.

Khổ vì VPF

.

Trận thua 0-5 trên đất Mã trước Kelantan trong khuôn khổ vòng bảng (bảng G) AFC Cup 2013 khiến cả người hâm mộ lẫn thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức bị tổn thương thực sự. Và dù rất kiêu hãnh, luôn hướng đến chiến thắng mỗi khi ra sân nhưng nhà cầm quân của SHB Đà Nẵng lại hết sức thận trọng trước cuộc tái đấu Kelantan (chiều 10-4) khi không đưa ra một dự báo cụ thể nào về kết quả trận đấu.

Phải căng mình trên 3 mặt trận với lịch thi đấu dày đặc, Quốc Anh (áo sẫm) và các cầu thủ SHB Đà Nẵng đã cho thấy sự hụt hơi khi mùa giải mới chỉ ở chặng khởi đầu.
Phải căng mình trên 3 mặt trận với lịch thi đấu dày đặc, Quốc Anh (áo sẫm) và các cầu thủ SHB Đà Nẵng đã cho thấy sự hụt hơi khi mùa giải mới chỉ ở chặng khởi đầu.

Thậm chí, nhắc lại thất bại ở trận lượt đi, Lê Huỳnh Đức vẫn thừa nhận: “Nếu mang sang Malaysia đội hình mạnh nhất, chúng tôi cũng chưa chắc chiến thắng Kelantan. Đơn giản bởi các cầu thủ của chúng tôi thực sự quá tải…”.

HLV Bojan Hodak (Kelantan) thể hiện sự cảm thông với SHB Đà Nẵng khi thừa nhận, ngay như chân sút Gaston Merlo - vốn được Kelantan lưu ý - đã có dấu hiệu mệt mỏi ở trận lượt đi tại Kota Bharu. Nhà cầm quân này cũng không giấu được sự kinh ngạc khi biết rằng, từ ngày 23-2 đến ngày 2-4, các cầu thủ SHB Đà Nẵng đã thi đấu tổng cộng 8 trận ở cả 3 mặt trận.

Nhưng mật độ thi đấu trong tháng 4 của thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức đáng ngại không kém với 6 trận cùng việc phải di chuyển liên tục. Trong tháng 5, từ ngày 5-5 đến 26-5, SHB Đà Nẵng cũng có 5 trận đấu. Đáng nói hơn, từ ngày 7 đến 27-7, đội bóng của Lê Huỳnh Đức thi đấu 6 trận với mật độ bình quân 3 ngày/trận.

Không nói ra nhưng với việc phải thường xuyên di chuyển và có những chặng di chuyển đến cả nghìn cây số cùng thời gian transit nếu thi đấu AFC Cup, rõ ràng đó là mối quan ngại rất lớn của thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức. Bên cạnh đó, hầu hết các đối thủ đều nỗ lực hơn 100% khả năng khi gặp SHB Đà Nẵng với mong muốn đánh bại đương kim vô địch Việt Nam cũng là một khó khăn cho đội bóng sông Hàn.

Cho nên, chính HLV Lê Huỳnh Đức cũng phải than trời: “Chúng tôi từng kiến nghị VPF phải có sự điều chỉnh lịch thi đấu nếu muốn các đại diện của bóng đá Việt Nam tại đấu trường châu lục đạt kết quả tốt. Song tất cả vẫn không thay đổi. Vì thế, chúng tôi buộc phải có những sự điều chỉnh cần thiết để đạt kết quả tốt nhất có thể, ở từng mặt trận…”.

Quả là một nghịch lý khi số lượng CLB tham gia thi đấu tại V-League 2013 giảm; đồng nghĩa với thời gian thi đấu của 12 CLB - thay vì 14 CLB như những năm trước - được rút ngắn. Như thế, không lý do gì để những nhà tổ chức không thể “nới” lịch thi đấu với quãng nghỉ phù hợp hơn nhằm đáp ứng tốt nhất mục tiêu đạt hiệu quả của các đại diện bóng đá Việt Nam tại đấu trường châu lục. Một bất hợp lý khác còn ở chỗ, cùng đại diện Việt Nam tại AFC Cup nhưng Xi-măng Xuân Thành Sài Gòn được ưu tiên nghỉ vòng 2 và vòng 4 V-League 2013 trong khi SHB Đà Nẵng chỉ mới được nghỉ vòng 4 V-League 2013.

Lịch thi đấu bất hợp lý với những đại diện bóng đá Việt Nam tại đấu trường châu lục, ảnh hưởng không ít đến hình ảnh bóng đá Việt Nam. Bởi lẽ, với đặc điểm thể trạng cùng chế độ dinh dưỡng chưa hoàn thiện, các cầu thủ Việt Nam rất khó phục hồi. Vì thế, việc phần lớn các đại diện của bóng đá Việt Nam chấp nhận bỏ cuộc hoặc không nỗ lực cao nhất tại các giải bóng đá của AFC cũng là dễ hiểu.

Để nâng cao hơn nữa vị thế của bóng đá Việt Nam, đã đến lúc những nhà tổ chức cần quan tâm hơn nữa đến việc bố trí lịch thi đấu phù hợp hơn cho các CLB Việt Nam tại sân chơi châu lục. Nếu không, những hình ảnh nhạt nhòa mà SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Navibank Sài Gòn… từng thể hiện tại AFC Cup vẫn luôn tồn tại.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.