Nghĩ

Thành phố thân thiện

.

Mục tiêu xây dựng thành phố thân thiện lần đầu tiên được nêu trong Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ thành phố hồi cuối tháng 9 năm 2010: “Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng có quy mô dân số không vượt quá hai triệu người, trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.

Một thành phố thân thiện trước hết phải là nơi con người sống thân thiện với nhau - thân thiện ở mọi nơi chốn chứ không chỉ trong các không gian công cộng sôi động đông người. Con người ở đây được hiểu là du khách thập phương và cả  cư dân bản địa, bởi mong muốn được người khác đối xử thân thiện với mình không chỉ là đòi hỏi của du khách thập phương khi đến thăm thành phố bên sông Hàn mà còn và quan trọng hơn là nhu cầu của chính người Đà Nẵng trong cuộc sống hằng ngày.

Một thành phố thân thiện luôn gắn liền với thương hiệu nụ cười. Không phải ngẫu nhiên mà trước ngưỡng cửa Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, chính quyền thành phố đã chính thức phát động và triển khai thực hiện thành công chiến dịch Nụ cười Đà Nẵng với khẩu hiệu “Chung tay vì một Đà Nẵng ngày càng văn minh, thân thiện và mến khách”, góp phần tạo nên một điểm nhấn văn hóa cho sự kiện ngoại giao lớn nhất trong vòng 10 năm qua ở nước ta do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng.

Người Đà Nẵng đang nỗ lực bày tỏ sự thân thiện trước hết ở nụ cười dành cho du khách thập phương, nhưng đáng nói hơn là đang nỗ lực bày tỏ sự thân thiện ở nụ cười dành cho nhau, bởi họ ý thức sâu sắc rằng những nụ cười mà họ nhiệt tình thậm chí hào phóng dành cho du khách thập phương cũng chỉ đủ sức chứng tỏ Đà Nẵng đang và sẽ có nhiều nụ cười hiếu khách, còn nụ cười thân thiện mà họ luôn dành cho nhau mới đủ khả năng khẳng định thành phố bên sông Hàn đã thực sự sở hữu thương hiệu nụ cười... 

Thân thiện trước hết được thể hiện ở nụ cười nhưng không chỉ thể hiện ở nụ cười. Thân thiện còn được bộc lộ qua ánh mắt đầy cảm thông chia sẻ trước nỗi lo, nỗi buồn và nỗi khổ của tha nhân - mà có lẽ với số đông nhân loại, khó nhọc và khổ đau chiếm hơn nửa kiếp người. Thân thiện đòi hỏi sự đồng cảm - thậm chí nhạy cảm - và xa lạ với sự vô cảm. Đi viếng người quá cố - kể cả người trường thọ - mà lúc nào cũng nhăn nhở cười thì quả là quá vô tâm... Như vậy thân thiện rộng hơn thương hiệu nụ cười.

Một thành phố thân thiện không chỉ là nơi con người sống thân thiện với nhau mà còn là nơi con người sống thân thiện với thiên nhiên. Sống thân thiện với thiên nhiên không chỉ là một ứng xử văn hóa mà còn là một cách làm kinh tế thông minh. Năm 2016 giới kinh tế Việt Nam đã chào đón cuốn sách The Blue Economy/ Nền Kinh tế Xanh lam của GS,TS Gunter Pauli qua bản dịch tiếng Việt của TS Phạm Hải Hồ. Cuốn sách này cho thấy môi trường và kinh tế có thể hoặc buộc phải hợp tác với nhau như thế nào.

Còn nhớ khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình VTC14, sáng 25-4-2016, ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho rằng: “Được cái nọ thì phải mất cái kia. Nhiều khi không được cả hai thì phải lựa chọn. Muốn bắt cá tôm hay muốn xây một nhà máy thép hiện đại? Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá”. Một thành phố thân thiện với thiên nhiên chắc chắn phải chọn cá chứ không thể chọn thép.

Và mới đây, khi kiểm tra thực tế tại hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã thể hiện chính kiến rất đúng hướng về số phận của hai nhà máy này, khẳng định: “Không thể để hai nhà máy lại. Ngành luyện kim, sản xuất thép này không phải là ngành Đà Nẵng cần”. Rất đúng hướng vì một thành phố đang nỗ lực thân thiện với thiên nhiên chắc chắn không thể chọn thép nói riêng và các kiểu làm kinh tế thiếu thân thiện với thiên nhiên nói chung.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.
.