.

Tạm biệt bóng đèn sợi đốt

.

Gần 1.300 hộ nghèo tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu vừa được Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng phối hợp cùng Thành đoàn Đà Nẵng hỗ trợ lắp đặt bóng đèn compact.

Hoạt động ý nghĩa này nằm trong chương trình đổi 1 triệu bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hướng đến mục tiêu 100% người dân trên cả nước sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện.

Đã có gần 1.300 hộ nghèo ở Đà Nẵng được hỗ trợ thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact.  Ảnh: T.Y
Đã có gần 1.300 hộ nghèo ở Đà Nẵng được hỗ trợ thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact. Ảnh: T.Y

Tiết kiệm điện nhưng không tiết kiệm ánh sáng

Hơn 3 tháng nay, nhà bà Dương Thị An (89 tuổi) ở thôn Đồng Lăng, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang đã… sáng điện trở lại sau một thời gian dài sống trong cảnh tù mù vì hệ thống điện chiếu sáng trong nhà bị hư hỏng. Bà An sống một mình trong căn nhà nhỏ, vật dụng gồm chiếc giường đơn đặt cạnh tủ thờ, cùng đôi ba chum vại đựng vài thứ lặt vặt.

Tuổi cao sức yếu chỉ vừa đủ để bà ngồi yên một chỗ, thỉnh thoảng lắm mới mò mẫm dò từng bước đi vệ sinh hay rửa nồi niêu, chén đũa. Hằng tháng, mọi chi tiêu của bà gói gọn ở số tiền 180.000 đồng phụ cấp nên cách đây mấy tháng, khi đường dây điện trong nhà bị hư, bà không dám nhờ ai mắc hộ vì “sợ tốn tiền”.

Bên cạnh khó khăn trong chuyện tiền nong, bà An nói như phân trần: “Tao già rồi, nhà cửa ọp ẹp, lỡ trời mưa to gió lớn có sự cố gì về điện, tao biết gọi đứa nào tới giúp”. Trước hoàn cảnh của bà An, không chỉ giúp sửa chữa, mắc mới hệ thống điện an toàn, Đoàn Thanh niên Điện lực Đà Nẵng còn kết hợp với lực lượng Thanh niên tình nguyện xã Hòa Phú san sẻ những mối lo của bà qua việc tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng điện tiết kiệm cũng như lắp công tắc điện ngay đầu giường ngủ để khi cần thiết, bà có thể bật - tắt dễ dàng.

Anh Nguyễn Thọ Dũng, Bí thư Đoàn Điện lực Đà Nẵng, cho biết ngoài những trường hợp “tiết kiệm ánh sáng” hi hữu như gia đình bà An, qua công tác khảo sát, Đoàn phát hiện hệ thống điện chiếu sáng của khá nhiều hộ nghèo lâu ngày không sửa chữa, thay mới dẫn đến rò rỉ điện qua các vật dụng bằng kim loại trong nhà. Đơn cử như hệ thống đường dây điện của gia đình bà Lê Thị Điều ở Hòa Tiến có nhiều mối nối, phần nhựa bao quanh lõi đồng nứt nẻ, áp sát vào mái tôn, đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa. Do đó, khi tiến hành thay mới bóng đèn, nhóm thực hiện đã hỗ trợ bà Điều thay mới hoàn toàn hệ thống điện, tạo tâm lý an tâm cho người dân.

Những năm gần đây, Điện lực Đà Nẵng triển khai nhiều mô hình tiết kiệm điện, nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn cho người dân trên địa bàn thành phố. Hàng chục buổi tuyên truyền, hàng ngàn tờ rơi được cấp phát đến tận tay người dân.

Ông Phùng Kiệm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang cho biết, trong đợt này Hòa Vang có 841 hộ nghèo được hỗ trợ sửa chữa, lắp đặt, thay thế bộ bóng đèn tiết kiệm điện gồm 1 bóng đèn, 10 mét dây dẫn điện và 1 phích cắm. Việc mắc đèn compact cộng mức hỗ trợ tiền điện 46.000 đồng/tháng theo quy định của Chính phủ đã giúp người dân tiết kiệm được một khoản tiền sinh hoạt nhất định, có hộ mỗi tháng sử dụng không hết số tiền được hỗ trợ.

Thay đổi ý thức người dân    

Ông Nguyễn Ngọc Dư, thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương cho biết trước giờ gia đình sử dụng bóng đèn sợi đốt do giá thành rẻ chứ ít để ý đến công suất điện năng loại bóng này tiêu thụ. Từ khi được hỗ trợ thay mới đèn compact, gia đình ông bật điện nhiều hơn nhưng tiền điện phải trả hằng tháng không tăng. “Trước đây, mỗi tối gia đình chỉ ưu tiên bật điện ở khu vực phòng ngoài ngồi xem ti-vi, con cái học bài, đọc sách cũng ra đây thì chừ tôi có thể mắc thêm một bóng đèn tại bàn học để chúng tập trung học tốt hơn”, ông Dư nói thêm.

Chương trình Thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn tiết kiệm điện cho gần 1.300 hộ nghèo thu hút 370 đoàn viên tham gia tại Đà Nẵng thời gian qua nằm trong mục tiêu giúp 100% người dân Việt Nam sử dụng đèn tiết kiệm điện trong tương lai của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.  Chương trình chỉ sử dụng một loại đèn compact 18W thay đổi cho tất cả các loại đèn tròn sợi đốt từ 40W đến 100W với phương châm “tiết kiệm điện nhưng không tiết kiệm ánh sáng”.

Đèn compact dùng trong dự án có tuổi thọ 6.000 giờ. Theo tính toán của ngành điện lực, với số vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, khi thay mới hoàn toàn bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact 18W, mỗi năm ngành điện sẽ tiết kiệm khoảng 38,4 triệu kWh, tương đương 33,7 tỷ đồng.

Những tưởng việc thay mới một đoạn dây điện, một công tắc điện bị hỏng chỉ là chuyện nhỏ nhưng với người nghèo tiết kiệm chi tiêu từng thứ thì đó lại là chuyện xa xỉ. Anh Đỗ Lê Vũ, chuyên viên Ban Thanh niên - Công nhân, Thành Đoàn Đà Nẵng tham gia chương trình từ những ngày đầu chia sẻ rằng anh rất xúc động khi nhìn thấy niềm vui vỡ òa trên gương mặt hộ nghèo nhận hỗ trợ đợt này. Đó là trường hợp chị em bà Lê Thị Ninh và Lê Thị Xuân (đều trên 80 tuổi) sống trong căn nhà gỗ đơn sơ, dột nát tại thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn.

Ngày qua ngày, để kiếm tiền mưu sinh, từ 4 giờ sáng hai bà đã thức dậy cầm đèn pin đi bắt ốc bươu Bàu Nghè mang ra chợ hoặc bán cho hàng xóm có con cháu về thăm nhà. Những hôm nắng, kiếm được đôi ba chục ngàn, hai cụ còn có tiền mua được bó rau, con cá cải thiện bữa ăn còn trời mưa như những ngày qua, không ra đồng được, hai bà chỉ nấu cơm ăn với gói mì hay chan nước mắm, rắc ít muối tiêu qua bữa. Do đó, khi thấy đoàn viên thanh niên đến nhà thay mới hệ thống điện, hai bà run run cầm tay nói lời cảm ơn từng người khiến ai nấy đều xúc động. Dường như với những nhân vật trong bài viết này, mỗi bóng điện mới được thắp lên như thắp thêm niềm vui và sự tin yêu vào cuộc sống.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.