sánh đôi. Rồi cột kèo, sân nền, bình phong…, tất cả đều không khác gì đình xưa”, ông Tâm nói như reo. Theo ông Tâm và các vị bô lão trong vùng, điều mà họ vui nhất là ngôi đình mới được phục dựng khang trang, vững chãi nhưng không đánh mất “hồn cốt” ngôi đình cũ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cho biết quan điểm trùng tu đình làng Phong Lệ Bắc cũng như nhiều công trình di tích lịch sử - văn hóa khác trên địa bàn thành phố là bảo tồn tối đa các thành phần gốc và giá trị nguyên bản của di tích.

Đình Phong Lệ Bắc mặc dù bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn lưu lại kiến trúc tổng thể, khung gỗ; một số tiểu tiết, cùng nhiều hoa văn họa tiết trang trí quan trọng nên tạo điều kiện khá thuận lợi cho công tác sao chép, lấy mẫu trùng tu. “Chúng tôi cố gắng giữ nguyên bản gốc của đình không chỉ ở kiến trúc bề mặt mà cả lõi chất liệu.

Chẳng hạn, phần mộc với bộ khung gỗ sẽ làm nên cốt cách ngôi đình. Đình xưa chủ yếu được làm bằng gỗ mít, được gia công khéo léo tạo thành một kết cấu vững chãi chống đỡ toàn bộ hệ mái phía trên thì nay, khung gỗ của đình nhất định cũng phải làm bằng gỗ mít…”, ông Thanh nói.

Bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống

Đình Phong Lệ Bắc nằm trong khu vực cây cối rậm rạp, xa khu dân cư, nên trong thời chiến, đình thường được chọn là nơi diễn ra các cuộc hội họp, tuyên truyền cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khu vực đình làng Phong Lệ Bắc là nơi giao tiếp, liên lạc giữa cán bộ nằm vùng với cơ sở nòng cốt trung kiên của cách mạng trong giai đoạn tố cộng, diệt cộng của Mỹ - Diệm năm 1959.

Ngày nay, đình Phong Lệ Bắc là một trong số ít ngôi đình còn nơi lưu giữ những lễ nghi, hội hè mang đậm giá trị truyền thống. Ông Ngô Văn Tâm cho biết, hằng năm, vào các ngày 1-1, 16-3, 23-6, 15-12 âm lịch, nhân dân trong làng tề tựu về đây tổ chức các nghi lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và dâng hương hoa để tưởng nhớ công đức tổ tiên, ông bà đã có công khai hoang, lập ấp.

Nhưng những năm gần đây, do đình bị xuống cấp nghiêm trọng nên các nghi lễ, hội hè ít dần. Ông Tâm hy vọng kể từ năm nay trở đi, khi đình làng đã được phục dựng khang trang, những giá trị văn hóa, tâm linh, lịch sử tốt đẹp của cộng đồng địa phương tại đây sẽ ngày càng được mở rộng, nối dài cả về quy mô lẫn chiều sâu văn hóa.

“Công tác bảo tồn di tích văn hóa là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải biết phát huy những giá trị mà chúng ta đã cố công bảo tồn đó. Công việc này tùy thuộc vào công tác quy hoạch, tổ chức các sinh hoạt văn hóa - lịch sử tại địa phương, sự phối hợp giữa chính quyền, các ban đại diện chư phái tộc, ban quản lý đình làng và người dân. Làm sao gieo vào trong lòng thế hệ trẻ sự hiểu biết, tình yêu và niềm tự hào về những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước”, ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói.

Đình làng Phong Lệ Bắc được công nhân là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố năm 2007. Công trình trùng tu di tích này thuộc Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2013-2015”.

Hiện đình làng Phong Lệ Bắc nằm trong quần thể di tích của phường Hòa Thọ Tây bao gồm: Bia di tích lịch sử Đảng bộ xã Hòa Thọ; Lăng mộ Ông Ích Khiêm, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; Lăng mộ Ông Ích Đường, di tích lịch sử cấp thành phố. Nếu được quy hoạch bài bản, hợp lý, quần thể di tích nơi đây sẽ trở thành một địa chỉ du lịch về nguồn lý tưởng.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.