.
Hồ sơ Tên đường

Tôn Thất Đạm, người đi vào lịch sử khi mới 22 tuổi

.
Chọn cái chết để tỏ lòng tận trung với vua, với nước khi chỉ mới 22 tuổi, Tôn Thất Đạm đã lưu tiếng thơm trong lịch sử nước nhà.

Mô tả ảnh.
Đường Tôn Thất Đạm, Đà Nẵng.
 
Tôn Thất Đạm (1864-1888) quê ở xã Xuân Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là con của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và là anh của Tôn Thất Thiệp. Một số tài liệu cho rằng, theo gia phả của gia đình Tôn Thất Thuyết thì hai con trai của ông là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Tiệp chứ không phải là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp.

Hai anh em Tôn Thất Đạm theo cha trong suốt thời gian xảy ra vụ thất thủ kinh đô năm 1885 đến khi vua Hàm Nghi bị bắt.

Tối ngày 4 tháng 7 năm 1885 (nhằm ngày 22 tháng 5 năm Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết chỉ huy binh lính triều Nguyễn tấn công bất ngờ vào sào huyệt giặc Pháp ở Mang Cá và khu Tòa Khâm bên sông Hương. Ban đầu, quân Pháp còn hỗn loạn, nhưng đến gần sáng thì củng cố được đội ngũ và phản kích trở lại. 9 giờ sáng hôm sau, Hoàng thành thất thủ, quân Pháp hoàn toàn làm chủ tình thế. Tôn Thất Thuyết và Tôn Thất Đạm bảo vệ xa giá rước vua Hàm Nghi ra thành Quảng Trị, sau đó lên Sơn phòng Tân Sở rồi về vùng Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Tại Tân Sở, Tôn Thất Thuyết thay mặt vua hạ chiếu Cần Vương, hai người con trai của ông đều tham gia chỉ huy trong phong trào Cần Vương.

Sau khi giúp vua Hàm Nghi xây dựng căn cứ lãnh đạo phong trào kháng Pháp, nhận thấy tương quan lực lượng khá chênh lệch, vào tháng 2 năm 1886, Tôn Thất Thuyết để cho hai con của mình tiếp tục duy trì “triều đình Hàm Nghi” chống Pháp, ông cùng với hai vị đồng liêu khác tìm đường sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh giúp Việt Nam đánh thực dân Pháp.

Trên cương vị Khâm sai Chưởng lý Quân vụ đại thần, Tôn Thất Đạm đóng quân ở miền núi tỉnh Hà Tĩnh, giữ mối liên lạc giữa nghĩa quân Cần Vương và vua Hàm Nghi. Ông giúp Phan Đình Phùng mở rộng phong trào Cần Vương, tổ chức kháng chiến chống Pháp ở Nghệ Tĩnh. Ông cùng với em trai là Tôn Thất Thiệp thay cha làm nhiệm vụ bảo vệ nhà vua trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 1886 đến tháng 10 năm 1888.

Cuối năm 1888, vua Hàm Nghi bị một thuộc hạ là Trương Quang Ngọc làm phản đem quân tới bắt. Trương Quang Ngọc nguyên từng theo hộ giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở, lập được một số công trạng; sau bị mua chuộc, cấu kết với suất đội Nguyễn Đình Tình lập mưu phản loạn. Hôm đó, cả hai đem hơn 20 thủ hạ, lên vây làng Tả Bảo (khe Tá Bào) là nơi vua Hàm Nghi đóng. Đến độ nửa đêm, cả nhóm xông vào đâm chết Tôn Thất Thiệp, bắt sống được nhà vua.

Hay tin vua Hàm Nghi bị lọt vào tay quân Pháp, Tôn Thất Đạm đã uống thuốc độc tự sát vào ngày 15 tháng 11 năm 1888. Có nguồn cho rằng khi vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Đạm đang đóng quân ở Hà Tĩnh. Nghe tin, ông viết hai bức thư. Một gửi cho Hàm Nghi tạ tội vì đã không bảo vệ được vua. Một gửi cho thiếu tá Dabat đang đóng ở đồn Thuận Bài, nói về sự tuẫn tiết của mình, yêu cầu viên sĩ quan Pháp giữ nghi lễ với nhà vua và xin cho thủ hạ của mình ra đầu thú được về quê làm ăn.

Chọn cái chết để tỏ lòng tận trung với vua, với nước khi chỉ mới 22 tuổi, Tôn Thất Đạm đã lưu tiếng thơm trong lịch sử nước nhà. Ở Đà Nẵng, tên ông đã được đặt cho con đường mới khai thông nối thẳng đường Lê Độ từ đường Trần Cao Vân ra đến giáp đường Nguyễn Tất Thành dài 240m, rộng 10,5m theo Nghị quyết số 71/2008/NQ/HĐND của HĐND thành phố Đà Nẵng ngày 2-7-1998 về đặt và đổi tên một số đường của Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.