.

Vắc-xin nội thì thích thật!

.

Vắc-xin dịch vụ liên tục “đứt hàng”, mà lại “đứt” ở những loại nhiều trẻ em đang cần dùng, và “đứt” trong thời điểm dịch bệnh rình rập. Trong khi những loại bệnh hiếm khi xuất hiện dịch thì chẳng mấy khi “đứt” vắc-xin.

Tiền nắm trong tay mà hàng ngàn, hàng triệu ông bố, bà mẹ cứ chong mắt chờ vắc-xin về. Bảo qua dùng đỡ vắc-xin miễn phí, lắm người lắc đầu…cố chờ.

Nhưng chờ đến bao giờ? Cả cơ quan chức năng cũng trả lời: Chưa biết. Chỉ biết là lâu lắm vì đủ thứ lý do, nào công ty sản xuất “ở bển” lo chế thuốc mới nên không mặn mà với những thuốc cũ, nhiều quốc gia đặt hàng vắc-xin nên xảy ra cung không đủ cầu v.v… Tóm lại là người mua, bao gồm các cơ sở tiêm chủng trong nước và các ông bố, bà mẹ không phải là thượng đế, mà là những người chầu chực.

11 loại vắc-xin miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia luôn được đảm bảo đầy đủ vì việc đặt hàng, sản xuất, cung ứng có kế hoạch trước một năm. Ảnh: TTXVN
11 loại vắc-xin miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia luôn được đảm bảo đầy đủ vì việc đặt hàng, sản xuất, cung ứng có kế hoạch trước một năm. Ảnh: TTXVN

Lo trễ lịch tiêm của con, một số người có điều kiện đã tự tìm ra nước ngoài kiếm thuốc, hoặc mang con đi các nơi để tiêm phòng. Chuyện người từ tỉnh, thành này đưa con sang tỉnh, thành khách tiêm vắc-xin dịch vụ đã thành quá cũ.

Bây giờ, người ta có hẳn đường dây cung cấp dịch vụ từ A đến Z cho trẻ từ Việt Nam sang một số nước lân cận tiêm vắc-xin. Người có điều kiện hơn thì mua hẳn thuốc từ Châu Âu mang về tiêm cho con.

Chờ mãi không có vắc-xin 6 trong 1, cặp vợ chồng trẻ tại quận Hải Châu có con trai 2 tuổi phải liên hệ người quen bên Mỹ mua giùm vắc-xin gửi về.

Việc mua thuốc bên Mỹ gặp cản trở vì người mua không đáp ứng đủ các thủ tục vốn rất nghiêm ngặt tại đây, nên họ phải quay sang nhờ người quen bên Pháp. Sau những vất vả hoàn tất các yêu cầu, cuối cùng, thuốc cũng theo được đường xách tay từ Pháp về đến Việt Nam trong sự bảo quản nhiệt độ chặt chẽ.

Bố làm bác sĩ, nên cậu bé cũng may mắn được tiêm thuốc… Pháp tại nhà. Tiền thuốc cao hơn giá dịch vụ trong nước, nhưng thật chẳng đáng là bao so với công lao để có được mũi tiêm đó…

Sự nhọc nhằn, lo âu của cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng khó mà kể hết trong thời buổi nguồn vắc-xin cứ “chập chờn”.

Hết vắc-xin trong những thời điểm nóng bỏng vì lắm lý do, nhưng nguồn gốc sâu xa vẫn là vì chúng ta lệ thuộc vào nguồn vắc-xin nhập khẩu từ nước ngoài. Người ta bán thì mình được dùng dồi dào, họ… không thèm bán thì mình mỏi mòn khan hiếm thuốc.

Tréo ngoe một nỗi, Việt Nam được đánh giá là quốc gia rất có tiềm năng trong việc xuất khẩu vắc-xin, và nằm trong nhóm các nước có thể “thống lĩnh” nền công nghiệp sản xuất vắc-xin cho toàn cầu trong tương lai gần!

Tổ chức Y tế thế giới WHO vừa công nhận hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, tương đương các nước có nền công nghiệp sản xuất vắc-xin phát triển. Điều này đồng nghĩa, vắc-xin sản xuất tại Việt Nam có đủ năng lực xuất khẩu sang các nước khác.

Hiện Việt Nam tự sản xuất được 11/13 loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy. Và chúng ta cũng đang có 4 nhà máy có thể sản xuất được 11 loại vắc-xin trên.

Mục tiêu của Bộ Y tế đến năm 2020 là Việt Nam có thể tự đáp ứng nhu cầu vắc-xin trong nước và tiến tới xuất khẩu, trong đó có các vắc-xin rất được chuộng như 5 trong 1 và 6 trong 1.

Triển vọng là vậy, nhưng trước mắt vẫn cứ khổ vì lệ thuộc vắc-xin nhập khẩu! Chịu khổ vì đợi loại nhập khẩu hoàn toàn đã đành, nhiều vắc-xin hàng Việt vẫn có, nhưng khi lựa chọn, tâm lý nhiều người vẫn muốn dùng hàng xuất xứ từ các nước phát triển cho yên tâm.

Cái sự bất an này không phải một sớm một chiều, mà từ lâu nay, hàng ngoại vốn “đè bẹp” hàng nội địa ngay trên chính sân nhà, nên khó để xác lập ngay trở lại niềm tin của người tiêu dùng với hàng sản xuất trong nước, nhất là mặt hàng thuốc.

Đợi đến khi Việt Nam hết chịu cảnh “đứt” vắc-xin, những đứa trẻ bây giờ chắc đã lớn. Dẫu sao, tốt lên dần cũng có cái để hy vọng, trông chờ…

Chẳng biết bao giờ vắc-xin được như… rau. Cứ rau tự trồng thì người ta chắc mẩm là đồ sạch, không ngây ngấy lo như rau mua từ nơi khác về. Cứ vắc-xin trong nước sản xuất thì nhận được sự yên tâm hàng đầu và được săn lùng, chờ đón thì thích thật.

Thậm chí nếu có hàng ngoại cùng loại, các ông bố, bà mẹ cũng vẫn mong dùng hàng nội hơn, như chuyện cái rau thì càng thích. Và thích hơn cả là sẽ không còn cảnh trẻ con đi phòng bệnh mà… muốn đổ bệnh vì quá mệt, quá tải, vì tranh giành vắc-xin, vì lo ngại chất lượng, vì “đứt” hàng khi dịch ùa về…

THU HOA

;
.
.
.
.
.