Thể thao Việt Nam

Lạc quan và nỗi lo

.

SEA Games 29 kết thúc, đánh dấu sự thành công của thể thao Việt Nam không chỉ ở số huy chương hay vị trí thứ 3 toàn đoàn mà còn ở việc thể thao Việt Nam đã có những bước phát triển ở các môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Nổi bật là các VĐV Điền kinh đã lật đổ sự thống trị của Thái Lan trong gần 3 thập kỷ; đó là việc giành được bộ HCV đồng đội nam danh giá mà người Singapore nắm giữ suốt 14 năm. Rồi thành công ở các bộ môn Bơi, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Karatedo, Taekwondo, Đấu kiếm… càng khẳng định cách đầu tư đúng hướng.

Nếu có chiến lược đầu tư đúng hướng, nhiều khả năng, Lê Tú Chinh (giữa) không chỉ tỏa sáng ở đấu trường khu vực.                                      Ảnh: QUANG LIÊM
Nếu có chiến lược đầu tư đúng hướng, nhiều khả năng, Lê Tú Chinh (giữa) không chỉ tỏa sáng ở đấu trường khu vực. Ảnh: QUANG LIÊM

Ngày 27-8, trang web chính thức của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) đã dành cho Điền kinh Việt Nam rất nhiều lời ca ngợi. Trong đó, Lê Tú Chinh được xem là “Nữ hoàng tốc độ” với 2 HCV cự ly 100 mét và 200 mét; trước khi cùng Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Trần Thị Yến Hoa và Đỗ Thị Quyên giành ngôi vô địch 4x100 mét cùng với kỷ lục SEA Games. Nguyễn Thị Huyền cũng nhận được những lời khen ngợi khi bảo vệ thành công 3 danh hiệu vô địch ở các nội dung 400 mét rào, 40 mét và tiếp sức 4x400 mét nữ. Trang web còn viết: “Đất nước hơn 90 triệu dân còn tạo được những dấu ấn sâu đậm khi Bùi Thị Thu Thảo, Vũ Thị Mến, Nguyễn Thị Oanh, Trần Thị Yến Hoa đều chiến thắng ở các nội dung thi đấu của mình”.

Tuy nhiên, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 Trần Đức Phấn thừa nhận, VĐV Việt Nam không có nhiều khả năng tiếp cận mục tiêu huy chương ASIAD nên SEA Games vẫn là đấu trường đúng sức. Dù vậy, thể thao Việt Nam cũng xuất hiện một số môn, một số tài năng nên ngành TDTT sẽ rà soát, có hướng đấu tư trọng điểm cho một số VĐV xuất sắc nhất, có thể hướng đến ASIAD hay Olympic. Những cái tên như Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước (Bơi), Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Trịnh Văn Vinh (Cử tạ), Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền (Điền kinh)… chắc chắn vẫn là những mục tiêu đầu tư chiến lược của thể thao Việt Nam.

Lạc quan đấy song vẫn còn không ít nỗi lo về tính bền vững của thể thao Việt Nam khi hướng ra sân chơi khu vực lẫn châu lục.

Nếu Điền kinh mang lại niềm tin với một thế hệ vàng thực sự thì Bơi, Cử tạ cùng một số môn thể thao chủ lực của Việt Nam chưa tạo được niềm tin vững chắc. Tình trạng “con một” như Ánh Viên khá phổ biến. Với Singapore, SEA Games được xem là “bàn đạp” để hướng đến ASIAD hay Olympic và SEA Games là nơi để các tuyển thủ bơi trẻ của họ cọ xát, học hỏi kinh nghiệm. Vì thế, Joseph Schooling chỉ thi đấu 5 nội dung và dễ dàng mang về 5 HCV cho Singapore. Trong khi đó, khi đối đầu cùng chị em Quah Ting Wen, Quah Jing Wen; “Tiểu Tiên cá” Ánh Viên đều không thể giành chiến thắng. Hay việc Đô cử Trịnh Văn Vinh (hạng 62kg nam, Cử tạ) vượt qua á quân Olympic Eko Yuli Irawan (Indonesia) rồi thành tích HCV cùng kỷ lục SEA Games của kình ngư 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn (400 mét nam Hỗn hợp) chỉ được xem là bất ngờ, dù là bất ngờ thú vị.

Ước mơ ra biển lớn đã có, nền tảng cho tương lai đã có và tất cả đang hy vọng xen lẫn chờ đợi những thành công mới của thể thao Việt Nam tại ASIAD 18 (Jakarta - Palembang 2018). Bởi ở đó, giá trị thực sự của một nền thể thao sẽ được khẳng định một cách chắc chắn nhất...

BẢO AN

;
.
.
.
.
.