Dấu ấn văn hóa miền biển

.

Dọc các vùng biển của Đà Nẵng hiện còn 12 di tích lăng Ông gắn với tín ngưỡng thờ Cá Ông. Đây không chỉ là nét văn hóa tâm linh mà còn phản ánh lịch sử của các làng chài. Vì thế, giữ gìn, trùng tu và phát huy giá trị lăng Ông cần được các cấp, ngành quan tâm.

Tại lễ hội cầu ngư làng Mân Thái, dân làng rước điếu văn từ đình làng về lăng Ông để tiến hành lễ chính.
Tại lễ hội cầu ngư làng Mân Thái, dân làng rước điếu văn từ đình làng về lăng Ông để tiến hành lễ chính.

Tín ngưỡng thờ Cá Ông

Lăng Ông ra đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Cá Ông của cư dân miền biển. Họ gọi Cá Ông đầy tôn kính như: Ông Đông Hải, Ngài, Đức ngư Ông... Sự tôn kính này bắt nguồn từ việc Cá Ông từng cứu giúp ngư dân khi họ gặp nạn trên biển.

Lão ngư Trương Văn Trọng (84 tuổi, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết, chuyện Cá Ông cứu người vẫn được ngư dân lưu truyền bấy lâu nay. Như chuyện ông Lê Văn Ta (người làng Mân Thái, quận Sơn Trà) trong một chuyến đi biển, ghe của ông bị đẩy ra khơi, lênh đênh trên biển Cù lao Chàm 2 ngày đêm, tưởng bỏ mạng.

Trong lúc mơ màng, ông cảm nhận có “ai đó” nhè nhẹ đẩy ghe mình trôi và đưa vào tận cửa An Hòa (cảng Chu Lai, tỉnh Quảng Nam bây giờ). Hay câu chuyện ông Lương Cải đi ghe mành với ông Tư Biên (làng Nam Ô, quận Liên Chiểu) ra biển bị bão đánh chìm. Ông Biên được thuyền bạn cứu giúp, còn ông Cải bị sóng cuốn mất tích. Tưởng ông Cải đã chết, gia đình than khóc rầm trời. Nào hay, một ngày sau ông Cải được Ông Ngư đưa vào bờ...

“Khi gặp bất trắc, ngư dân thường được Cá Ông cứu giúp. Vì thế trong tiềm thức của người dân vùng biển, Cá Ông là vị thần của biển cả, có vị trí quan trọng, được tôn kính hết mực và trở thành điểm tựa tinh thần của ngư dân. Bây giờ, dù ngư dân đã có tàu to, phương tiện đánh bắt hiện đại nhưng trước đại dương, con người luôn luôn nhỏ bé. Vì thế, trước khi ra khơi, người đi biển trước hết cầu Cá Ông giúp bảo toàn tính mạng, kế đến mới cầu được bội thu tôm, cá”, ông Trọng chia sẻ.

Chính vì vậy, khi Cá Ông lụy (mất), ngư dân tiến hành thủ tục chôn cất và để tang như đối với con người. Ông Phạm Văn Liễn, Ban Quản lý lăng Âm linh tại Mân Thái cho biết, người phát hiện Cá Ông mắc cạn có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình.

Một thời gian sau khi chôn thì dân làng phải cải táng, rồi đem cốt cho nhập lăng và thờ. Hiện tại, các lăng Ông đều có các thạp để cốt Cá Ông, thường thì 2 - 3 thạp, nhiều nhất là lăng Ông Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) với 20 thạp khoảng gần 60 cốt Ông và trong sân lăng Ông này hiện đang chôn một Cá Ông lụy cách đây 2 năm.

Qua điền dã, Trung tâm Quản lý di sản thành phố thống kê hiện có 12 lăng, miếu thờ Cá Ông. Ngoài ra, dân làng còn lưu giữ 7 bản văn cúng cô hồn, 9 bản nhạc lễ, 6 bản văn tế cầu an, cầu ngư, 6 bản hát bả trạo được lưu truyền từ nhiều đời nay, phản ánh đậm nét văn hóa tâm linh miền biển.

Cần được giữ gìn, trùng tu

Lăng Ông được người dân miền biển xem là địa chỉ văn hóa tâm linh đặc biệt quan trọng; đồng thời đây là địa chỉ sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong những ngày lễ hội của ngư dân. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, cùng với đình làng, lăng Ông phản ánh lịch sử của vùng đất địa phương, cụ thể là làng chài. Hiện trong khuôn viên đình làng Thạc Gián tồn tại miếu thờ âm linh và lăng Ông cho thấy dân làng Thạc Gián xưa vào thời vua Trần Nhân Tông mở rộng châu Ô và châu Rí đến đây lập làng ấp và sống bằng nghề biển bên cạnh nghề nông, đồng thời vị trí này ngày xưa mênh mông sông nước, kéo dài ra đến bờ biển ven đường Nguyễn Tất Thành ngày nay.

Hay lăng Ông Nam Ô vẫn còn đòn tay ở chánh điện có hàng chữ lưu ký ghi Tự Đức nguyên niên, là cứ liệu quan trọng để xác định lăng được xây dựng từ thời vua Gia Long yên định cơ đồ (1802). Lúc đầu, lăng có kiến trúc như sườn gỗ, tường đá trát vôi vữa, mái lợp lá kè, đến năm Tự Đức thứ tư (1851) mới làm lại quy mô hơn.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố cho biết, lễ hội cầu ngư trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 3-2016 là niềm vinh dự của thành phố, đặc biệt đối với ngư dân - chủ thể chính của lễ hội. Lăng Ông chính là nơi thực hành tín ngưỡng của lễ hội này. Thời gian qua, nhiều lăng Ông trên địa bàn thành phố được công nhận là di tích cấp thành phố và được quan tâm bảo tồn, trùng tu, như mới đây là lăng Ông Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).

“Công nhận di tích cấp thành phố hay quan tâm trùng tu di tích lăng Ông không chỉ là sự công nhận việc duy trì tín ngưỡng đầy tính nhân văn của ngư dân miền biển bao đời nay mà còn là sự động viên để ngư dân tiếp tục bám biển, bảo vệ ngư trường”, ông Tuấn nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, di tích lăng Ông Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) - lăng Ông được cho là lâu đời nhất ở Đà Nẵng còn lưu giữ nhiều giá trị vẫn chưa được công nhận là di tích cấp thành phố. Theo Trung tâm Quản lý di sản thành phố, do lăng Ông nằm trong vùng giải tỏa thuộc dự án khu du lịch Nam Ô nên gặp một số vướng mắc.

Bởi những giá trị đặc biệt của lăng Ông nên dân làng nhiều lần kiến nghị và được chính quyền, chủ đầu tư dự án đồng ý giữ lại. Song vấn đề trùng tu, tôn tạo và thực hành tín ngưỡng của ngư dân tại di tích lăng Ông vẫn chưa có lời đáp. Bởi nói như ông Đặng Dùng, người dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam Ô nơi ông sinh sống, thì “ngư dân trong làng băn khoăn mai này di tích lăng Ông nằm trong khu du lịch thì liệu họ có mở cổng khu du lịch cho dân vào làm lễ cầu ngư hay không? Những ngư dân thuộc diện giải tỏa, di dời biết còn theo được nghề biển? Liệu họ có về làng cũ để thực hành tín ngưỡng cầu ngư?”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.