.
Nghĩ

Con đường đến trường

.

Hôm qua, trong lúc dừng xe chờ đèn đỏ, tôi chợt thấy một cậu bé tầm lớp 8, lớp 9 được bố chở sau xe gắn máy, tay cầm ổ bánh mì, mắt chăm chú đọc một quyển sách giáo khoa. Đèn vừa chuyển sang xanh, người bố vội vã lên ga khiến cậu bé giật mình suýt làm rơi ổ bánh.

Nhìn bộ đồng phục học sinh, tôi đoán hai bố con đang trên đường “chạy sô” từ lớp học chính khóa sang lớp học thêm của cậu bé. Chẳng có nhiều thời gian, cậu trò nhỏ bèn chọn cách ăn uống, ôn bài… ngay trên đường di chuyển.

Hình ảnh cậu bé làm tôi sực nhớ đến một người bạn học cũ. Ngày ấy, bạn bị gọi là “công tử bột” vì thói quen đi học ở đâu cũng để bố mẹ chở. Giống như cậu bé nọ, bạn tôi cũng tranh thủ chút thời gian ngồi sau xe máy để gặm vội ổ bánh mì, hút nhanh hộp sữa, thậm chí còn… làm bài tập trước khi vào ca học mới.

“Công tử bột” học khá, nhưng chẳng bao giờ tham gia bất kỳ hoạt động nào của lớp. Trại cuối cấp, lớp trưởng kêu gọi các nam sinh chung tay mua tre dựng cổng trại, bạn “phũ phàng”: “Mất thời gian, để thời gian đó học còn hơn!”.

Không biết trong những giờ phút “tranh thủ” học đó, cậu bé mà tôi gặp trên đường và người bạn của tôi có biết mình đã bỏ lỡ những gì…

Ngay lúc tôi và bố cậu bé dừng đèn đỏ, một bác xích lô đang gồng mình chở hai bao tải hàng lớn không phanh kịp, buộc lòng phải len lỏi qua dòng xe đông đúc giữa tiếng bấm còi bực bội của nhiều người. Cậu có kịp nhìn thấy cảnh đó?

Có kịp giận bác xích lô đã vi phạm luật lệ giao thông gây phiền toái cho bao người? Và có kịp nhớ ra khái niệm “quán tính” để hiểu vì sao chiếc xe nặng nề của bác rất khó dừng lại; có kịp nghe bác vừa vượt đèn đỏ, vừa xin lỗi những người đi đường, để thấy trong lòng mình nhen lên nỗi thương cảm?

Có lẽ, cậu bé đã bỏ qua thời khắc ấy. Cũng như bạn tôi bỏ qua những tuần lễ cả lớp ríu rít đi mua tre rồi cãi nhau “inh ỏi” về việc thiết kế cổng trại, những buổi chiều tan lớp lũ học trò lọ mọ ghép tre dựng cổng, lòng bùi ngùi nghĩ đây là năm cuối cùng cả bọn được đốt lửa trại cùng nhau.

Đó là lúc chúng tôi học cách làm việc nhóm, cách thu xếp thời gian, học các quy tắc vật lý để dựng cổng sao cho khỏi ngã, và học về tình bạn. “Lớp học” ấy, tiếc thay, người bạn của tôi đã từ chối cùng tham gia…

Ở tuổi thơ ngây, có lẽ người bạn của tôi và cậu bé nọ đã nghĩ chỉ có đến lớp, ngồi vào bàn, nghe thầy cô giảng… mới được gọi là học. Nhưng thật ra, quãng đường đến lớp cũng là một trường học – một ngôi trường không đồng phục, không sách vở, mở cửa cho tất cả những ai biết quan sát và có tấm lòng ham học hỏi.

Khi đã qua tuổi thơ ngây, chúng ta vẫn có lúc không nhìn thấy được “ngôi trường” trên “con đường đến lớp”. Số liệu từ Vụ Thống kê dân số và lao động (thuộc Tổng cục Thống kê) đầu năm 2016 cho thấy những năm gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm tăng mạnh cả về tỷ lệ phần trăm và con số tuyệt đối.

Một trong các lý do là các cử nhân muốn “đợi” công việc phù hợp chuyên ngành, thu nhập ổn định. Cũng giống như những cậu bé tranh thủ ôn bài trên xe để chuẩn bị cho các buổi học tiếp theo, lý do này hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, phải chăng lúc đó, họ đã bỏ lỡ những “lớp học” miễn phí mà đáng giá, những “lớp học” trên đường? Họ có bỏ lỡ những công việc dù không thật đúng chuyên ngành, nhưng lại dạy cho họ những bài học thực tế đầu tiên của môi trường làm việc chuyên nghiệp? Họ có bỏ lỡ những mối quan hệ mà lẽ ra họ đã có được nếu chấp nhận làm một công việc “thấp kém”?

Họ có bỏ lỡ cơ hội rèn luyện mình để từ một cử nhân chân ướt chân ráo vào đời, trở thành một người trẻ có kinh nghiệm và bản lĩnh đủ để đón nhận những công việc có yêu cầu cao?

Việc học chưa bao giờ bị giới hạn trong bốn bức tường của trường, lớp. Đường đến trường thì dài. Hiểu theo một cách nào đó, đường đến trường cũng có thể chính là những quãng vận động của đời người, dẫn ta đi từ những trải nghiệm nhỏ đến trải nghiệm lớn, từ những bài học sách giáo khoa đến kho tàng tri thức nhân loại, từ những cô cậu học sinh đến những người trưởng thành tự do và trách nhiệm. Chỉ cần, đừng quá chăm chăm vào đích đến mà bỏ qua cả một cuộc hành trình.  

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.