.

Giáo dục kỹ thuật số cất cánh ở Đông Nam Á

.

Khái niệm mới “Edtech” được tạm dịch là giáo dục kỹ thuật số là một trong những phương pháp hiện đại nhất, giúp các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ) giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp và thiếu tài liệu.

Trẻ em mẫu giáo Thái Lan với tài liệu học tập Taamkru.
Trẻ em mẫu giáo Thái Lan với tài liệu học tập Taamkru.

Các quốc gia ĐNÁ đang là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp chuyên về giáo dục trên nền tảng Internet. Tại Indonesia, công ty khởi nghiệp Ruangguru phối hợp với rất nhiều thành phố để sử dụng tài liệu học tập trực tuyến, trong đó có tài liệu cho kỳ thi vào trung học phổ thông.

Ruangguru thiết kế bài giảng là những video, hệ thống câu đố và ghi rõ quá trình học tập của học sinh. Tháng Giêng vừa qua, Ruangguru “bắt tay” với một công ty chuyên viết ứng dụng tại Tokyo (Nhật Bản) tên là Line để đưa ra ứng dụng chat mang tên Line Academy. Đã có 90 triệu lượt tải ứng dụng này là dấu hiệu cho thấy Ruangguru có lượng khách hàng rất lớn.

Khái niệm “Edtech” đang dần phổ biến ở khu vực này nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh và dịch vụ Internet tốc độ cao giá thành rẻ. Công ty tư vấn có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) IBIS Capital ước tính rằng Edtech toàn cầu sẽ tăng lên mức 252 tỷ USD vào năm 2020, tức gần 3 lần so với năm 2013; riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng mạnh hơn khoảng 8% so với trung bình của toàn cầu.

Những công ty khởi nghiệp bản xứ có thuận lợi hơn khi hiểu được nhu cầu và thực tế giáo dục tại chỗ. Những công ty của nước này hợp tác với công ty nước ngoài có cơ hội mở rộng thị trường quốc tế. Chẳng hạn như Kyna.vn của Việt Nam hợp tác với Taamkru của Thái Lan để nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam. Cả hai công ty được sự hậu thuẫn vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Nghiên cứu của IBIS Capital cho thấy cấp tiểu học và trung học cơ sở trên toàn thế giới không được Edtech nhìn nhận ở góc độ thương mại hấp dẫn. Nghiên cứu của IBIS Capital cho thấy cấp tiểu học và trung học cơ sở chỉ chiếm 12% của dịch vụ Edtech toàn cầu trong năm 2013. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 24% trong năm 2020. Trong khi đó, bậc đại học sẽ tăng từ 41% lên 46%. Các doanh nghiệp “ngửi” được cơ hội này.

Đơn vị chuyên cung cấp thông tin cho sinh viên ở Philippines là Edukasyon đang liên kết với 150 trường song dự kiến sẽ tăng lên 500 trường vào cuối năm nay nhờ kế hoạch cung cấp thông tin chi tiết kỳ thi đại học sắp tới. Philippines đang thay đổi chương trình hệ phổ thông 10 năm sang 12 năm. Edukasyon nhắm mục tiêu thu hút nhiều học sinh vào cao đẳng, đại học nhiều hơn trong tương lai.

Trở lại với Indonesia, HarukaEdu dự kiến sẽ tăng cường công tác quản lý, truyền thông và các chủ đề khác cho dịch vụ bài giảng video trực tuyến ở bậc đại học, cao đẳng. Nhà xuất bản giáo dục hàng đầu Anh Quốc là Pearson hợp tác với HarukaEdu nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh muốn vào đại học, cao đẳng ở vùng xa. Theo số liệu thống kê thì những sinh viên đại học cao đẳng ra trường ở Indonesia có việc làm nhiều gấp 3 lần với những người chỉ mới tốt nghiệp trung học phổ thông.

ANH THƯ (Theo Asia Nikkei)
 

;
.
.
.
.
.