.

Quyền lương thực

.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ Olivier De Schutter khen ngợi kế hoạch tấn công đói nghèo trên toàn thế giới đang diễn ra tích cực, nhưng cảnh báo không hề có sự thần kỳ nào trong cuộc tấn công dài hạn và cam go này.

Người nghèo Mexico đã có cái ăn sau cuộc chiến chống lại đói nghèo do chính phủ phát động.
Người nghèo Mexico đã có cái ăn sau cuộc chiến chống lại đói nghèo do chính phủ phát động.

Olivier De Schutter sẽ rời chức vụ vào tháng tư tới, sau 6 năm làm việc. Trong báo cáo cuối cùng của mình, chuẩn bị cho hội nghị về quyền lương thực, ông cho biết, châu Mỹ Latinh là nơi có tiến bộ đáng kể trong thập niên vừa qua về chống đói nghèo. Mexico phát động cuộc chiến chống lại đói nghèo dựa trên quyền lương thực được đưa vào hiến pháp năm 2011. Các nước châu Mỹ Latinh khác như Argentina, Brazil, Ecuador và Guatemala cũng đã có những hành động tương tự.

Một số nước châu Phi cũng đã có động thái mạnh về quyền lương thực. Zambia có điều luật về lương thực, an ninh và dinh dưỡng. Uganda có chương trình hành động về dinh dưỡng… Theo số liệu thống kê của LHQ, số người suy dinh dưỡng đã giảm từ 868 triệu người vào giai đoạn 2010-2012 và xuống còn 842 triệu người giai đoạn 2011-2013 nhưng vẫn rất cần những hành động mạnh mẽ hơn nữa để đạt được mục tiêu toàn cầu về giảm đói nghèo vào năm 2015.

Báo cáo của De Schutter có nhận định: Xác định quyền lương thực là một quyền con người mang lại sự gắn kết và có trách nhiệm cao hơn trong xã hội. Quyền lương thực được đưa ra cho thấy sự hiểu biết về đói nghèo ngày càng tăng lên.

Nó không chỉ tập trung phản ánh giữa cung và cầu mà phản ánh được tình trạng không sử dụng tốt nguồn tài nguyên đất, nước, hạt giống cho quy mô nhỏ sản xuất lương thực đã làm hạn chế cơ hội thoát nghèo của người dân, bỏ lỡ cơ hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Brazil là một điển hình cần học tập bởi nền kinh tế mới nổi này không triển khai kế hoạch một cách riêng lẻ mà mang tính phối hợp mạnh.

Họ thực hiện chính sách “Không đói” nhưng đó không phải là chính sách rời rạc mà phối hợp đồng bộ với nhiều vấn đề khác có tính chất dài hạn về giáo dục, giới tính, nước, vệ sinh môi trường… vì người nghèo nên đã mang lại thành công.

Tuy nhiên, ông De Schutter cảnh báo đừng quá tin đó là viên đạn thần kỳ bởi có những nước đưa ra chính sách rất rõ ràng nhưng lại không thực hiện được vì nhiều lý do: thiếu quyết tâm, thiếu người điều hành hoặc nạn tham nhũng. Chẳng hạn, người dân nghèo Guatemala gặp khó khăn trong việc tiếp cận tư pháp để tìm kiếm cơ chế sản xuất thuận lợi hơn nhằm giúp họ tự kiếm được cái ăn.

ANH THƯ (Theo Guardian)

;
.
.
.
.
.