.

Bột màu - báo cũ: gợi ký ức xưa

.

25 tác phẩm của 13 họa sĩ đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Hội An... được trưng bày tại Làng lụa (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) từ ngày 15-8 đến 29-8, với tựa đề “Bột màu và báo cũ” mang đến cho người xem cảm giác vừa thân quen, vừa mới lạ...

Tác phẩm Phố hội của tác giả Nguyễn Nghĩa Cương được trưng bày tại triển lãm.
Tác phẩm Phố hội của tác giả Nguyễn Nghĩa Cương được trưng bày tại triển lãm.

1. Sự thân quen toát lên từ chất liệu bột màu giản dị, từ những tờ báo vẫn gặp thường nhật. Sự gần gũi toát lên từ chủ đề của mỗi bức tranh, tác giả đang kể cho người xem về lụa, về phố cổ, về văn hóa Việt và đưa người xem trở về những ngày xưa cũ.

Giới thiệu 2 tác phẩm Lụa Hoài phố trưng bày tại triển lãm, họa sĩ Tào Linh xúc động nói: “Tôi như quay lại một thời kỷ niệm, cái thời còn là sinh viên, dùng bột màu như chất liệu chủ yếu để làm bài tập, để vẽ”.

Cũng theo họa sĩ Tào Linh, với người yêu mỹ thuật trong những năm 1960, 1970, bột màu, báo cũ quá quen thuộc. Đó là thời điểm mà mọi chất liệu như màu nước, sơn dầu, toan... đều khan hiếm, trong khi giấy báo cũ lại có một thuộc tính đặc biệt về khả năng “thấm” bột màu nên trở thành chất liệu được nhiều họa sĩ ưa chuộng. Hơn nữa, hai chất liệu này được “lên ngôi” thời đó bởi nó rẻ, dễ kiếm, ai cũng có thể mua được, dùng được.

Và vốn dĩ ai theo mỹ thuật, vẽ như nhu cầu tự thân, vẽ vì niềm đam mê, chứ chẳng phải bán cho ai. Vì thế, ai sang hơn thì mua giấy báo chưa in để vẽ. Người khó khăn hơn thì mua báo cũ đã in rồi để vẽ. Thế mới có cảnh những bà đồng nát để dành cân báo cũ nhất quyết không bán cho ai mà chỉ tìm đến bác họa sĩ trên phố để bán, mà nhiều khi là để tặng họa sĩ vẽ tranh.

Vào thập niên 1990, giai đoạn mở cửa của nền kinh tế đã tạo nên làn sóng các loại chất liệu họa phẩm đặc biệt đổ vào Việt Nam. Và những bức tranh vẽ bằng bột màu trên giấy báo cũ mai một dần, bị “lãng quên”.

2. Tham dự triển lãm lần này có những họa sĩ đã mấy chục năm gắn bó với chất liệu bột màu như Đỗ Dũng, Nguyễn Nghĩa Cương, hay chỉ mới lần đầu đến với bột màu - báo cũ như Trần Quân, Như Đức… Nhưng tất cả họ đều có chung niềm cảm hứng mới mẻ đối với hai loại chất liệu này và xúc cảm “hoài cổ”. Ở mỗi tác phẩm, người ta bắt gặp độ trong trẻo, xốp mịn của bột màu hoặc những câu chữ, hình ảnh, thông tin từ trang báo vừa tình cờ, vừa sắp đặt có chủ ý của tác giả.

Theo các họa sĩ, bột màu - báo cũ khác với các chất liệu khác và khác ngay cả với hàng xóm của nó là bột màu báo chưa in, đó là nó có lề, có co chữ lớn, bé, lên dòng xuống dòng; hình ảnh gợi mở cho sự sáng tạo của họa sĩ về tính chữ, tính ảnh… Khi thể hiện tác phẩm trên chất liệu này, các tác giả cố gắng tận dụng tối đa những gì có sẵn trên báo để phục vụ ý đồ tác phẩm của mình. Nhưng các chi tiết có sẵn trên báo không lộ ra mà biết cách cho nó lấp ló, thấp thoáng, tạo thành cái đẹp riêng biệt…

“Bột màu là chất liệu mà tôi yêu thích. Bột màu được vẽ trên báo cũ càng tăng thêm hiệu quả không gian và chất. Điều tuyệt vời nhất là một tờ báo tưởng như bỏ đi lại được sáng tạo thành tác phẩm hội họa”, họa sĩ Bình Nhi chia sẻ.

Không chỉ đơn giản mang đến triển lãm tình yêu với chất liệu bột màu - báo cũ, hay sự hoài niệm về một thời khốn khó của mỹ thuật Việt Nam, các tác giả còn muốn khẳng định hội họa không phụ thuộc vào chất liệu. Bất cứ loại chất liệu nào cũng có thể giúp người họa sĩ chuyển tải những thông điệp về thời đại của mình, nếu biết khai thác hết khả năng biểu cảm, cảm xúc, độ thăng hoa của chính bản thân tác giả.

“Vì thế, chúng tôi mượn chất liệu cũ để nói những câu chuyện mới của ngày hôm nay, trên tinh thần mới, mang hơi thở cuộc sống đương đại, bởi vì nghệ thuật luôn cần phải mới. Chúng tôi muốn thế hệ họa sĩ hôm nay sẽ thể nghiệm với chất liệu này, cho dù họ không thiếu họa phẩm như những giai đoạn trước. Vì nghệ thuật luôn mang đến cho người ta tự do nên bột màu báo cũ là chất liệu vô cùng giản dị nhưng có thể làm được mọi chuyện ngang bằng, bình đẳng với bất cứ chất liệu nào”, họa sĩ Lê Thiết Cương, người lên ý tưởng cho triển lãm nghệ thuật “Bột màu - Báo cũ” nói thêm.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.