.

Rộ dịch vụ tư vấn du học

.

Hình thức du học ngày càng được ưa chuộng, đơn vị tư vấn du học (TVDH) nào muốn tồn tại và phát triển bền vững buộc phải xây dựng hình ảnh tốt đẹp của chính mình. Bởi trong TVDH, không hình thức quảng cáo nào hiệu quả bằng cái “rỉ tai” của những người đã nhận được sự tư vấn tốt và sẵn sàng chia sẻ sự tín nhiệm này với các phụ huynh, học sinh/sinh viên nào có nhu cầu du học.

Jellyfish Education Đà Nẵng hỗ trợ những thông tin cần thiết cho du học sinh trước khi sang Nhật, bắt đầu cuộc sống mới. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Jellyfish Education Đà Nẵng hỗ trợ những thông tin cần thiết cho du học sinh trước khi sang Nhật, bắt đầu cuộc sống mới. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Tại Đà Nẵng, theo ông Võ Khắc Tiến, Phó phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp và Đại học, Sở GD&ĐT thành phố, trước thời điểm 1-7-2016, việc quản lý các công ty, tổ chức hoạt động dịch vụ tư vấn du học (TVDH) thực hiện theo Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập.

Theo đó, hoạt động của các công ty, tổ chức muốn hoạt động dịch vụ tư vấn du học phải được Sở GD&ĐT địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ TVDH. Việc cấp giấy chứng nhận này phải bảo đảm các điều kiện về pháp lý, cơ sở vật chất, điều kiện về nhân sự, chuyên môn, ký quỹ... Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ TVDH cho 34 công ty, tổ chức, chi nhánh công ty đủ điều kiện.

Đến ngày 26-11-2014, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư (gọi tắt là Luật Đầu tư 2014), theo đó hoạt động dịch vụ TVDH không có tên trong danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ban hành tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014. Ông Tiến cho hay, căn cứ Khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư 2014, các quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ TVDH tại Chương 3 Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2016. Nghĩa là, căn cứ theo Luật Đầu tư 2014, các công ty, tổ chức khi hoạt động dịch vụ TVDH sau thời điểm 1-7-2016 không phải đăng ký hoạt động dịch vụ TVDH để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ TVDH như trước.    

Đà Nẵng hiện có 43 công ty, tổ chức, chi nhánh công ty hoạt động dịch vụ TVDH, bao gồm các đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ TVDH (trước 1-7-2016) và các công ty, tổ chức có thông báo dịch vụ TVDH với Sở GD&ĐT (sau 1-7-2016).  Theo báo cáo thống kê hằng năm, bình quân mỗi năm các công ty, tổ chức này đưa trên dưới 400 học sinh, sinh viên đi du học tự túc. Con số này bao gồm cả học sinh, sinh viên Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Quảng Bình...

Hình thức du học ngày càng được ưa chuộng, đơn vị TVDH nào muốn tồn tại và phát triển bền vững buộc phải xây dựng hình ảnh tốt đẹp của chính mình. Bởi trong TVDH, không hình thức quảng cáo nào hiệu quả bằng cái “rỉ tai” của những người đã nhận được sự tư vấn tốt và sẵn sàng chia sẻ sự tín nhiệm này với các phụ huynh, học sinh/sinh viên nào có nhu cầu du học.

Bà Nguyễn Thị Hồng Duyên, Giám đốc Công ty CP Jellyfish Education Chi nhánh Đà Nẵng (đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ, TVDH và tư vấn hướng nghiệp vào các doanh nghiệp nước ngoài, trụ sở đóng tại 87 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) cho biết, công ty có trụ sở chính đóng tại Tokyo, Nhật Bản, nên có chế độ hỗ trợ du học sinh (DHS) cụ thể và rõ ràng.

Khai trương chi nhánh tại Đà Nẵng từ tháng 6-2014, mỗi năm đơn vị bình quân có khoảng 150 người đến nhờ TVDH, 15% trong số đó thực tế sang Nhật Bản du học. Cuối tháng 3 này sẽ có 25 học sinh/sinh viên bay sang Nhật theo giới thiệu của Jellyfish Education Đà Nẵng; và tháng 4 tới, các DHS sang Nhật kỳ đầu tiên do đơn vị giới thiệu cũng sẽ quay về Đà Nẵng.

Một trong những “hộ chiếu” để du học là ngoại ngữ. Theo bà Duyên, để có thể tự tin ở đất nước “Mặt trời mọc”, DHS phải có năng lực tiếng Nhật, viết tắt là JLPT (Japanese Language Proficiency Test). Như em Trương Nhật Tân theo học tại Học viện quốc tế Tochigi của Tập đoàn Jellyfish Nhật Bản, lúc mới qua chỉ đạt JLPT cấp độ N5, nửa năm sau đã đạt JLPT N2 tương đương với người bản địa. Tân vừa học vừa làm thêm (qua giới thiệu của Jellyfish Nhật Bản) nên cha mẹ không phải lo lắng, lại dành dụm tiền bạc về thăm nhà.

Không phủ nhận những thông tin hữu ích từ các đơn vị tư vấn uy tín mang lại cho phụ huynh và con em có nhu cầu du học, song, không phải tất cả các đơn vị, trung tâm tư vấn đều uy tín, chất lượng...

Cô L.T, giáo viên một trường THPT ở Đà Nẵng, khi cho con trai đi du học, đã vừa tìm hiểu thông tin từ những người có con du học trước đó, vừa tham khảo một số đơn vị dịch vụ TVDH và không quên “lặn lội” vào một số trang web chuyên về hoạt động này. Các trường ở nước ngoài, khi nhận DHS sẽ đưa ra những yêu cầu gì? Từ đó, sẽ chọn trường thích hợp với chuyên môn của con và khả năng tài chính của gia đình. “Kiểm tra chéo” như thế, cô L.T phân trần, để tránh tình trạng một số đơn vị TVDH cung cấp thông tin không chính xác, vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp khác xa thực tế nơi xứ người để hấp dẫn phụ huynh và các bạn trẻ có ước mơ đi du học. Cái sự “tự tư vấn” kiên trì đó đã mang lại kết quả rất khả quan: con trai cô đã tìm được học bổng du học tại Ý!

43 cơ sở hoạt động dịch vụ TVDH ở Đà Nẵng không nhiều so với trên dưới 300 cơ sở ở Hà Nội. Phải chăng vì số lượng còn ít nên trên địa bàn Đà Nẵng chưa xảy ra tình trạng phụ huynh và con em “ăn quả lừa” trong TVDH? “Trong thời gian đến, nếu có cơ sở hoạt động dịch vụ TVDH nào cung cấp thông tin không chính xác, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người học”, ông Võ Khắc Tiến khẳng định.

Chấp hành chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của UBND thành phố Đà Nẵng, Sở GD&ĐT thành phố đã phối hợp với Công an thành phố (Phòng PA83), Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư... trong quản lý Nhà nước về hoạt động dịch vụ TVDH, cụ thể:

Trước thời điểm 1-7-2016, hằng năm Sở GD&ĐT phối hợp với Công an thành phố (Phòng PA83) nắm tình hình hoạt động của các đơn vị có hoạt động dịch vụ TVDH, cung cấp danh sách các công ty, tổ chức đã được Sở cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dịch vụ TVDH.

Sau thời điểm 1-7-2016, Sở cung cấp danh sách các công ty, tổ chức có thông báo hoạt động dịch vụ TVDH với Sở đến Công an thành phố để Công an thành phố chủ động nắm tình hình hoạt động dịch vụ TVDH trên địa bàn thành phố.

Ông Võ Khắc Tiến, Phó phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp và Đại học (Sở GD&ĐT Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.