.

Tiếng ồn và môi trường sống

.

Trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, vấn đề tiếng ồn ngày càng trở nên nan giải. Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cả sức khỏe và hành vi con người.

Hoạt động sản xuất trong lĩnh vực cơ khí là tác nhân gây ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: T.L
Hoạt động sản xuất trong lĩnh vực cơ khí là tác nhân gây ô nhiễm tiếng ồn. Ảnh: T.L

Trong cuộc sống hiện đại, con người chịu nhiều áp lực từ môi trường mình đang sống. Trong đó, có áp lực mà ít ai nhận ra, như một mối hiểm họa tiềm ẩn ngày qua ngày âm thầm gây nguy hại đến đời sống con người: tiếng ồn đô thị. Con người thực sự chưa quan tâm đến tiếng ồn, một phần do họ chưa hiểu hết về tác động của tiếng ồn, một phần do nhịp sống đô thị dần dần tăng tốc nên con người trở nên “quen tai”, không nhận ra độ chênh lệch của tiếng ồn bây giờ so với nhiều năm trước. Có người lập luận rằng tiếng ồn chỉ tác động đến con người khi đủ một cường độ và thời gian tác động nhất định, chứ chỉ “lớt phớt” thì không gây tác hại lắm!

Vậy tiếng ồn ở ngưỡng nào thì gây hại cho con người?

Hiện nay tiêu chuẩn về tiếng ồn được quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BYT ngày 30-6-2016  về Quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc. Ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) cho biết, theo quy định tại Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2016 này, trong mọi thời điểm khi làm việc, mức áp âm cực đại (Max) không vượt quá 115 dBA (đề-xi-ben, đơn vị đo độ ồn). Nếu người lao động làm việc tại nơi có mức âm quá mức 115 dBA sẽ dẫn đến bị bệnh điếc nghề nghiệp. Mức tiếp xúc cho phép với tiếng ồn của người lao động tại nơi làm việc là không vượt quá 115 dBA trong thời gian là 30 giây và không vượt quá 85 dBA trong thời gian là 8 giờ.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế thành phố Đà Nẵng) – đơn vị có chức năng thực hiện quan trắc môi trường lao động, trong đó có thực hiện đo tiếng ồn tại nơi làm việc của các doanh nghiệp, thì trong quá trình đo tiếng ồn tại nhiều vị trí làm việc của người lao động trong doanh nghiệp nếu xác định những vị trí có tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn vệ sinh cho phép thì sẽ tư vấn cho doanh nghiệp các biện pháp khắc phục.

Giải quyết tác hại của ô nhiễm tiếng ồn tại nơi làm việc là một trong những nội dung của Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30-6-2016 do Bộ Y tế ban hành về hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp. Theo đó, nếu người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp (tiếp xúc với tiếng ồn quá tiêu chuẩn vệ sinh cho phép) thì sẽ được người sử dụng lao động tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và có hồ sơ quản lý sức khỏe. Trường hợp người lao động khám và phát hiện bị mắc bệnh nghề nghiệp thì Trung tâm Y tế dự phòng thành phố sẽ đưa vào danh sách quản lý, điều trị và thực hiện các chính sách đối với người bị mắc bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế.

Không chỉ nơi sản xuất con người bị “thập diện mai phục” bởi tiếng ồn mà ra đường cũng bị bủa vây với nhiều loại âm thanh hỗn tạp. Phương tiện giao thông đang ngày càng tăng với một tốc độ cao, mật độ xe chạy trên đường phố ngày càng lớn, mức độ ô nhiễm tiếng ồn cũng tỷ lệ thuận theo đó: tiếng động cơ, tiếng còi, tiếng phanh xe... Thành phố Đà Nẵng hiện có trên 61 nghìn ô-tô, trên 800 nghìn
mô-tô đăng ký. Trong đó, nhiều ô-tô, mô-tô đã cũ vẫn điềm nhiên “xuống đường”, gây nên sự ô nhiễm tiếng ồn đáng kể.

Các vũ trường, quán bar “quấy rầy” con người bởi âm lượng nhạc quá lớn gây tác động không nhỏ đến thính giác của người xung quanh. Đây là nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn được cho là khó xử lý nhất và chỉ dựa vào ý thức của người dân là chủ yếu. Việc xử lý vi phạm hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cho biết Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. “Thông qua hoạt động thanh tra, Sở lồng ghép công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật đến các đối tượng kiểm tra, qua đó đã có tác dụng tích cực về mặt nâng cao ý thức, tính tự giác chấp hành pháp luật của các đối tượng hoạt động kinh doanh thuộc ngành quản lý”, ông Tịnh bày tỏ.​

Năm 2001 là năm thứ sáu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 25-4 làm Ngày Quốc tế phòng chống tiếng ồn. Đây là lần đầu tiên nước ta chính thức tham gia phong trào này. Tại Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh vấn đề ô nhiễm tiếng ồn hiện đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe, cũng như cuộc sống văn minh của đô thị. Đà Nẵng tuy chưa đến mức độ nghiêm trọng đó, nhưng hệ lụy nhãn tiền từ ô nhiềm tiếng ồn ở hai thành phố lớn này là bài học để Đà Nẵng tự điều chỉnh mình trên bước đường xây dựng “Thành phố môi trường”.

“Trong 5 năm qua, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành liên quan như Y tế, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội tổ chức 10 đợt thanh tra liên ngành tại khoảng 200 doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng nhằm phát hiện, hướng dẫn các đơn vị chưa thực hiện tốt công tác an toàn - vệ sinh lao động; qua đó cảnh cáo, xử phạt đối với những doanh nghiệp cố ý làm sai quy định, không chấp hành nghiêm các nội quy, quy định về an toàn - vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy và không thực hiện đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào bị vi phạm về tiêu chuẩn tiếng ồn phải xử lý vi phạm”.

Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) Nguyễn Anh Ánh

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.