Trước những đề văn gây tranh cãi

Mới đây, mạng xã hội Facebook lại xôn xao khi đề thi học kỳ 1 môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 10 của Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ yêu cầu học sinh: “Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay”. Đề văn cũng đưa ra một số dẫn chứng về ca sĩ này và việc cô bị nhiều người chê bai. Việc xã hội phản ứng với những đề văn mở không còn lạ khi từ năm 2014 có nhiều đề văn đề cập đến các vấn đề xã hội. Ở Đà Nẵng, các trường vẫn được khuyến khích ra đề mở, nhưng “mở” trong giới hạn nhất định để có thể định hướng giáo dục.

Sau khi đề văn này được đưa lên mạng, đã có hàng nghìn ý kiến khác nhau bàn luận về nó. Có người cho rằng: Tôi tự hỏi ngành giáo dục đang làm cái trò hề gì thế? Thông điệp giáo dục gì ở đây? Và người ta cười cợt, chế giễu đề văn, người ra đề. Có người khuyên tại sao không đưa những đề tài như nhân vật anh hùng ra cho học sinh phân tích, mà lại đưa một ca sĩ bị cho là hát dở, chưa biết vào đề. Có người còn bảo, ở phố nhiều người không biết Chi Pu là ai, thì học sinh ở thôn quê làm sao biết ca sĩ đó như thế nào để viết. Nhưng họ quên mất một điều là công nghệ thông tin, mạng xã hội đã có mặt ở khắp Việt Nam, thành thị cũng như nông thôn, chỉ cần thông tin xảy ra một nơi là cả nước đều biết, nhất là khi giới trẻ sử dụng điện thoại công nghệ cao ngày một nhiều.

Người ta hùa nhau “ném đá” một đề văn mà bỏ qua yêu cầu của đề là viết một vấn đề “tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm”, nghĩa là Chi Pu chẳng qua là cái cớ để học sinh hóa thân, nhằm thực tập cách bày tỏ cái tôi, cách nhìn và nỗi lòng của chính mình. Không chỉ là một cá nhân như một ca sĩ, mà các vấn đề khác như sự vô cảm, biến đổi khí hậu… đều là những vấn đề hay để học sinh bàn luận. Điều còn lại là các em phải vận dụng kiến thức như thế nào để các vấn đề nêu ra có sức thuyết phục, văn phong hấp dẫn. Nhà báo Đoàn Hồng Lê, VTV8 chia sẻ trên Facebook: Tôi thì thấy học sinh chả cần biết Chi Pu là ai, chỉ dựa theo dữ kiện trong bài cũng ít nhất làm bài được theo vài hướng rất thời sự: Tin vào con đường mình đã chọn và chiến, không thành công cũng thành nhân; Đối mặt khủng hoảng ở tuổi 20; Thời của ảnh chế- làm nhục trên mạng; Tuổi trẻ có quyền thử và sai lầm khi tìm đường khởi nghiệp; và Trưởng thành sau mỗi viên đá. Với ý kiến ấy thì chỉ cần học sinh hiểu và viết như thế nào thôi, còn viết cái gì không còn là điều quan trọng.

Những đề văn mở, bày tỏ ý kiến cá nhân vẫn còn rất hạn chế trong trường học, khiến học sinh, phụ huynh và cả xã hội chưa quen. Bởi lâu nay những đề văn chung chung, theo một mô-típ quen thuộc, thiên về tính ngợi ca đã “ăn sâu” vào lối mòn nhiều người. Bạn Trâm Anh, cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh cho rằng, hồi còn học phổ thông, gặp những đề văn mở là học sinh mặc sức “tung tẩy”: “Lúc ấy, cũng không có nhiều những môn học cho học sinh bày tỏ ý kiến riêng, nên khi cô giáo ra đề văn kiểu như bày tỏ ý kiến là bọn em thích lắm. Nhưng theo em thì mấy bạn ít xem ti-vi, ít quan tâm đến đời sống xung quanh cũng gặp khó khăn vì mấy bạn ấy không có nhiều kinh nghiệm để bàn luận vấn đề”.

Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên dạy Văn Trường THPT Trần Phú, cho rằng đề văn của Trường THPT Hạ Hòa là đề thi mang tính thời sự và gắn liền với tuổi trẻ thời đại công nghệ thông tin. Đề bài thoát khỏi lối ra đề truyền thống nên bị phản đối là điều dễ hiểu. “Tôi ủng hộ việc ra đề mới nhưng như đề bài trên thì định hướng giáo dục học sinh chưa thật rõ. Độ tuổi học sinh phổ thông chưa có sự định hình nhân cách rõ ràng nên các em sẽ có nhiều cách hiểu đề khác nhau, trong đó có những cách hiểu không tốt: bất chấp dư luận, đề cao lối sống cá nhân. Có thể cũng nội dung như thế nhưng yêu cầu đề đơn giản hơn. Ví dụ như: Em phản đối hay đồng tình với Chi Pu? Hãy viết một bài văn để nói rõ quan điểm của mình... Những đề văn mở phải gần gũi với đời sống nhưng cũng phải đảm bảo tính giáo dục phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi”, thầy Nguyễn Đình Hòa nhìn nhận.

Một đề văn mở, đề cập một vấn đề trong xã hội hiện tại được nhiều trường mạnh dạn đưa ra nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được số đông xã hội chấp nhận. Người ta cần đề mở nhưng phải “mở từ từ” với những vấn đề thiết thực, mang tính giáo dục và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Muốn thế cần có thời gian, sự đầu tư khoa học nghiêm túc và sự đồng thuận của xã hội. Một chuyên viên của Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho rằng, sở khuyến khích các trường từ lớp 6 trở lên ra những đề bài mở, nhưng những vấn đề có tính nhạy cảm, chưa rõ ràng, chưa phù hợp thì không nên đề cập. Cái mở ở đây có tính định hướng bởi trình độ nhận thức của các em còn hạn chế. Trong yêu cầu đổi mới phương pháp đánh giá mà Bộ GD-ĐT đưa ra, không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc, học thuộc lòng, mà chuyển sang yêu cầu học sinh hiểu và vận dụng những kiến thức đã học. Và trong các bài giảng của giáo viên, không còn việc chỉ đề cập những gì được viết trong sách giáo khoa, mà còn là sự trao đổi các vấn đề xã hội, các ứng dụng trong thực tế; yêu cầu giáo viên phải đọc, phải học nhiều hơn, từ đó đổi mới giáo dục mới thực sự đi vào chiều sâu.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.