.

Bùi Ngọc Tấn - dọn mình đối thoại với vô cùng

.

Cuối ngày 18-12-2014 một người bạn thân nhắn tin: “Chị ạ, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã qua đời sáng nay rồi…”. Trước mắt tôi, ngay lúc ấy, gương mặt của bác, giọng nói của bác, những trang thư của bác ùa về trong tâm trí.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. (Ảnh tư liệu: thanhnien.com.vn)
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. (Ảnh tư liệu: thanhnien.com.vn)

Cuối năm 2012, khi đang loay hoay tìm đề tài cho luận văn cao học thì thầy giáo hướng dẫn của tôi - Tiến sĩ Phan Ngọc Thu (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân) đưa ra một gợi ý làm tôi lo lắng: “Em viết về Bùi Ngọc Tấn đi, Bùi Ngọc Tấn của Người chăn kiến, Biển và chim bói cá ấy…”. Cái tên Bùi Ngọc Tấn với tôi nghe sao lạ lẫm đến vậy và tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin về nhà văn này chỉ với lời nhận xét hiếm hoi của thầy “Nhà văn thì rất nhiều nhưng để có lối văn đẹp như Bùi Ngọc Tấn thì hiếm lắm…”.

Những tài liệu nghiên cứu, các bài bình luận về văn chương Bùi Ngọc Tấn không nhiều, đa số chỉ là những bài báo trao đổi trên mạng của độc giả và bạn bè của ông. Khi đó, tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa đoạt giải thưởng Henri Queffélec tại Festival Sách và Biển (Pháp) tháng 4-2012. Tôi đã mày mò tìm đọc “Người chăn kiến”, “Biển và chim bói cá”, “Viết về bè bạn” - những cuốn sách của Bùi Ngọc Tấn đang được bán rất chạy ở các nhà sách và mạo muội tìm cách liên lạc với nhà văn để mong được bác giúp đỡ.

Tôi đã tìm đến tác giả với sự tự ti của mình vì cảm thấy mình thật bình thường, nhỏ bé trước cuộc đời sóng gió của nhà văn, và càng thấy mình nhỏ bé hơn khi so với những văn nghệ sĩ, những nhà lý luận phê bình, những độc giả am hiểu văn chương thường xuyên ở bên ông, mà tôi thì chỉ là một giáo viên bình thường…

Nhưng thật bất ngờ, con người ấy thật giản dị và gần gũi biết bao, bác Tấn đã trả lời cặn kẽ, giải đáp các thắc mắc của tôi về tác phẩm của bác với những quan điểm đầy nhất quán và sâu sắc. Và càng bất ngờ hơn, khi tôi nhận ra một điều, con người ấy khi viết về những đau khổ, oan trái của cuộc đời mình một cách điềm nhiên, nhân hậu và bao dung vô cùng.

Nhà văn từng quan niệm: “Với tôi, mỗi lần ngồi vào bàn viết là một lần tôi tốt hơn lên bởi lúc đó tôi gạt hết mọi ưu tư phiền muộn, những thù hận nhỏ nhen và cả những sợ hãi vẫn còn trong con người mình, thanh lọc mình khỏi những vướng mắc, những ham muốn của cuộc đời thường nhật, sao cho sát gần với Chân-Thiện-Mỹ để đắm mình vào những dòng chữ, một công việc mà tôi gọi là “dọn mình đối thoại với vô cùng” (1). Khi biết tôi làm luận văn về tác phẩm của mình, bác Tấn vừa vui mà lại vừa lo lắng cho tôi, bác đã gửi gắm lời cảm ơn đầy chân tình, xúc động: “Bác thay mặt nhà văn Bùi Ngọc Tấn nói một lần nữa là Hắn (hay ông ta) rất cảm ơn các thầy cô ở các trường đại học, cũng như các sinh viên đại học, cao học đã có tấm lòng, con mắt đối với hắn và những sáng tác hắn đã in (kể cả chưa in)” (2).

Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, con người ấy đã lấy cái tâm trong sáng, nhân hậu, điềm tĩnh của mình để trụ vững trên từng trang văn và cả trang đời đau khổ. Con người ấy đã “dọn mình đối thoại với vô cùng” theo cách ấy, đã âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của cuộc đời mình về với “Vũ trụ không cùng” (3). Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã tìm thấy sự bù đắp của số phận trong niềm vui muộn màng lúc về già, ông được sống trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè, độc giả, vẫn được viết, được yêu thương kính trọng và được ra đi thanh thản trên mảnh đất quê hương, Tổ quốc của mình.

Từ thành phố Đà Nẵng xa xôi, không thể đến chia tay nhà văn Bùi Ngọc Tấn về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi chỉ biết thắp nén nhang lòng thành kính tiễn bác Tấn của tôi về với “vũ trụ không cùng” được thanh thản, bình yên.

Bùi Ngọc Tấn (1934-2014), quê Hải Phòng. Các tác phẩm chính đã xuất bản từ năm 1995 trở lại đây: Một thời để mất (hồi ký 1995); Những người rách việc (Truyện ngắn 1996); Một ngày dài đằng đẵng (Truyện ngắn 1999); Rừng xưa xanh lá (Chân dung văn học 2002); Biển và chim bói cá (Tiểu thuyết 2008). Nhà văn từng nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Bộ Văn hóa, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, giải Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng)… Năm 2012, ông được trao giải thưởng Henri Queffélec (Pháp) tại liên hoan “Sách và Biển” cho tác phẩm Biển và chim bói cá. Cuốn sách này trước đó đã được dịch sang tiếng Pháp.

NGUYỄN THỊ BÍCH VÂN


(1),(2): Trích từ tài liệu nghiên cứu của người viết.

(3): Tên truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn.

;
.
.
.
.
.