Xã hội hóa điểm đọc sách

.

Thời gian qua, nhiều điểm đọc sách trên địa bàn thành phố ra đời dưới hình thức xã hội hóa (XHH), góp phần nuôi dưỡng tinh thần đọc sách của người dân và khơi dậy văn hóa đọc đã phần nào mai một.

Gia đình ông Phạm Hoàn đến đọc sách thư giãn vào cuối tuần tại cà-phê sách Đà Nẵng - Daegu.
Gia đình ông Phạm Hoàn đến đọc sách thư giãn vào cuối tuần tại cà-phê sách Đà Nẵng - Daegu.

9 giờ sáng chủ nhật, quán cà-phê sách Đà Nẵng- Daegu (góc ngã ba đường Lê Cơ và Lê Bá Trinh, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) khá đông người đến thưởng thức cà-phê và đọc sách, thậm chí nhiều gia đình đi cả nhà.

Gia đình ông Phạm Hoàn (65 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) là một trong số đó. Vợ chồng ông Hoàn và con cái đều có thói quen đọc sách, từ sách mua đến sách mượn tại thư viện. “Từ khi trên địa bàn có điểm đọc sách này, gia đình tôi cùng nhau đến đây vào dịp cuối tuần. Không gian đẹp, hiện đại, nhiều sách mới, hay... là ưu điểm dễ nhận thấy nhất ở nơi này”, ông Hoàn chia sẻ.

Công viên cà-phê sách Đà Nẵng - Daegu là dự án hợp tác giữa thành phố Daegu (Hàn Quốc) với thành phố Đà Nẵng. Công viên này có tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; trong đó, thành phố Daegu hỗ trợ 30.000 USD, nguồn kinh phí còn lại do UBND TP. Đà Nẵng và quận Hải Châu đầu tư. Công viên cà-phê sách Đà Nẵng - Daegu được cải tạo từ hội trường nhà văn hóa khu vực trước đây với diện tích gần 200m2; sơn sửa, lắp kính toàn bộ 3 mặt của tầng một để tạo không gian thoáng đãng, gần gũi giữa phần công viên và cà-phê sách.

Đi vào hoạt động hơn một tháng nay, không gian văn hóa đọc này đã phát huy được hiệu quả. Ông Nguyễn Viết Lý (quản lý cà-phê sách) cho biết, thời gian phục vụ từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày. Bạn đọc đến đây được phục vụ nước uống miễn phí, giá các loại nước uống dịch vụ cũng khá “mềm”. “Doanh thu từ loại hình dịch vụ này được dùng trang trải chi phí cho nhân viên bảo vệ, nhân viên quản lý, phục vụ và duy tu. Chúng tôi hiểu rằng mục đích của dự án là hướng đến cộng đồng nên phải cố gắng phục vụ chu đáo”, ông Lý nói.

Bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Sơn Trà cho hay, trên địa bàn quận ngoài dự án công viên vui chơi công cộng cho trẻ em kết hợp phòng đọc và cà-phê sách với quy mô 1.000m2 thuộc khu dân cư An Hòa, phường An Hải Bắc do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ gần 1 tỷ đồng, gần đây còn có nhiều điểm văn hóa đọc được đầu tư.

Điển hình là thư viện tư nhân của thầy Đặng Văn Mười (giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 1); mô hình “Tủ sách cộng đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Sơn Trà phối hợp với Ban Quản lý Phát triển vùng đô thị quận thực hiện, dự án “Thư viện thân thiện”, “Thư viện cộng đồng cà-phê sách” do tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ...

“Trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa còn nhiều khó khăn thì XHH là phương án cần tính đến. Do đó, việc các tổ chức, cá nhân thực hiện XHH các điểm văn hóa đọc là điều đáng quý. Tôi cho rằng, các cấp, ngành liên quan, chính quyền địa phương phải quan tâm, tạo điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ và cả kinh phí để nuôi dưỡng những địa điểm này”, bà Phương nêu ý kiến.

Bài và ảnh: HÀ THU

;
.
.
.
.
.
.