Phát thanh thời kỹ thuật số

.

Không ai có thể phủ nhận những mặt tích cực mà hệ thống loa phát thanh mang lại trong cuộc sống người dân thời gian qua. Có điều, thời thế đã thay đổi, giờ những người làm nghề phát thanh và cả thiết bị phát thanh cũng đang từng bước chuyển đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội.

Công nghệ truyền thanh IP thông qua di động 3G, 4G đang thử nghiệm tại Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn.
Công nghệ truyền thanh IP thông qua di động 3G, 4G đang thử nghiệm tại Đài Truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn.

Biết thân biết phận

Khi hệ thống loa phường ở Hà Nội đang đứng trước ngã rẽ “tồn tại hay không tồn tại” thì Đà Nẵng vẫn tồn tại loa xã ở huyện Hòa Vang và loa phường ở 4 quận: Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn. Trong đó, chỉ Hòa Vang và Ngũ Hành Sơn là còn phát huy hiệu quả loa phát thanh ở một mức độ nhất định tuy không bằng được trước đây.  

Ông Huỳnh Phước Hiền, Phó trưởng Đài Truyền thanh (TT) Ngũ Hành Sơn, thâm niên 21 năm làm nghề “nói qua loa” nên thấu rõ được bước thăng trầm của hệ thống loa trên địa bàn quận. Đài góp “tiếng nói với đời” sau khi thành lập quận với 3 đài TT ở 3 phường trực thuộc; từ tháng 4-2005, có thêm một đài phường nữa khi Bắc Mỹ An được tách ra thành 2 phường mới là Mỹ An và Khuê Mỹ.

Hòa Quý và Hòa Hải vốn là 2 xã thuần nông của huyện Hòa Vang. Sau 21 năm “lên phố”, nếu Hòa Quý vẫn còn rặt quê thì Hòa Hải chỉ mới phố được non phân nửa. Đây là hai phường còn duy trì hoạt động truyền thanh, mỗi phường lắp đặt 23-25 bộ loa, mỗi bộ 2 chiếc, dọc theo các tuyến đường, các khu dân cư.

Mỹ An và Khuê Mỹ vốn là phường Bắc Mỹ An của thành phố Đà Nẵng trước năm 1997. Nếu Khuê Mỹ giờ chỉ phố hơn phân nửa thì Mỹ An đã phố hoàn toàn. Ông Hiền nói, trước đây loa truyền thanh bắt dọc theo các tuyến đường phố, khu dân cư ở hai phường này, mỗi cán bộ đến sửa loa hư là “bị” dân nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm. Chừ, gỡ hết. Cuối năm 2017, đưa một số loa vào nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng để duy trì việc thông báo các hoạt động của địa phương.

Khuê Mỹ, Mỹ An, nhà cửa cao tầng san sát, tiếng loa phát ra bị giữ lại giữa những khối nhà bê-tông, gây ít nhiều khó chịu cho cư dân. Hòa Hải, Hòa Quý thì khác, loa dọc đường phố, loa quanh xóm. Theo nhận xét của anh Phan Văn Dũng, phụ trách Đài TT Hòa Hải, hai phường này (nhất là Hòa Quý) vẫn mang dáng dấp của nông thôn, nhà cửa thưa thớt với nhiều khoảng đất trống nên tiếng loa phát thanh không “làm phiền” ai.

Thậm chí mỗi khi “tắt tiếng loa” là không ít người cảm thấy buồn, bởi lẽ xuống đồng, làm vườn mà nghe được thông tin thời sự, nghe mấy bài hát quen thuộc là cảm thấy như có người bạn ở cạnh bên mình.  

Thời hoàng kim của loa phường đã qua. Loa phường giờ đã “biết thân biết phận” nên đã được sắp xếp, bố trí sao đó để không ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của người dân. Đài TT Ngũ Hành Sơn mỗi sáng từ 5 giờ 30 phát chương trình 15 phút, gồm tin tức thời sự và một bài viết về chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương; sau đó tiếp sóng DaNangtv (Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng) và VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam).

Trưa, từ 11 giờ, phát thanh chương trình Tin nhạc 30 phút theo tỷ lệ 50-50; tin có điểm nhấn về thời sự trong ngày, từ đó chọn nhạc thích hợp để vừa làm tăng tính thông tin, vừa mang lại cho người nghe sự thư giãn. Chiều 17 giờ, phát lại chương trình buổi sáng.

Phạm Bình, một trong những phóng viên – phát thanh viên năng nổ của Đài Truyền thanh Liên Chiểu.
Phạm Bình, một trong những phóng viên – phát thanh viên năng nổ của Đài Truyền thanh Liên Chiểu.

Nỗi lòng phóng viên cấp... quận

Bất cứ loại hình báo chí nào cũng cần đội ngũ phóng viên, họ là những người phả hơi thở của cuộc sống lên tác phẩm báo chí của mình. Thế nhưng, phóng viên đài TT quận - người làm ra những bài viết được chuyển tải thành âm thanh phát qua hệ thống loa, lại không có được sự đánh giá đúng mực.

Bà Hồ Thị Thu Hương, Trưởng Đài TT Liên Chiểu kể, một cán bộ công tác ở DaNangtv (không muốn nêu tên) thời còn làm phóng viên ở đài TT quận, sau mấy lần cầm giấy mời đến dự và đưa tin các sự kiện diễn ra trên địa bàn quận là cương quyết không đi nữa.

Gặng hỏi chi cũng không nói lý do. Sau vỡ lẽ ra là các đơn vị tổ chức sự kiện “coi mặt đặt tên”, với phóng viên cấp Trung ương và cấp thành phố thì đàng hoàng phát thông cáo báo chí và gởi chế độ bồi dưỡng, còn phóng viên cấp quận là không ngó tới.

Phóng viên trẻ Phạm Bình, tốt nghiệp khoa Báo chí Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, ra trường là về đầu quân cho Đài TT Liên Chiểu theo diện thu hút nguồn nhân lực của thành phố từ tháng 10-2012. Về chuyện “phân biệt đối xử”, cô bảo, với cô, không phải là cảm nhận nữa mà là thấy rõ một cách phũ phàng.

Lần đó một trường học tổ chức lễ khai giảng, mời nhiều báo, đài đến đưa tin. Một số phóng viên trẻ tốt nghiệp báo chí sau cô nhưng làm mấy tờ báo “có vai vế” đều được nhận đầy đủ tài liệu, riêng cô, khi cô đưa cái giấy mời ghi đài TT quận ra thì chỉ nhận được độc một tờ thông cáo báo chí mỏng lét.

Sao lại có sự bất bình đẳng trong việc tiếp đón và cung cấp thông tin đến vậy? Về, cô khóc rấm rứt. Cũng phải sau mấy đận như thế, cô mới quen dần với “thân phận” của mình và không phải rơi nước mắt vì sự “phân biệt đối xử” đến hiển nhiên như thế. Gần 6 năm, Bình và các phóng viên khác còn kiêm luôn nhiệm vụ phát thanh viên.

Bà Hương mỗi lần thấy “lính” mình buồn là động viên: “Có nhiều người trước làm phóng viên cấp quận/huyện, sau lên làm phóng viên cấp thành phố; kể cả có người còn làm lãnh đạo một số cơ quan nữa. Cho nên mấy đứa ráng làm việc cho tốt đi, để còn bước tiếp lên nữa”.

Cái sự bất công trong đối xử còn thể hiện ở vị trí của phóng viên đài quận/huyện hiện nay. Đài TT Liên Chiểu được thành lập ngày 14-3-1997, trực thuộc Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng (DRT, nay là DaNangtv). 15 năm sau, UBND thành phố ra quyết định chuyển đài TT các quận/huyện trực thuộc DRT về trực thuộc UBND các quận/huyện.

Bà Hương thời làm phóng viên, được cấp thẻ nhà báo hẳn hoi, đợt cuối có niên hạn 2006-2010. “Chừ thì trưởng đài TT cũng không được cấp thẻ nhà báo nữa huống chi phóng viên. Nói là đài cấp quận nhưng có nhiều phóng viên viết rất tốt, thế mà không được xem là nhà báo, nghĩ cũng buồn.

Đó là chưa nói đến việc làm ở đài quận chỉ có lương “chay” chứ không được hưởng phụ cấp công vụ 25% như các đơn vị khác”, bà Hương trải lòng.

Đồng hành với thời đại

Năm 2012, tất cả đài TT các quận/huyện được chuyển giao về UBND quận/huyện quản lý. Tuy phóng viên vẫn còn bị “phân biệt đối xử” như nói trên, nhưng hoạt động TT đã có nhiều khởi sắc, được lãnh đạo quận/huyện quan tâm nhiều hơn.

Được hưởng lương từ ngân sách quận/huyện, đời sống cán bộ, phóng viên ngày càng được cải thiện. Đặc biệt là được cấp kinh phí đầu tư mua sắm nhiều thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. Đài TT Liên Chiểu năm 2017 được cấp gần 400 triệu đồng mua sắm và sửa chữa trang thiết bị. Cũng chi cho khoản này, Đài TT Ngũ Hành Sơn được cấp kinh phí trên 544 triệu đồng. Ngoài ra, cả hai đài cũng được quận cấp kinh phí mua camera để làm tin hình cộng tác với DaNangtv.

Khoa học công nghệ ngày một phát triển, nghề làm “báo nói” cấp quận cũng đỡ mệt nhọc hơn. Bà Hồ Thị Minh Nhứt, Trưởng Đài TT Cẩm Lệ, nhớ mãi lần làm tin thu thanh Đại hội Đảng bộ Công an quận. Dù đã chuẩn bị kỹ rồi, nhưng đến khi “vào việc” thì cái máy ghi âm trở chứng, vậy là toát cả mồ hôi hột.

Đến 16 giờ mới hẹn gặp được Chánh văn phòng Công an quận tại phòng làm việc, nhờ ông đọc lại báo cáo ông vừa trình bày tại đại hội lúc sáng. Thu âm xong lại thiếu tiếng vỗ tay, phải nhờ anh chị em cơ quan vỗ tay giúp. Mọi việc đều hoàn thành kịp giờ phát thanh buổi chiều chứ không thì hôm đó sẽ bị lãnh đạo khiển trách, phê bình.

Làm phóng viên thời đó thật vất vả, chừ thì chỉ cần thao tác nhấp chuột trên máy vi tính hay một vài cái lướt nhẹ trên điện thoại di động là đã ghi âm được thông tin cần thiết. Hệ thống loa phát thanh giờ cũng hiện đại hơn.

Ông Trần Thanh Trúc, Phó phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, hiện sở đang thử nghiệm chuyển công nghệ phát thanh FM sang công nghệ truyền thanh IP thông qua di động 3G, 4G với 11 cụm loa tại 4 quận: Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và huyện Hòa Vang. Thời gian thử nghiệm dự kiến kéo dài đến hết tháng 1-2018.

Bước đầu thử nghiệm đã thực hiện được truyền thanh 4 cấp: cấp xã, phường; cấp quận; cấp thành phố (DaNangtv); cấp Trung ương (VOV). Công nghệ IP có ưu điểm: Khắc phục được tình trạng chất lượng âm thanh kém (không còn hiện tượng rồ, nhiễu); cho phép điều khiển cụm loa truyền thanh từ xa (quản lý tập trung từ xa, kiểm soát được cụm loa nào đang hoạt động, điều chỉnh âm thanh từ xa).

Anh Phan Văn Dũng, phụ trách Đài TT Hòa Hải, năm đó thấy gần tới Tết mà có mấy loa truyền thanh cứ ọ ẹ hoài, bèn leo lên sửa ngay trước giao thừa để bà con nghe rõ lời Chủ tịch nước chúc Tết. Tết này, theo cách nói vui của Trưởng Đài TT Ngũ Hành Sơn Trần Văn Sinh, những người làm công tác truyền thanh ở Hòa Quý, Hòa Hải có thể “kê cao gối mà ngủ”. Bởi hệ thống truyền thanh công nghệ mới đang được thử nghiệm tại 2 phường này sẽ không “ọ ẹ” làm phiền người nghe nữa!...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.