.

Dấu vết chữ khắc cổ nhất tại Đà Nẵng

.

Đó là các chữ khắc trên hai tấm bia được tìm thấy ở Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Tấm bia đầu tiên được một người Pháp, ông Rougier, phát hiện vào đầu thế kỷ 20 và được Edouard Huber công bố với tên gọi “Bia Hóa Quê” trong bài “Nghiên cứu Đông Dương” trên tạp chí của Viện Viễn Đông Cổ Pháp, số 11, năm 1911, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc Gia Việt Nam.

Tấm bia thứ hai được phát hiện vào thập niên 80 thế kỷ XX. Một người dân đào móng làm nhà đã tìm thấy và báo cho Bảo tàng Đà Nẵng chuyển hiện vật này về bảo tàng. Tấm bia này đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và đã được Arlo Griffiths và Amandine Lepoutre dịch ra tiếng Anh, công bố trong tập “Văn khắc Chămpa tại Bảo  tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng”, cùng với bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thanh Xuân, xuất bản năm 2012 (sau đây gọi tắt là “Bia Khuê Trung”).

Bia Hóa Quê, đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội (ảnh trái) và Bia Khuê Trung, đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Bia Hóa Quê, đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội (ảnh trái) và Bia Khuê Trung, đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Khuê Trung ngày nay là một phần của Hóa Quê xưa. Hóa Quê là một cách đọc của người Quảng Nam đối với chữ Hóa Khuê, vốn là tên gọi vùng đất bao trùm từ khu vực sân bay Đà Nẵng cho đến núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn) ngày nay. Tên gọi Hóa Khuê xuất hiện từ thế kỷ 17 trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, là tên một trong số 64 xã của huyện Điện Bàn lúc bấy giờ. Trải qua mấy thế kỷ thay đổi tên gọi và địa giới, dấu vết của tên gọi Hóa Khuê còn lưu lại ở một số địa danh ngày nay như Khuê Đông (Vùng Đông của Hóa Khuê), Khuê Trung (Vùng Trung của Hóa Khuê).

Bia Hóa Quê có kích thước 124 cm x 70cm x 33 cm, được khắc trên 4 mặt. Mặt A 17 dòng, chữ Phạn, có nội dung tôn vinh thần Siva thông qua biểu tượng linga; mặt B, 19 dòng, chữ Phạn, ngợi ca vua Jayasimhavarman và vua Bhadravarman cùng các vị đại thần; mặt C, 17 dòng, chữ Phạn, ghi niên đại dựng các tượng thờ; mặt D, 19 dòng, chữ Chăm cổ với một câu  bằng chữ Phạn, nói đến việc gìn giữ tấm bia.

Bia Khuê Trung kích thước 75 cm x 45 cm x 35 cm, có chữ khắc trên 4 mặt, nhưng nhiều chỗ đã mòn, nhất là ở phần giáp mối các mặt bia đều bị sứt vỡ khiến cho việc tái hiện bố cục văn bia gặp khó khăn. Phần đầu của bi ký được viết bằng tiếng Phạn, ngợi ca thần Maharudra, một hóa thân của thần Siva, và vua Jayasimhavarman, ghi lại việc thiết lập một công trình vinh danh vị thần. Phần hai của bi ký được viết bằng Chăm cổ (có xen rải rác một số cụm từ tiếng Phạn), bao gồm danh sách đất đai dâng tặng cho một tu viện.

Bia Hóa Quê được dựng sớm nhất là vào năm 909 hoặc 910, trong thời kỳ của vua Bhadravarman, được tôn vinh trong văn bia: “Đấng quân vương Bhadravarman, một mặt trăng không chút tì vết trên bầu trời, thuộc dòng họ Bhrgu xuất chúng, là bản tâm của chúng sinh, đã đánh thức những đóa sen bằng những tia sáng huy hoàng của Người”. Bia Khuê Trung có ghi ngày dựng bia được tính ra dương lịch là ngày 19 hoặc 20 tháng 2 năm 899, dưới thời của vua Jayasimhavarman: “…trong khi ngài đang cai quản mặt đất một cách tốt đẹp, lấp đầy mong ước của những người trí huệ khát khao công tích… (người mà danh xưng) bắt đầu bằng Jayasimha và chấm dứt bằng varman.”

Hai văn bia này nằm trong giai đoạn xuất hiện một vương triều mới  của Chămpa được nêu trong tấm bia dựng ở Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) ngày 13 tháng 5 năm 875, với vị vua có tên là Indravarman. Những người dựng Bia Hóa Quê đều có quan hệ bà con gần gũi với dòng dõi vua Indravarman. Những dòng ở mặt C văn bia Hóa Quê nói đến những người con đã dựng hình tượng của cha mình, có tên là Ajna Sarthavaha, “là anh của hoàng hậu vua Indravarman, cháu gái của vua Rudravarman….”. Trong khoảng 30 năm từ năm 890 đến năm 920, ngoài hai tấm bia Hóa Quê và Khuê Trung, có khá nhiều văn bia đã được tìm thấy ở các tỉnh bắc miền Trung, từ Quảng Nam đến Quảng Bình. Nội dung các văn bia này cho thấy một tầng lớp quý tộc có vai trò lớn trong xã  hội đương thời. Tầng lớp quý tộc Chămpa giai đoạn này được miêu tả là những người có nhiều kiến thức và tài năng, đặc biệt là họ tham gia vào các hoạt động đối ngoại với các nước lân bang lúc bấy giờ.

Hai văn bia được tìm thấy tại Khuê Trung cùng với dấu tích giếng cổ, tượng thờ chứng tỏ đây là một khu vực khá phát triển về mặt xã hội. Vị đại thần ở Hóa Quê có tên ghi trong văn bia là Ajna Narendra Nrpavitra “thông thạo tất cả các nghi lễ và mọi kinh sách tôn giáo Siva”. Em trai của vị này, có tên là Ajna Jayendrapati, “trí tuệ mẫn tiệp, có khả năng hiểu thông suốt tất cả thông điệp của vua các nước gửi đến chỉ sau khi nhìn lướt qua trong chớp mắt ”. Và ắt hẳn vị trí Hóa Quê đã từng là một thị tứ, một địa điểm “lễ tân” tại cửa ngõ giao thương, tiếp đón các nước đến với Chămpa qua cửa biển Đà Nẵng và cửa Đại Chiêm, vốn là hai cửa biển được nối thông bằng sông Cổ Cò, tiếp giáp với Hóa Quê. Đây cũng là đầu đường sông dẫn đến vùng đồng bằng và trung du, kể cả có đường sông đến vùng Thanh Chiêm, Trà Kiệu, Mỹ Sơn, là những trung tâm kinh đô và tôn giáo của vương quốc Chămpa.

Trong các văn bia Chămpa thường xuất hiện nhiều điển tích, ý tưởng có nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ. Đặc biệt trong văn bia Hóa Quê ta thấy đầy đủ câu chuyện về Linga của thần Siva giống hoàn toàn với nội dung của bản kinh Lingapurana của Ấn Độ.  Điều này chứng tỏ văn hóa Ấn Độ đã thâm nhập khá sâu rộng ở Chămpa thời kỳ này. Trong văn bia Khuê Trung, có nói đến việc lập một vihara (tu viện) tại khu vực này. Tu viện được miễn thuế và nhằm khuyến khích dharma (giáo luật). Chi tiết này gợi cho chúng ta ý tưởng rằng khu vực này không chỉ là khu đền tháp thờ tự mà còn là một trung tâm giáo dục tín ngưỡng đương thời, là nơi tu tập của tăng lữ và được sự bảo trợ của vua Chămpa.

Các thông tin về đồ trang sức và các món quà quý giá do vua Chăm tặng cho các quý tộc nhắc đến trong văn bia Hóa Quê phản ánh thị hiếu thẩm mỹ, những tiêu chuẩn về ăn mặc, phương tiện đi lại được đánh giá cao trong xã hội Chămpa lúc bấy giờ: “Vòng hoa vinh dự được đặt lên đầu, dấu tilaka tuyệt vời được tô trên trán, một bộ hoa tai tốt nhất, một cặp áo dài có với những đường chỉ vàng trang trí, một cây kiếm có chuôi nạm vàng, một lọ hoa và một ciranda trắng như bạc, một chiếc dù làm bằng lông công và vô số bình, lọ và một chiếc kiệu có cán bằng bạc. Tất cả những vật đó khó ai trên thế gian có được, đã được đức vua trao tặng cho Người vì sự trung thành đối với các mệnh lệnh của hoàng gia. Người ngồi cạnh đức vua trong chiếc kiệu, dưới chiếc lọng làm bằng lông công, hộ tống bởi đội quân nhạc, bước xuống một cách kiêu hãnh. Cỡi trên lưng voi, bao bọc bởi muôn ngàn binh lính, Người tỏa sáng uy nghiêm lộng lẫy như tia nắng mặt trời dưới chiếc dù làm bằng những chiếc lông chim công”.

Có thể nói hai văn bia Hóa Quê và Khuê Trung là những hiện vật hết sức giá trị về mặt khảo cổ học, là những minh chứng trực quan về lịch sử và văn hóa Chămpa tại vùng Đà Nẵng. Hai tấm bia quý hiếm này góp phần làm cho bức tranh về di sản văn hóa Chămpa tại Đà Nẵng càng rõ nét bên cạnh những dấu vết kiến trúc, điêu khắc và sinh hoạt xã hội khác.

Võ Văn Thắng

;
.
.
.
.
.