.

Hợp xướng chào chiến thắng

.

Ngày đất nước đoàn viên, non sông về một mối, có nhiều bài thơ hay viết về chiến thắng năm 1975, trong đó có Chế Lan Viên. Chế Lan Viên viết Năm 1975: Năm vĩ đại và Ngày vĩ đại, vào ngày 3-5-1975. Ông gọi đó là hợp xướng chào chiến thắng.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường hoan hô bộ đội giải phóng ngày 30-4-1975. (Ảnh tư liệu)
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường hoan hô bộ đội giải phóng ngày 30-4-1975. (Ảnh tư liệu)

Đây là một trường ca, dài đến 190 câu, với 1.972 từ. Một bài thơ sớm nhất viết về ngày toàn thắng. Một khúc tráng ca, nói lên nỗi mừng vui vô hạn của dân tộc.

Bài thơ có 5 chương, mỗi chương mang một ý nghĩa thời sự, ý nghĩa chính trị. Mở đầu bài thơ, Chế Lan Viên viết:

Lịch sử có nhiều thế kỷ nhiều năm nhiều tháng nhiều ngày
Những tháng năm này chói lòa, hóa thân, đột biến
Là rốn bão, là hỏa diệm sơn,
động biển
Là cấp số nhân, là tổng số thành
Là sức của trăm ta nhân với
triệu mình…

Đúng vậy. Chiến thắng lớn lao, vĩ đại ấy, thoắt một cái “non sông sạch làu bóng giặc/ Pắc-pó nhìn thấu tận suốt Cà Mau”, thoắt một cái “ Trăm trận hùng binh ta đã chiếm Sài Gòn / Sài Gòn ! Cuộc chiến đấu ba mươi năm, 116 năm giờ kết thúc”.

Song, để đi đến ngày 30 tháng 4 đó, lịch sử phải tính từ nỗi đau của lục tỉnh Nam Kỳ, của vết nhục ở ô cửa Bắc (1882) mà Hoàng Diệu đã tuẫn tiết cùng thành Hà Nội, của không biết bao nhiêu thế hệ hy sinh, của bao nhiêu biệt ly, chia cách, của hàng triệu hòn vọng phu , “tất cả đã là máu lót đường đi cho lịch sử” (Chế Lan Viên ).

Đất nước từng có nhiều Bạch Đằng, Điện Biên, nhiều hào quang và lịch sử như một sợi chỉ hồng, nói như nhà thơ, xâu chuỗi các chiến công như ngọc. Đúng với quy luật tâm lý, giữa những ngày chiến thắng dồn dập chiến thắng, cảm xúc dâng trào, bàng hoàng, bỡ ngỡ, con người dường như không tin ở trái tim mình:   

Ta reo vui sao bỗng chốc khóc ròng,
Cái hữu hạn lòng ta òa lên
vì gặp cái vô cùng
Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ
cơn mơ vĩ đại...

Cảm xúc này cũng giống như Tố Hữu viết trong Toàn thắng về ta: Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng / Trào vui nước mắt cứ rưng rưng. Chính từ tâm trạng đó, nhiều câu hỏi đặt ra:

Có phải.../ Có phải.../ Có phải...:
Có phải ta vừa giành lại non sông, có phải?
Có phải chớp mắt nhìn trời đất đã
về ta?
Có phải ba chục năm trời hay mới hôm qua?

Sau những nỗi mừng rưng rưng (Tố Hữu) đó, nhà thơ dồn tụ cảm hứng để viết những dòng thơ, trang thơ ngập tràn không khí chiến thắng. Dồn dập, khẩn trương. Sự vật chuyển vào cơn lốc. Thời gian bôn tập... Tin thắng trận mỗi ngày mọc trước vầng dương. Chế Lan Viên quay về quá khứ, như một thuở của Bình Ngô đại cáo của mùa xuân năm 1428, tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt, thì nay:

“Ngày mười tám trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
“Ngày hai mươi trận Mã An,
Liễu Thăng cụt đầu
“Ngày hai lăm bá tước Lương Minh bại trận tử vong
“Ngày hai tám thượng thư Lý Khánh cùng thế tự vẫn”...
Lịch sử có lặp lại không, hỡi Bình Ngô đại cáo?
Mỗi trái tim muốn cùng triệu trái tim thời đại mình thông báo:
Buôn Mê Thuột ngày 10 tháng 3 đón điểm huyệt tuyệt vời
Rụng Kon Tum, Plei-ku 18 - 19 tháng 3 giặc tháo chạy tơi bời
Ngày 26-3 các vua xưa ở Ngọ Môn lại cúi đầu dưới sao vàng sáng rực
Ngày 29-3 thiết giáp tiến hai hàng vào sân bay Nước Mặn...
Tổ quốc thu về bán đảo Sơn Trà và những Ngũ Hành Sơn

Và, cứ thế, Tuy Hòa, Cam Ranh, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang, Xuân Lộc, Biên Hòa, Vũng Tàu... tan vỡ:

Trăm vạn hùng binh ta đã chiếm Sài Gòn
Sài Gòn! Cuộc chiến ba mươi năm, 116 năm giờ kết thúc.
Cả đất nước ùa theo nửa mừng nửa khóc
Mỗi chúng ta rưng rưng như chợt thấy Bác Hồ...

Khi Tổ quốc từ Mục Nam Quan đến Cà Mau tít tắp, “Ta có gấp đôi đất và gấp đôi trời bể... Ta đưa tay ôm sông núi vào mình và gọi Việt Nam”. Cả phần 3, nhà thơ trải tâm hồn mình hòa vào sông núi quê hương, hóa thân vào những sự kiện lịch sử, thấy “Cả Tổ quốc Hùng Vương liền một dải” thấy “Trong mỗi quả thị nghèo luôn có một nàng tiên”, thấy “Máu đã thấm lên trang sách bao lần” và thấy cả:

Ở ngày cuối cùng, giây phút
cuối cùng, tích tắc cuối cùng,
Vẫn có người cuối cùng phải ngã...
Phải có người chấm dứt trang thơ bằng giọt máu anh hùng...

Có thể nói, như Chế Lan Viên viết: Ôi, hôm nay đến được Sài Gòn là đã đi trên đường xương máu của nhân dân / Không lối ấy, còn lối nào để tới... Cả dân tộc thành một trận địa, “Ta đánh bằng tất cả núi sông, tất cả xóm làng /Ba mươi năm tập kết, ly biệt, chạy càn, sơ tán, tản cư, tất thảy đều là đánh giặc. Ba mươi năm ấy, cả đất nước lên đường, ra trận, bao nhiêu cảnh “nửa gia đình với gương lành hay nửa mảnh gương tan”. Lắm đau đớn và bi thương!

Giữa ngày vui chiến thắng, cũng như Tố Hữu, Chế Lan Viên nói đến Bác Hồ với niềm tiếc nhớ không nguôi:

Đất nước quang vinh thì đã vắng Bác rồi
Ba mươi năm ấy Người đã sống cùng ta những ngày gian khổ nhất
Những ngày giấc ngủ Bác bị
cắt nửa chừng
Vì cơn gió xiết ngang sông Bến Hải
Máu lòng Người đau tận chót
Cà Mau
Miệng Người đắng vì bát cơm
Phú Lợi
Tóc bạc phơ nhanh từng sợi
trên đầu…

Đây là đoạn thơ hay nhất của Chế Lan Viên viết về tâm tình của Bác đối với miền Nam. Miền Nam luôn ở trong tim Bác. Ba mươi năm, Người đi cùng dân tộc, cả vui lẫn buồn. Chế Lan Viên đã mượn nỗi đau thân thể của Người về giấc ngủ, miếng cơm, sợi tóc để nói nỗi đau và tấm lòng của Bác đối với miền Nam. Nỗi đau bắt đầu từ sự chia cắt hai miền Nam Bắc: Cơn gió xiết ngang sông Bến Hải. Từ đó, đến “tận chót Cà Mau”, Phú Lợi. Một cách nói hình tượng bằng những từ ngữ như “cắt”, “xiết”, “đau”, “đắng” “bạc phơ” đã làm cho tình cảm của Bác thêm sâu nặng với nhân dân tin yêu mà một đời Người đã gắn bó.

Phần cuối bài thơ, nhà thơ đi tìm căn nguyên của thắng lợi, tìm “chói ngời bản ngã” của dân tộc. Chế Lan Viên lý giải nguồn cội từ Lịch sử:

Ta ra đi từ nền văn minh lưu vực sông Hồng
Cả dân tộc bay theo hình chim Lạc
Chim sẽ bay về từ Bà Rá, Bà Đen qua Trường Sơn cho đến đỉnh Hoàng Liên
Rồi về đậu nơi Phong Châu đất Tổ
Các vua Hùng dày công dựng nước cho ta. Ta gắng giữ.
Lời Bác dặn muôn đời con cháu
dám đâu quên.

Kết thúc trường ca là cung đàn mùa xuân, tiếng đàn xua tan đi: “nửa vầng trăng anh cách trở nửa trăng em”, qua rồi cảnh “đến sông núi cũng chia làm hai nửa”:

Nay Tổ quốc đã rằm. Cơn hội ngộ
Người đoàn viên mà dân tộc cũng đoàn viên    
Trên đàn xưa em hãy đặt những ngón tay hồng những ngón tay thon
Mỗi giây ấy ca vang thời đại mới
Ca: Tổ quốc nghìn thu bền
vững mãi...

Bốn mươi năm đã qua, bài thơ vẫn còn tươi nguyên cảm xúc. Trong không khí chiến thắng, âm hưởng lạc quan, giọng ngợi ca là cung bậc chính. Dù đã dự cảm về ngày mai, nhà thơ vẫn chưa thấy hết những khó khăn, trăn trở trong những ngày hòa bình.   

Sau này, với độ lùi của thời gian, với thái độ đúng đắn của người nghệ sĩ, với trái tim đầy thao thức và cùng nhịp đập với dân tộc, Chế Lan Viên đã sẻ chia những vui buồn cùng đất nước và nhân dân mình.

Trong một bài thơ, nhà thơ viết:

Mậu Thân 2.000 người xuống
đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30...
Một trong ba mươi người kia ở
mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi
đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!...
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có
thể cười.

(Ai? Tôi!, Di cảo thơ, tập I, NXB Thuận Hóa, 1992, trang 227, 228)

Ta lại gặp một Chế Lan Viên nhân nghĩa, ân tình với đời. Lại vẫn thấy một tâm hồn nhạy cảm, yêu thương và gắn bó máu thịt với quê hương, luôn cùng một hơi thở với cuộc sống.

HOÀNG QUẾ NAM

;
.
.
.
.
.