.

K20 - một địa chỉ du lịch

.

Trong ngôi nhà nhỏ tại tổ 27, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, ông Đặng Văn Khá, nguyên Trưởng ban An ninh quận 3 (Đà Nẵng) chia sẻ những câu chuyện xung quanh Khu căn cứ cách mạng K20 nằm trên địa bàn phường Khuê Mỹ.

Học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Khu căn cứ cách mạng K20. Ảnh H.L
Học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Khu căn cứ cách mạng K20. Ảnh H.L

Có lẽ với chúng tôi, thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, những câu chuyện ấy thật sự quý giá, giúp hiểu thêm một phần lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc và thấy yêu hơn mảnh đất nơi mình đang sinh sống, trưởng thành.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, K20 là địa bàn chiến lược, có vị trí vô cùng quan trọng ở thành phố Đà Nẵng bởi đây là khu căn cứ được xây dựng trong vùng địch hậu nằm trên đất phường Bắc Mỹ An, dần hình thành phong trào đấu tranh cách mạng ngay trong lòng địch. Cách trung tâm thành phố khoảng 5km, K20 là điểm liên lạc mấu chốt giữa phong trào cách mạng địa phương ra các vùng phụ cận, tạo cơ hội thuận lợi để lực lượng vũ trang đột kích vào những cứ điểm quân sự của địch đóng gần đó.

Theo ông Khá, lúc bấy giờ, Quận ủy quận 3 giao cho Ban An ninh quận 3 tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở, hầm bí mật (có lúc lên tới 157 hầm) nhằm bảo vệ và đưa các đồng chí trong Quận ủy từ khu vực ngoại thành về đây trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Được xây dựng từ mùa đông năm 1964 và tồn tại, phát huy giá trị lịch sử trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày toàn thắng, K20 bao gồm các địa danh Nước Mặn, Bà Đa, Đa Phước, Mỹ Thị, song song với trục đường giao thông Đà Nẵng đi Hội An và ngược lại. Bấy giờ, toàn khu vực này chỉ có gần 200 hộ dân sống co cụm thành từng xóm nhỏ, chuyên trồng lúa và hoa màu.

Bên cạnh đó, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng ghi rõ: “Đối với địch, đây là địa bàn quân sự quan trọng, là cửa ngõ chốt chặn và bảo vệ thành phố từ hướng đông nam. Bởi vậy, từ năm 1965, nơi đây đã trở thành địa bàn triển khai các cứ điểm quân sự mạnh của Mỹ-ngụy trong kế hoạch xây dựng Đà Nẵng thành khu liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung. Có lúc chúng tập trung tới 6.000 quân với đủ các sắc lính: thủy quân lục chiến, biệt kích, bộ binh cơ giới… Đi liền theo đó là một hệ thống dày đặc các đồn bốt, trạm gác, cơ sở thông tin, trại huấn luyện quân sự… với trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh hiện đại. Đặc biệt, chúng còn xây dựng ở Nước Mặn một sân bay quân sự chiến thuật nhằm giảm tải cho sân bay Đà Nẵng, đáp ứng yêu cầu ngày càng mở rộng của cuộc chiến tranh”. Tuy nhiên, bằng sự mưu lược, dũng cảm cùng ý chí quyết tâm đánh Mỹ giải phóng dân tộc đã khiến K20 trở thành “cơn ác mộng” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Giá trị lịch sử của K20 còn nằm ở những câu chuyện kể về một thời già trẻ, gái trai quyết tâm bám trụ xóm làng ngay trước họng súng kẻ thù. Mỗi lần địch càn quét, tìm diệt, người dân mưu trí đánh lạc hướng, nhanh chóng truyền thông tin để cơ sở kịp thời đối phó, bảo toàn lực lượng. Cũng theo ông Khá, đỉnh cao của phong trào đấu tranh của quân và dân ta tại khu căn cứ K20 phải kể đến trận đánh vào sân bay Nước Mặn ngày 28-10-1965, do lực lượng vũ trang Thành Đội Đà Nẵng thực hiện. Được sự bao bọc của dân làng, công tác chuẩn bị diễn ra vô cùng khẩn trương và bí mật tuyệt đối. Kết quả ta đã tiêu diệt, làm bị thương hàng trăm lính Mỹ, phá hủy và làm hư hỏng nhiều máy bay lên thẳng của địch.

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, ông Đặng Văn Khá không quên nhắc lại câu chuyện mùa xuân năm 1975, trong không khí Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng ngày 29-3-1975, lực lượng vũ trang Quảng Đà phối hợp với nhân dân K20 đồng loạt tấn công vào tất cả cơ sở Mỹ ngụy đóng trên địa bàn và kết quả của lòng quả cảm đó là lá cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cắm trên sân bay Nước Mặn lúc 9 giờ sáng, góp phần đánh dấu thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Quang Thanh cho biết, Đà Nẵng đang trong giai đoạn tôn tạo, sửa chữa Khu căn cứ cách mạng K20, khi hoàn thiện sẽ đưa vào khai thác du lịch nhằm đưa di tích lịch sử này đến gần hơn với người dân Đà Nẵng và cả nước nói chung. Những năm gần đây, Khu căn cứ cách mạng K20 trở thành “giờ học lịch sử ngoài trời” sinh động và vô cùng ý nghĩa của nhiều trường học trên địa bàn thành phố.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.