.

Sống giữa hỗn độn âm thanh

.

Ngoài việc “sống chung” với tiếng ồn đô thị, nhiều người dân thành phố Đà Nẵng còn phải chịu đựng đủ loại âm thanh vang lên từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải trí khác…

Sân bóng rổ nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê bị phản ánh gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân gần đó.  Ảnh: T.Y
Sân bóng rổ nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê bị phản ánh gây tiếng ồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân gần đó. Ảnh: T.Y

Thời gian qua, trên mạng xã hội và facebook cá nhân, không ít người dân phàn nàn và bày tỏ sự khó chịu về việc hàng xóm hay cơ sở kinh doanh, công trình xây dựng, xưởng sản xuất gần đó phát ra tiếng ồn ngày đêm, khiến họ không thể chịu đựng nổi. Trên nhiều tuyến phố như Điện Biên Phủ, Hùng Vương, Lê Duẩn, Bạch Đằng…, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hàng điện máy, cửa hàng quần áo thường xuyên mở nhạc, thông tin khuyến mãi với công suất âm thanh cực lớn để thu hút khách hàng.

Mới đây, ngày 4-4, trên trang facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, anh Đinh Nhân viết: “Trong khu vực Khu Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê, đường Hồ Tương vừa khai trương sân bóng rổ. Họ tổ chức thi đấu, mở nhạc, hò hét cả ngày lẫn đêm khiến người dân từ số nhà 23 đến số nhà 45 đường Đinh Núp, phường An Khê không thể nào chịu nổi”. Anh cho rằng, ô nhiễm tiếng ồn còn nguy hiểm hơn cả ô nhiễm không khí, rác thải, bởi sau một ngày làm việc, người lớn cần nghỉ ngơi, người già cần yên tĩnh còn con trẻ cần tập trung chuẩn bị bài học cho ngày hôm sau.

Việc phải thường xuyên chịu đựng tiếng ồn không chỉ gây tâm lý khó chịu, dễ cáu ghắt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như ù tai, mất ngủ, đau đầu, giảm hiệu suất làm việc. Nằm trong hoàn cảnh này, anh Phạm Tuấn Anh (Hòa Xuân, Cẩm Lệ) cho biết, hơn 1 tháng nay, cở sở sản xuất nước đá ở địa chỉ 80 Đô Đốc Lộc thường xuyên hoạt động từ hơn 2 giờ sáng gây ra tiếng ồn, rung lắc sang nhà anh và các gia đình xung quanh khiến không một ai ngủ ngon giấc. Chưa kể, từ khi xưởng này đi vào hoạt động, mọi sinh hoạt trong gia đình anh đều bị ảnh hưởng, xem ti-vi thì chủ yếu xem hình vì có mở hết âm lượng cũng không nghe thấy gì. Tiếng ồn từ cơ sở này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến giờ giấc học tập của các con anh. Chịu không nổi, không ít lần anh sang góp ý với hàng xóm nhưng “ồn vẫn hoàn ồn”. Do quá bức xúc, anh đã làm đơn gửi lên UBND phường và Phòng Tài nguyên - Môi trường quận. “Sau đó, đại diện phường có xuống làm việc nhưng chủ cơ sở không chịu hợp tác với cơ quan chức năng, cũng không tạm ngưng và khắc phục sự cố môi trường, anh Anh bức xúc

Khó xử lý dứt điểm

Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã và đang trở nên phổ biến trong đời sống đô thị, gây tác động tiêu cực đến môi trường sống của người dân. Tuy nhiên, làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng này đang là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng.

Trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2016, quận Hải Châu đã tiến hành xử phạt 17 trường hợp kinh doanh gây tiếng ồn với tổng số tiền 95 triệu đồng. Riêng quý I năm 2017, xử phạt 31 triệu đồng đối với 2 trường hợp phát sinh khác. Ngoài ra, trong 3 năm qua, Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm và hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa quận Hải Châu (còn gọi là Đội kiểm tra liên ngành 178) đã thực hiện hơn 50 lượt kiểm tra hiện trường nhằm giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân hoặc theo chỉ đạo của Tổ thông tin đường dây nóng thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố phản ánh về tiếng ồn phát ra từ các cơ sở kinh doanh cà phê, karaoke, cửa hàng thời trang, siêu thị điện máy....

Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số cơ sở vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn quận Hải Châu đều nằm trên tuyến đường Bạch Đằng, nơi tập trung nhiều loại hình kinh doanh giải trí, dịch vụ lưu trú khác nhau phục vụ khách du lịch. Thậm chí, có nơi thường xuyên bị lực lượng chức năng nhắc nhở nhưng do chi phí thuê mặt bằng khá lớn (36 triệu/tháng, trả trước 3 năm), đẩy áp lực kinh doanh của chủ cơ sở lên cao nên dù bị xử phạt nhiều lần tình trạng này vẫn tái diễn. Ông Mai Quang Hiển, cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin quận Hải Châu cho biết, với những trường hợp gây tiếng ồn quá lớn, quận sẽ yêu cầu cơ sở chuyển ra khỏi địa bàn dân cư. Đơn cử như trước đây có quán cà-phê nằm ở địa chỉ 51 Ông Ích Khiêm mở nhạc lớn, người dân phản ánh, địa phương đã tiến hành xử phạt nhưng vẫn tái diễn nên quận đã kiên quyết yêu cầu cơ sở chuyển địa điểm kinh doanh ra khỏi địa bàn.

Cũng theo ông Mai Quang Hiển, hiện nay trên địa bàn quận Hải Châu nổi lên các vấn đề liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn như việc xử lý các cơ sở gây ồn chưa được thực hiện dứt điểm khiến người dân bức xúc. Chưa kể, không ít khu vực dân cư xuất hiện tình trạng người dân thuê dàn nhạc với dàn âm thanh khủng, hát hò từ chiều đến khuya. “Để thực hiện tốt hơn nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thành phố nên có văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý để địa phương có thể xử lý dứt điểm tình trạng này”, ông nói.

Anthony Evans, một người dân đến từ nước Anh, đang sinh sống trong một căn hộ cho thuê trên đường Dương Đình Nghệ cho rằng ô nhiễm tiếng ồn tại Đà Nẵng và nhiều nơi khác tại Việt Nam đang ở mức báo động. Anh chia sẻ: “Ở đất nước chúng tôi, các công trình xây dựng ở gần khu vực có dân cư sinh sống không được phép hoạt động vào ban đêm, không tổ chức hát karaoke trên đường phố, ngay cả trên xe buýt, tài xế muốn mở nhạc cũng phải hỏi ý kiến của hành khách… Sinh sống ở Việt Nam, tôi thấy những điều ngược lại. Khi lưu thông trên đường, tiếng còi hơi chát chúa thỉnh thoảng vang lên, tôi từng chứng kiến có người đi xe máy té xuống vệ đường vì giật mình do tiếng còi xe nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn không vào cuộc quyết liệt để xử lý vấn đề đơn giản nhưng rất tai hại này”.

Ô nhiễm tiếng ồn đã và đang diễn ra khá phổ biến trên nhiều tuyến phố, nhiều khu vực. Nếu những gia đình sống gần cơ sở kinh doanh, giải trí khổ một, thì người sống gần xưởng cơ khí, đóng tàu, cưa gỗ khổ mười vì tiếng chát chúa của máy khoan, máy đục tra tấn ngày đêm. Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng, thừa nhận con số xử phạt hiện nay chưa thể nói lên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đang diễn ra trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc xử lý hiện nay khá khó khăn do âm thanh lớn gây khó chịu, căng thẳng, ảnh hưởng đến sự tập trung, sức khỏe của con người lại diễn ra trong một thời điểm nhất định. Trong nhiều trường hợp, khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì tiếng ồn ấy lại nằm trong mức cho phép nên không thể xử phạt, hoặc mức xử phạt không đủ răn đe.

Việc xử lý các vi phạm về tiếng ồn trước đây được áp dụng tại Điều 17, Nghị định 179 (năm 2013), nay đã được thay thế bằng Nghị định 155 (năm 2016) mới có hiệu lực từ 1-2-2017. Nghị định mới có thêm quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA; các mức phạt tiền vẫn giữ như cũ (thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 160 triệu đồng). Ngoài ra, đối tượng vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng và kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.