* Tôi nghe các cụ cao tuổi trong xóm kể rằng, ngày xưa, trước khi Lý Thường Kiệt đem quân phạt Tống có viết một bài hịch kể tội nhà Tống và báo cho dân Tống rõ. Các cụ cũng chỉ biết vậy thôi, còn cụ thể thế nào thì các cụ bảo tôi nhờ quý báo giải thích giùm. (Trần Văn Trung, Hải Châu, Đà Nẵng).
![]() |
Đền thờ Lý Thường Kiệt tại Thanh Hóa. (Ảnh: Internet). |
- Đó là bài “Phạt Tống lộ bố văn” (Bài tuyên bố về việc đánh Tống), bài hịch văn do danh tướng Lý Thường Kiệt viết và cho niêm yết ở những nơi mà quân Đại Việt đi qua trong Chiến dịch đánh Tống (1075-1076).
Nhà Tống (Trung Quốc) dưới thời Tống Thần Tông bị các nước phương Bắc là Liêu và Hạ uy hiếp, buộc phải cống nộp nhiều của cải và đất đai. Tể tướng Vương An Thạch đề ra chính sách cải cách kinh tế nhằm cứu vãn tình thế khó khăn trong nước và sự uy hiếp của hai nước phương Bắc, đồng thời có ý đồ mở rộng biên cương xuống phía Nam theo kế sách “đánh lấy nước yếu để dọa nước mạnh”.
Phía Đại Việt, năm 1072 vua cha qua đời, vua Lý Nhân Tông lên thay chỉ mới 7 tuổi. Thái phi Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt làm phụ chính. Biết được âm mưu của giặc, Lý Thường Kiệt tính rằng, nếu quân Tống có vào Đại Việt, đường bộ tất phải qua Ung Châu, đường thủy thì qua các cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu. Ông xét đánh trước sẽ lợi hơn và quyết tâm phá trước các cứ điểm này của quân Tống.
Cuối năm 1075, Lý Thường Kiệt mang khoảng 10 vạn quân vào đất Tống. Để danh chính ngôn thuận trong việc Bắc phạt, ông soạn bài “Phạt Tống lộ bố văn”, công bố cho dân Trung Quốc trong những vùng quân Đại Việt đi qua được biết.
Bài hịch trước hết giải thích cho người dân Trung Hoa vùng biên giới thấy rõ tội ác của triều đình nhà Tống, vì nhà Tống âm mưu xâm chiếm Đại Việt nên nhà Lý phải mang quân đánh. Thêm vào đó, ông bài xích những chính sách “thanh miêu”, “trợ dịch” của nhà Tống để kích động sự oán hận của dân Tống.
Đọc hịch văn, dân Tống vui mừng đồng tình, mang rượu thịt ra khao quân Lý, mỗi khi thấy cờ hiệu Lý Thường Kiệt từ xa đều nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam và cùng nhau bày án bái phục trên đường.
Lý Thường Kiệt mang đại quân đến vây đánh và cuối cùng hạ được Ung Châu đúng như dự định. Chiến công vang dội này có sự đóng góp đáng kể của “Phạt Tống lộ bố văn”.
Dưới đây là bản dịch của Trần Văn Giáp về bài hịch văn hùng tráng này, trích từ Thơ văn Lý - Trần tập 1:
“Trời sinh ra dân chúng, Vua hiền ắt hòa mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép “thanh miêu”, “trợ dịch”, khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thỏa cái mưu nuôi mình béo mập.
Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!
Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình!
Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!”.
ĐNCT