.

Vượt qua rào cản

.

Những năm tháng du học sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời, hoặc có thể trở thành “cơn ác mộng” nếu người trong cuộc thiếu đi nền tảng cơ bản như vốn kiến thức, ngoại ngữ và cả kỹ năng xử lý tình huống.

Du học hè Mỹ đang là xu hướng mới của các bậc phụ huynh Việt Nam dành tặng con cái một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú và an toàn.  (Ảnh do Công ty TNHH Eduviet Du học toàn cầu cung cấp)
Du học hè Mỹ đang là xu hướng mới của các bậc phụ huynh Việt Nam dành tặng con cái một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú và an toàn. (Ảnh do Công ty TNHH Eduviet Du học toàn cầu cung cấp)

Điều kiện đầu tiên để bạn quyết định có nên đi du học hay không chính là vốn ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh. Đó là khẳng định của bạn Nguyễn Thị Phương Thảo, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng, sinh viên (SV) đang theo học ngành Quản trị kinh doanh, Northeastern University, Boston (Mỹ).

Điều này khá dễ hiểu bởi bạn không thể tự tin trao đổi, giao tiếp với bất kỳ ai cũng như khó hòa nhập với cộng đồng bản xứ nếu thiếu ngoại ngữ. Ở nhiều quốc gia, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thông dụng, bạn sẽ phải sử dụng nó trong toàn bộ hoạt động của mình từ học tập tới sinh hoạt. Ngay năm đầu tiên, du học sinh phải học tập, ghi chép, nghe giảng, làm bài tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, nếu không đủ vốn từ, họ sẽ khó vượt qua những áp lực này.

Thuộc nhóm trường hạng 1 tại Mỹ, Northeastern University cũng đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt về trình độ tiếng Anh đầu vào. Ví dụ, chương trình Undergraduate Pathway (năm 1 đại học) với ứng viên chưa tốt nghiệp THPT, điểm trung bình đánh giá học sinh theo hệ thống giáo dục Mỹ (GPA) từ 3.0-3.2. Trong đó yêu cầu điểm số của bài kiểm tra trình độ tiếng Anh (OEFL) bao gồm các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết từ 61-69 cho học 3 kỳ, TOEFL 70-75 cho học 2 kỳ, TOEFL 76-86 cho chương trình đào tạo 1 kỳ.

Theo Nguyễn Thị Phương Thảo, với phí học tập vô cùng đắt đỏ, 24.000 USD cho chương trình đại học 18 tháng và 22.000 USD cho chương trình thạc sĩ 12 tháng tại Northeastern University (chưa kể ăn ở), sẽ rất lãng phí nếu bạn không kịp tích lũy cho mình nền tảng kiến thức cơ bản trước khi nhập học với mục tiêu mang về những kết quả tốt đẹp trong tương lai.

Thật ra trên thế giới có nhiều trường đại học ở các quốc gia như Úc, New Zealand, Mỹ… vẫn dành một “cánh cửa hẹp” cho những ai muốn đến đây du học bằng cách tổ chức các khóa học tiếng Anh dự bị ngay tại trường nhằm giúp học viên có đủ trình độ tiếng Anh để theo học chương trình đại học hoặc thạc sĩ. Trung bình, một khóa tiếng Anh dự bị sẽ được dạy trong thời gian từ 20-25 giờ/tuần, phát triển 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tuy nhiên, nhiều du học sinh đã và đang học tập tại các nước tiên tiến trên thế giới đưa ra lời khuyên, nếu bạn chưa thật sự sẵn sàng, chưa trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc, chưa tự tin về vốn ngoại ngữ, thì ở một thời điểm nào đó, đi du học không là sự lựa chọn đúng đắn.

Tìm hiểu tại một số trung tâm tư vấn du học ở Đà Nẵng cho thấy, học lực giỏi không phải là tất cả để bạn có được những suất học bổng giá trị. Bà Võ Hằng Nga, Giám đốc Công ty TNHH Eduviet Du học toàn cầu cho biết, khá nhiều hồ sơ xin học bổng của Việt Nam bị đánh rớt do trình độ tiếng Anh hạn chế và khả năng trình bày bài luận kém sắc sảo. Trong hồ sơ xin học bổng, giấy chứng nhận tham gia các hoạt động xã hội, chứng chỉ ngoại ngữ, danh mục công trình nghiên cứu khoa học độc lập và kỹ năng hòa nhập sẽ giúp ứng viên có thêm nhiều điểm cộng.

Điều đó cũng chỉ ra rằng, việc chọn ngành học, trường học phù hợp với khả năng vô cùng quan trọng. Cách đây vài năm, Trần Ngọc Thịnh (1984) (Hải Dương), cựu du học sinh Mỹ có bằng thạc sĩ về Quản trị hành chính công và Quản lý phi chính phủ, tác giả cuốn sách “Du học không khó” được viết bằng kinh nghiệm của người từng theo học bổng Fulbright dành cho bạn trẻ Việt Nam. Cuốn sách ra đời với nội dung nổi bật như kinh nghiệm vượt qua những rào cản trước khi du học, bao gồm phương pháp chuẩn bị hồ sơ, phỏng vấn, những câu chuyện “người thật, việc thật” về khó khăn mà mỗi du học sinh có thể gặp phải nơi đất khách.

Anh viết: “Các trường hợp SV tự tử do sức ép học tập là chuyện không còn xa lạ. MIT hằng năm vẫn có SV tự tử. Bản thân mình khi đi du học bên Mỹ cũng chứng kiến 2 trường hợp du học sinh Việt Nam phải về nước giữa chừng vì không theo được dù 2 bạn đó ở Việt Nam đều học giỏi và sang Mỹ bằng học bổng”.

Với câu chuyện này, Trần Ngọc Thịnh đúc kết, chương trình học tập ở Mỹ rất vất vả, khổ nhất phải đọc rất nhiều mà toàn là sách tiếng Anh dày cộp. Nếu không có kỹ năng đọc lướt, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành bài đọc mà giáo sư giao mỗi tuần vài trăm trang.

Du học không bao giờ là “vùng đất hứa” đối với ai chưa thật sự sẵn sàng. Điều này càng được khẳng định qua chia sẻ của anh Huỳnh Văn Kiệt (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), đang học tập và làm việc tại Nhật Bản khi gửi gắm trên trang facebook cá nhân của mình rằng, chương trình học tiến sĩ ở Nhật đòi hỏi nghiên cứu sinh phải có ít nhất 3 năm để hoàn thành chương trình nghiên cứu. Chưa kể, tùy theo ngành học, chương trình còn yêu cầu mỗi ứng viên có ít nhất 2 bài nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí ISI (Institute for Scientific Information - Viện Thông tin Khoa học).

Nếu không, bạn chỉ có duy nhất 2 sự lựa chọn, hoặc là bỏ cuộc, hoặc kéo dài thời gian học tập của mình. Anh đưa ra bằng chứng là trong phòng nghiên cứu của mình, số người nhận bằng Tiến sĩ trong vòng 3 năm rất hiếm, thông thường từ 4-6 năm. Trong trường hợp 6 năm, mỗi nghiên cứu sinh phải có tối thiểu 3 bài ISI (trước đây là 5 ISI). Với yêu cầu đó, không ít nghiên cứu sinh phải bỏ ra hơn 10 năm mới “gom” đủ số lượng bài nghiên cứu cũng như hoàn thành đề tài khoa học để được nhận bằng Tiến sĩ.

Có thể nói, những năm tháng du học sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời, hoặc có thể trở thành “cơn ác mộng” nếu người trong cuộc thiếu đi sự chuẩn bị cần thiết. Đó không chỉ là kiến thức, mà còn là kỹ năng sống hòa nhập trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, ít người thân quen.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.