Sau khi bài viết “Đôi điều về địa danh ở Đà Nẵng” được đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần, chúng tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến hưởng ứng của bạn đọc xa gần. Tiếp tục đề tài lý thú này, chúng tôi xin được bàn thêm đôi điều về các địa danh ở Đà Nẵng.
Đường Huế - Hàn xưa (đoạn phía Nam làng Liên Chiểu). |
Mân Quan, Mân Thái có là... gốc Hoa?
Gần đây, trên tạp chí “Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng” (các số 3 - 4-2010 và 5-2010), các tác giả Nguyễn Hoàng Thân, Lê Văn Hảo đã khảo cứu từ nguyên các địa danh “Mân Quang”, “Mân Thái” và đi đến kết luận: cư dân sống ở hai làng này đều có xuất xứ từ Trung Hoa.
Theo chúng tôi, khi xét một địa danh cụ thể nào, cần chú trọng đến nguồn gốc cư dân và địa hình, hình thể của vùng đất mà làng, xã đó mang tên. Nếu “Mân Quan”, “Mân Thái” đều xuất phát từ Trung Quốc và người dân sống tại các làng đó đều là người có nguồn gốc từ Trung Quốc thì lý giải làm sao đây, khi tất cả gia phả của các họ tộc hiện cư trú tại các làng trên đều xác quyết rằng cha ông họ đến định cư tại đây, đều ra đi từ đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh?
Làm sao lý giải được trong phong trào “phản Thanh phục Minh”, lại có một bộ phận người Hoa cư trú tại một vùng đất hình thành quá muộn như Mân Quan, Mân Thái? Bởi trước khi có Mân Quan thuộc phường Thọ Quang hiện nay thì đã có làng “Mân Quang trên” nay thuộc phường Hòa Quý. Và, hà cớ gì số người Hoa này không làm nghề thương mãi thường thấy tại Hải Châu, Ngũ Xã (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam)… mà lại làm nghề đánh cá một cách manh mún, nhỏ lẻ đến vậy?
Theo hiểu biết của chúng tôi, trong trường hợp cụ thể của Mân Quan, căn cứ vào cách ghi của Quốc sử quán triều Nguyễn, cũng như lý giải của các cụ cao niên tại làng này, thì “Mân Quan” với nghĩa chủ đạo là cửa biển có nhiều đá mà thôi (phải chăng để ám chỉ núi Sơn Trà?).
Nại Hiên là làng muối?
Ca dao xưa có câu nói về làng Nại Hiên như sau:
Nại Hiên là làng í e
Lấy nước làm muối, lấy tre làm nồi...
Theo cách hiểu của chúng tôi, hai chữ Nại Hiên có nghĩa chung là “Nơi ở của những người chịu đựng gian khổ”. Bởi, “Nại” có nghĩa là “chịu đựng”, “Hiên” có nhiều nghĩa nhưng nghĩa phù hợp với địa dư làng này phải là “nhà nhỏ” (hoặc hành lang, túp lều). Lại thêm, để viết được chữ muối thì phải viết chữ “diêm” mà chữ này lại có chữ “lỗ” (nghĩa là đất có vị mặn không thể cày cấy được). Như vậy, Nại Hiên là làng của những người mà đất đai bị nhiễm mặn không thể cày cấy được, họ kiếm kế sinh nhai bằng nhiều cách. Sau đó, làng được mở rộng thêm về phía Đông và Nam nên có thêm Nại Hiên Đông, Nại Hiên Nam và Nại Hiên Bắc (gần Nam Ô).
Một bộ phận cư dân Nại Hiên trước đây vừa làm ruộng, vừa làm nghề chài lưới trên sông, biển và đốn củi trên núi Sơn Trà hoặc đèo Hải Vân (các bến Củi, bến Mía đều nằm trên địa bàn làng này cho ta thấy điều đó). Mãi đến thập niên 50 của thế kỷ 20, hằng đêm khi thấy những đóm lửa bập bùng trên đèo Hải Vân của những cư dân làm củi của Nại Hiên, người dân làng Nam Ô vẫn gọi đó là “lửa Nại”. Một số gia đình khá hơn thì sắm ghe bầu, lập nên những đội thuyền chuyên chở hàng hóa cho con buôn.
Nhiều người căn cứ vào câu ca dao trên để đi đến kết luận rằng: Nại Hiên là làng có truyền thống làm nghề muối. Nhưng, như chúng ta đều biết, để làm được muối, đòi hỏi phải có cánh đồng đủ rộng, bằng phẳng và quan trọng nhất là có đủ độ lắng của bùn trên bề mặt đất nhằm ngăn không cho nước biển rút, dưới ánh nắng mặt trời mới mong làm nên muối. Vả lại, làm muối phải sử dụng trực tiếp nguồn nước biển, ở những cửa sông, nhất là cửa sông lớn như sông Hàn – nơi mà làng Nại Hiên xưa hình thành, thì không thể làm muối được. Để lý giải “lấy tre làm nồi”, nhiều sách cho rằng, người ta dùng ống tre, đổ nước biển vào và nấu cho đến khi kết tinh thành muối. Quả thực, chưa thấy “làng nghề truyền thống” nào có cách làm muối lạ lùng đến vậy.
Chúng tôi tra cứu trong hầu hết các sách sử xưa viết “diêm dân” và “diêm hộ” tại Quảng Nam thì không thấy có ghi tên làng Nại Hiên. Nếu quả thật có một làng muối như Nại Hiên thì hà cớ gì dân làm mắm Nam Ô, hằng năm phải vào tới Cà Ná để mua muối chở về muối cá? Cho nên theo chúng tôi, câu ca trên để chỉ một bộ phận người dân Nại Hiên xưa, nhất là những người chuyên đi biển và đốn củi, lấy ống tre để nấu cơm (như cơm lam) và lấy nước biển để làm muối ăn cùng mà thôi, bởi nó tiện cho việc nấu và dễ mang theo trong điều kiện công việc của hai nghề này. Vì lẽ đó, câu ca trên ngoài chữ Nại Hiên và một bộ phận dân cư với các hình thức kinh tế đặc thù vừa nêu, sẽ không đại diện cho bất cứ điều gì thuộc về phổ biến của làng Nại Hiên xưa, nhất là loại hình kinh tế “có truyền thống làm muối” cả.
Lưu Anh Rô