.

Người bán "ký ức tuổi thơ"

.

Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Nguyễn Văn Hoan chọn cho mình con đường lập nghiệp trên mảnh đất Đà Nẵng với thương hiệu “Một cọng rơm +” sản phẩm ăn vặt dành cho những ai muốn một lần quay về ký ức tươi đẹp của tuổi thơ…

Nguyễn Văn Hoan với sản phẩm ăn vặt “Một cọng rơm +”. Ảnh: T.L
Nguyễn Văn Hoan với sản phẩm ăn vặt “Một cọng rơm +”. Ảnh: T.L

Nhắc đến Hoan, nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng, nhất là các bạn sinh viên đều biết đến chàng trai như một nhịp cầu đưa sách miễn phí đến với người đọc. Vài tháng trở lại đây, giới trẻ ở Đà Nẵng, Hà Nội, Huế… còn biết đến Nguyễn Văn Hoan với thương hiệu ăn vặt “Một cọng rơm +” với nhiều loại đặc sản ăn vặt như bắp bung Đăk Lăk, bánh tráng ruốc Huế, cơm cháy Ninh Bình và bánh ép Thuận An (Huế)…

Chia sẻ về sản phẩm mới của mình, Hoan cho biết: “Cùng với các dự án phi lợi nhuận như đưa sách miễn phí đến người đọc, hoặc lớp học về kỹ năng sống 1 USD dành cho các bạn trẻ, sinh viên, em vẫn hướng đến những dự án thực hiện ước mơ của riêng mình. Việc lựa chọn sản phẩm ăn vặt để kinh doanh phần nào đó gắn với ký ức tươi đẹp của tuổi thơ mà ai cũng m

ột lần trải qua. Những món ăn vặt ấy luôn gợi nhớ về tình cảm đầy yêu thương của mẹ. Thế là em có ý tưởng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm ăn vặt từ đó”. Ngày càng nhiều bạn trẻ lớn lên ở quê nhưng học hành đỗ đạt rồi ở lại phố vì công ăn việc làm.

Trong lòng họ, hẳn hình bóng quê hương dù ít nhiều vẫn luôn là một miền hoài niệm. Sản phẩm của Hoan hướng đến sự khơi gợi, tìm lại chút ký ức tươi đẹp đó.

Ý tưởng là vậy nhưng để sản phẩm ra thị trường là cả một câu chuyện dài. Hoan lên kế hoạch đi nhiều nơi, tìm về những miền quê thuần nông để tìm kiếm, lựa chọn.

“Không quá khó để tìm ra một sản phẩm đặc sản của một miền quê nào đó từ nguyên vật liệu của ngành nông nghiệp nhưng để giới thiệu đến người dùng thì buộc phải thật khắt khe, từ việc tìm thị trường, tìm nguyên liệu, lựa chọn kỹ lưỡng cho đến thiết kế bao bì, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa không làm mất đi hương vị gốc của món ăn đó”, Hoan bộc bạch.

Sau một thời gian bắt tay thực hiện, đến nay đã có 4 món đặc sản quê hương kể trên được đóng gói, đưa ra thị trường tiêu thụ. Đã có hơn 10.000 túi ký kết bán tại Hà Nội, gần 1.000 túi đưa đến tận tay người dùng tại hội chợ cuối năm tại Công viên 29-3 Đà Nẵng sau một thời gian ngắn sản phẩm này có mặt trên thị trường đã phần nào khẳng định được chỗ đứng của nó trong lòng những người xa xứ. Đủ để thấy sự hoài niệm là hành trang không thể thiếu trong hành trình lớn khôn của mỗi người.

Hoan bảo, một túi quà vặt đặc sản chỉ có giá từ 25.000 - 35.000 đồng, ai cũng có thể mua, đặc biệt cách đóng gói có thể mở ra và đóng lại bảo đảm không bị ẩm khi không dùng hết một lần. Với một món ăn vặt, số tiền bỏ ra không nhỏ nhưng thông điệp sản phẩm hướng đến là đem đến cho người mua một hương vị đặc trưng hoài niệm.

Người dùng nó vừa có thể thưởng thức không chỉ là một món ăn mà còn là hương vị của tuổi ấu thơ - quãng thời gian đẹp nhất đời người! Hoan giải thích: “Việc “định vị” cho sản phẩm là đặc sản ăn vặt cao cấp đúng với khẩu hiệu “Cách tân hoài niệm” được in trên bao bì.

Đối với mỗi người, ký ức tuổi thơ bao giờ cũng đẹp, với riêng người xa xứ thì đó là cả một niềm nhớ. Còn với du khách nước ngoài, khi đến đất nước mình, ăn một món đặc sản mang hương vị đặc trưng sẽ khiến họ nhớ mãi”. Một điểm đặc biệt khác, trên bao bì sản phẩm, Hoan còn thiết kế in lời giới thiệu về đặc sản của địa phương bằng cả hai thứ tiếng Việt và tiếng Anh.

Thành công bước đầu với sản phẩm ăn vặt của Hoan được xem là bước nối tiếp cho các thành công trước đó. Hoan bắt đầu khởi nghiệp từ số vốn 10 triệu đồng, vay mượn bạn bè mỗi người một ít. Đầu tiên Hoan cùng các cộng sự chọn kinh doanh sản phẩm bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ với chuỗi 3 cửa hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Không dừng lại ở đó, Hoan tiếp tục kinh doanh nhượng quyền với các mặt hàng như trà sữa, mì cay với chuỗi vài chục địa điểm từ Bắc vào Nam…

Nói về sản phẩm ăn vặt của mình, Hoan cho biết, trong tương lai sẽ dần dần hoàn thành chuỗi sản phẩm đặc sản ăn vặt này với đầy đủ các món ăn vặt của các miền quê trên cả nước. Đồng thời hướng đến tiêu chuẩn bài bản để đưa ra thị trường quốc tế. Thực hiện từng bước một, mọi thứ trước hết phải bắt đầu bằng uy tín, mà uy tín tiên quyết không gì khác đó phải là chất lượng đặt lên hàng đầu.

Hỏi Hoan về dự định cho tương lai, Hoan cười hiền, cho biết: “Cũng như rất nhiều bạn trẻ năng động khác, em sẽ chọn Đà Nẵng là nơi lập nghiệp. Lý do thì đơn giản lắm, vì mảnh đất này không chỉ vấn đề khởi nghiệp được quan tâm, hỗ trợ mà còn bởi tấm lòng của người Đà Nẵng, những người đã sẻ chia chỗ ở, từng bát cơm cho em trong những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường và luôn động viên em ngày mới bắt tay vào khởi nghiệp với muôn vàn khó khăn!”.

Nghe Hoan chia sẻ, tôi nghiệm ra rằng, với suy nghĩ ấy và những gì Hoan làm được trong quãng thời gian qua đã phần nào khẳng định sự dám nghĩ, dám làm và dám dấn thân của người trẻ trên hành trình khởi nghiệp.

Thiên Lam
 

 

;
.
.
.
.
.