.
Phú Quốc vọng Hoàng Sa

Kỳ 2: Lịch sử sang trang

.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, từ những năm tháng đau thương đó, liệu có nên nhắc lại những nỗi đau? Để trả lời nỗi băn khoăn đó, xin dẫn lời Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, trong “Lời giới thiệu” cuốn “Trại giam tù binh PQ - Những trang sử đẫm máu 1967-1973” xuất bản lần đầu năm 1995, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tái bản 2012 của tác giả Trần Văn Kiêm (một cựu tù binh PQ), ông  đã viết những lời thống thiết:

Tái hiện mô hình “chuồng cọp thép gai”. 		   		Ảnh: Nguyễn Khắc Phê
Tái hiện mô hình “chuồng cọp thép gai”. Ảnh: Nguyễn Khắc Phê

“Hỡi bạn bè và đồng chí, hỡi các tầng lớp nhân dân cả nước, các bạn thanh niên đang xây dựng cuộc sống hôm nay, hãy đọc và ngẫm nghĩ tập sách này, một khía cạnh nhỏ mà lớn của lịch sử đất nước…”.

Nỗi đau Phú Quốc

Quả là thật đáng “ngẫm nghĩ” trước sự tàn bạo ghê rợn ở Trại giam PQ. Chúng ta cảm phục trước tinh thần bất khuất của những chiến sĩ đã chiến thắng mọi sự đày đọa, tra tấn nhưng đồng thời nhận ra một điều thật đau lòng: kẻ địch tàn bạo đó cũng máu đỏ da vàng, cũng là con của mẹ Việt Nam!

Đó là chưa nói đến một hình thức “tra tấn” đặc biệt, tuy không thể hiện được bằng mô hình vật chất ghê sợ, nhưng có khi còn làm đau đớn nhiều tù binh hơn, đau đớn cả đến con cháu họ, ngay cả khi họ đã được trở về gia đình. Đó là âm mưu “cưỡng ép chiêu hồi”, lập “Trại tân sinh hoạt” mua chuộc và chia rẽ. Trong cuốn sách đã dẫn, ông Trần Văn Kiêm cho biết địch dựng lên các đội trật tự cùng với quân cảnh kềm kẹp, đánh đập dã man, ép buộc người tù chiêu hồi về với “Việt Nam cộng hòa”. Cuộc khủng bố ác liệt ở Trại D6 giữa năm 1970 được ông kể lại:

“… Hoàn cảnh anh em hết sức khốn quẫn. Nhiều người ban đêm khóc thầm, sợ chịu không nổi đòn roi, tiếp tục phải đi vào khu tân sinh hoạt. Chỉ khóc ban đêm chứ không dám khóc ban ngày, sợ bọn trật tự bắt gặp sẽ bị đánh đập. Bức bách quá, một số người tự tử để khỏi mang tiếng phản bội. Anh Hoàng quê ở Củ Chi tự mổ bụng lôi ruột gan ra và ngã xuống chết. Một anh quê ở miền Trung dùng miểng chai cứa cổ nhưng anh em cứu được. Có 3 anh, vào lúc 9 giờ sáng, chạy ra đứng cạnh hàng rào dây kẽm gai kêu tên lính gác bảo bắn chết các anh đi. Các anh mắng chửi khiêu khích nó. Nó nổ súng thẳng vào 3 người làm hai người chết tại chỗ…”.

Cũng theo ông Trần Văn Kiêm, có khoảng 5.000 người đã bị ép vào khu “Tân sinh hoạt”, dù họ không có ý phản bội cách mạng.

Như thế, sau những cuộc tra tấn cân não khốc liệt chọn chỗ đứng bên ranh giới “địch-ta” ấy, 5.000 con người dù được tự do trở về với vợ con, cũng phải sống nhiều năm tháng trong sự dằn vặt và cả sự nghi ngờ của đồng đội, đồng bào quê hương.

Đúng như Tướng Trần Văn Trà đã viết, sau buổi thăm di tích Trại giam PQ, rồi đọc những trang sử đẫm máu ở đây, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Cái nỗi đau khôn tả của hàng vạn con người từ hầu khắp đất nước bị dồn về nơi địa ngục trần gian ngay chính trên hòn đảo đầy tiềm năng trở thành thiên đường khiến ta thêm khát khao mong đến ngày PQ thật sự cất cánh.  

Xốn xang Hoàng Sa

Mấy ngày ở PQ, tôi luôn quan tâm đến việc... định vị.  Trước hết, vì giữa mấy lớp biệt thự lô nhô xếp san sát trên một sườn đồi đầy cây cảnh ven các lối đi uốn lượn rất thơ mộng, nhưng khách cũng rất dễ… nhầm phòng, nhất là khi đầu óc đang đuổi theo những ý thơ, nét nhạc hay lơ mơ vì tí “hơi cay” sau lúc dạo chợ đêm để biết món ăn chế biến từ thủy sản của PQ phong phú đến mức nào. Không may, gõ cửa nhầm phòng các ông Tây bà đầm thì… rách việc! Đó chỉ là chuyện vặt vui vẻ, sự lạc hướng đáng kể hơn là nhiều lúc không nhận ra đâu là Đông-Tây-Nam-Bắc.

Cũng vì dân Việt ta, trong tiềm thức sâu thẳm, đã nghĩ đến đảo, tất nhiên là hướng biển Đông. Nhưng PQ lại ở biển Tây, nên có lúc hướng ra biển, nhưng trước mặt lại là phía Tây. Cái vị trí địa lý đặc biệt đó cũng là lợi thế của PQ, nhất là với bà con ngư dân, mùa nào cũng ra khơi được. Khi bên phía Đông biển động, thì cho thuyền chuyển sang phía Tây. Có lẽ nhờ thế mà biển PQ có nhiều cá cơm và nước mắm PQ trở nên một thương hiệu nổi tiếng.

Có phải vì muốn giúp du khách dễ định vị, khách đến PQ được phát liền một bản đồ, mặt trước là toàn cảnh PQ khá chi tiết, mặt sau là bản đồ Việt Nam với đầy đủ hệ thống giao thông từ nội địa đi các hải đảo.

Cũng vì dân Việt ta, trong tiềm thức sâu thẳm, đã nghĩ đến đảo, tất nhiên là hướng biển Đông. Nhưng PQ lại ở biển Tây, nên có lúc hướng ra biển, nhưng trước mặt lại là phía Tây. Cái vị trí địa lý đặc biệt đó cũng là lợi thế của PQ, nhất là với bà con ngư dân, mùa nào cũng ra khơi được. Khi bên phía Đông biển động, thì cho thuyền chuyển sang phía Tây.

Một chiều, sau khi thăm cảng An Thới ở cực nam PQ về, trong cảm hứng bình an và thơ thới nơi biển lặng đầy tôm cá, tôi mở tấm bản đồ để định vị lại nơi mình vừa đến. Có lẽ chưa bao giờ tôi ngắm nghía hình hài đất nước mình mê mải như thế! Ôi chao, quả là “rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu”! Và thật là thú vị khi lần theo các tuyến giao thông đường thủy kết nối bằng những chấm xanh, từ PQ về Hà Tiên, Rạch Giá, rồi các đường bay kết nối bằng những chấm đỏ từ PQ đi TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội.

Tầm mắt đang hào hứng hướng lên phía Bắc, chợt ngưng lại ở Hoàng Sa, xốn xang như chạm phải một nỗi đau âm ỉ, không thể bịt lại, không thể quên đi. Gang tay đo thử trên bản đồ, thấy quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Huế bằng quãng từ Huế đến Quy Nhơn, các vua nhà Nguyễn đã cho quân lính ra đem về nhiều sản vật quý từ mấy trăm năm trước, vậy mà nay biệt lập với đất liền Tổ quốc. Trong khi đó thì trớ trêu thay, từ Trung Quốc lại có đường bay ra Hoàng Sa và từ Đài Loan có đường bay ra đảo Ba Bình (Trường Sa). Vì chúng ta đã bị mất hai vùng đất ấy từ mấy chục năm trước. Đảo Ba Bình bị chính quyền Đài Loan chiếm trái phép ngày 20-5-1956, còn Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm ngày 19-1-1974.

Đêm ấy, trong căn biệt thự số 176 của khách sạn “Sài Gòn-Phú Quốc”, chăn ấm, nệm êm mà tôi mất ngủ. Rồi mơ thấy những đường bay chấm chấm đỏ nối liền Huế-Hoàng Sa, Hà Nội-Hoàng Sa, Đà Nẵng-Hoàng Sa, Sài Gòn-Hoàng Sa, những đường cong đỏ tươi tạo hình nan quạt trên bản đồ trông thật ngoạn mục…

Tỉnh dậy, kể lại giấc mơ với bạn, liền bị cười chê:

- Ông già lẩn thẩn rồi! Còn lâu ông ơi!...

Ờ, 74 tuổi, già rồi; lại lẩn thẩn nghĩ: Thằng đế quốc tư bản còn nhớ trả lại Hồng Kông, Macao cho “Trung Cộng”, chúng ta là đồng chí “bốn tốt” với “16 chữ vàng”, sao lại không tin có ngày “các đồng chí” sẽ trả lại Hoàng Sa, Gạc Ma cho ta?

Nghe vậy, bạn tôi lại cười, bảo:

- Ông cứ ngồi đó mà chờ!...

Tôi cũng bật cười. Nhưng mà đau. Đau thật chứ, PQ xa thế mà nay đang ở dưới chân mình, còn Hoàng Sa trông gần vậy mà hóa ra xa vời!

Khi tôi viết những dòng này thì một hội nghị xúc tiến việc thực hiện quy chế vùng lãnh thổ đặc thù cho PQ vừa được tổ chức và Cảng Hàng không quốc tế PQ vừa được khai thông trước thềm năm mới 2013. Thế là từ nay những chiếc máy bay cỡ lớn từ nhiều miền đất trong nước và quốc tế mang theo mỗi chuyến vài trăm, chứ không chỉ 6-7 chục người như trước, sẽ dễ dàng đến với PQ. Vấn đề là PQ muốn đủ sức hút để trở thành một điểm “hội tụ” thì không chỉ có những đặc sản hạt tiêu, nước mắm, ngọc trai…; cũng không chỉ nhằm thu hút du khách bởi những nơi nghỉ dưỡng  đầy đủ tiện nghi như… Tây; cũng không nên biến PQ thành một “Macao” thứ hai, mà PQ phải trở nên một đô thị xanh, hiện đại, mỗi công trình, mỗi vườn hoa, mỗi con đường… đều thể hiện được những sắc thái, những giá trị văn hóa tiêu biểu của Việt Nam.

Tưởng đến ngày vui ấy, tôi như thấy ranh giới của PQ được “Trời cho” rộng mở mãi theo những đường bay ngày một vươn xa với tấm lòng hiếu khách, với tình hữu nghị, hòa bình, chứ chẳng cần “bành trướng” tham lam kiểu “lưỡi trâu”, “lưỡi bò”.

Hy vọng là sau những lầm lỡ, chậm trễ, ngày vui ấy không còn xa nữa; và lúc đó, PQ sẽ trở nên gần gũi không chỉ với người Việt Nam.

Nguyễn Khắc Phê

;
.
.
.
.
.