.
Phương hay Thuốc quý

Hoắc hương phòng chữa bệnh tiêu hóa

.

Hoắc hương có vị cay, mùi thơm hắc, tính hơi ấm, có tác dụng làm mạnh dạ dày - ruột, giúp sự tiêu hóa, hành khí, giảm đau, lại có tác dụng hạ nhiệt, nên thường dùng chữa cảm mạo trúng nắng, trúng thực, nhức đầu, sổ mũi, đau mình, nôn mửa, đau bụng ỉa chảy, ngực bụng đau tức, ợ khan, hôi miệng.

Hoắc hương - Pogostemon cablin.
Hoắc hương - Pogostemon cablin.

Đây là một cây thuốc có phổ ứng dụng rộng, lại khá dễ trồng bằng cách giâm cành, nên cần được chú ý trồng và sử dụng tại các hộ gia đình, cũng như vườn thuốc Nam tại Trạm y tế và các chi hội Đông y, Dược liệu.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Hoắc hương hay Quảng hoắc hương có tên khoa học Pogostemon cablin (Blanco) Benth, thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae. Cây thảo sống lâu năm, cao 30 - 60 cm. Thân vuông, màu nâu, có lông dày mịn. Lá mọc đối, phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, có lông ở cả hai mặt. Hoa màu hồng tím nhạt, mọc thành bông ở nách lá hay ở ngọn cành. Quả bé, có hạt cứng. Mùa hoa quả tháng 5 - 6; nhưng ít gặp cây có hoa.

Một số bài thuốc có Hoắc hương theo Trung dược đại từ điển:

1. Trị đau đầu do thương hàn, nóng lạnh, ho, ngực bụng đau tức do lạnh, nôn ọe, ỉa chảy, hoắc loạn, sôi bụng, sốt rét do nhiễm chướng khí núi rừng, phù thũng cả người do hư yếu, phụ nữ thai tiền sản hậu đau nhói do khí thống, trẻ em suy dinh dưỡng (cam tích):  Hoắc hương 120g, Cam thảo chích 100g; Bán hạ chế, Bạch truật, Trần bì (bỏ ruột trắng), Hậu phác (gọt vỏ thô, tẩm nước gừng sao), Kiết cánh đều 80g; Đại phúc bì, Bạch chỉ, Tô diệp, Phục linh (bỏ vỏ) đều 40g. Tất cả tán bột, mỗi lần dùng 8g, thêm 3 lát gừng, 1 quả táo đổ 1 chén nước sắc còn 7 phân, uống nóng. Nếu muốn ra mồ hôi thì trùm chăn lại, sắc uống tiếp 1 liều nữa. (Đây là bài Hoắc hương chính khí tán trong sách Cục phương).

2. Trị thổ tả trong mùa nắng: Hoạt thạch sao 80g, Hoắc hương 10g, Đinh hương 2g. Tán bột, mỗi lần uống 4-8g, uống với nước cơm (lấy lúc nấu cơm đang sôi). (Vũ Giảng sư kinh nghiệm phương).

3. Trị hoắc loạn thổ tả: Trần bì (bỏ ruột trắng), lá Hoắc hương (sạch đất) lượng bằng nhau, mỗi lần dùng 20g, đổ 1,5 chén nước, sắc còn 7 phân, uống ấm, không kể số lần, đến lúc khỏi mới thôi. (Hồi sinh tán - Bách nhất tuyển phương).

4. Trị sốt rét: Cao lương khương (Riềng khô) 20g, Hoắc hương 20g, tất cả tán bột, chia làm 4 phần, mỗi phần đổ 1 bát ăn cơm nước sắc còn  1 chén nhỏ, uống ấm, chưa đỡ uống tiếp (Hoắc hương tán – Kê Phong Phổ tế phương).

5. Trị hôi miệng: Hoắc hương rửa sạch, sắc nước, thường xuyên ngậm súc (Trích nguyên phương).

6. Trị trẻ em nha cam lở loét chân răng, chảy máu mủ, hôi miệng, sưng mồm: Thổ hoắc hương, thêm một ít khô phàn tán bột, xát chân răng (Trấn Nam bản thảo).

7. Trị thai khí bất an, khí bế, thăng giáng không được, nôn ụa nước chua: Hoắc hương, Hương phụ, Cam thảo đều 8g, tán bột, mỗi lần uống 8g, thêm chút muối ăn, đổ nước nấu sôi vài dạo rồi uống (Thánh Huệ phương).

8. Trị mụt lở rỉ chảy nước: lá Hoắc hương, Tế trà (chè vụn) đồng cân lượng, đốt ra tro, hòa dầu phết trên lá dán lạ vào mụt (Bao Hội ứng nghiệm phương).

9. Trị vết thương chảy máu: Thổ hoắc hương, Long cốt tán bột, đắp lên vết thương, băng lại (Trấn Nam bản thảo).

Bài thuốc tâm đắc Bất hoán kim chính khí tán

Đây là bài thuốc có xuất xứ từ Thái bình huệ dân hòa tễ Cục phương đời Tống, được Tuệ Tĩnh thiền sư tuyển chọn làm phương đầu tiên trong tập “Thập tam phương gia giảm”.  

Chủ trị: các chứng thương hàn, ôn dịch, tứ thời cảm mạo, hoắc loạn thổ tả, nóng lạnh, sốt rét, ho đàm, thực tích, đau đầu sốt cao, vai lưng co cứng, tỳ vị bất hòa, tạng phủ hư hàn hư nhiệt, xích bạch hạ lỵ, cảm nhiễm sơn lam chướng khí… :

Thành phần: Thương truật (tẩm nước vo gạo, sao) 16g; Hoắc hương, Trần bì (bỏ phần trắng), Bán hạ khúc (sao), Hậu phác (sao gừng) đều 8g, Cam thảo chích 4g. Đổ nước 2 chén, gia 5 lát gừng và 2 quả hồng táo, sắc còn 1 chén, uống nóng trước bữa ăn.

Theo kinh nghiệm người xưa, bài thuốc Bất hoán kim chính khí tán thường dùng cho người người vào rừng núi ẩm thấp hay đến chỗ ở mới không quen thủy thổ, dễ bị ngã nước, rối loạn tiêu hóa,… Ngày nay có thể vận dụng làm thuốc phòng thân cho khách du lịch hay các cư dân vùng thấp trũng hay bị  lũ lụt, dùng uống thường xuyên để phòng bệnh tiêu hóa rất tốt. Bản thân người viết bài này cũng rất tâm đắc với bài thuốc nói trên. Kinh nghiệm riêng chúng tôi không dùng thuốc thang mà bào chế sẵn dạng thuốc bột (tán), vận dụng linh hoạt chữa khá nhiều bệnh chứng tiêu hóa, trong đó đặc biệt thích hợp với hội chứng ruột kích thích hay viêm đại tràng mạn tính, được nhiều bệnh nhân tín nhiệm.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.