Vóc dáng chợ Mới Ba Xã

.

Tọa lạc ở cửa ngõ phía nam của thành phố Đà Nẵng, chợ Mới Ba Xã (thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) là một phiên chợ chiều đặc biệt. Giáp với xã Điện Thắng Bắc và phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam, ngôi chợ có tuổi đời từ trước năm 1975 này đã gắn bó cuộc sống của bao thế hệ người dân của ba địa phương trên và trở thành một phần không thể thiếu trong nếp sống sinh hoạt của người dân.

Người dân xã Hòa Phước đi chợ chiều ở chợ Mới Ba Xã. Ảnh: Mai Hiền
Người dân xã Hòa Phước đi chợ chiều ở chợ Mới Ba Xã. Ảnh: Mai Hiền

Cùng trên địa bàn xã Hòa Phước, nếu chợ Miếu Bông họp vào buổi sáng, thì chợ Mới Ba Xã hoạt động vào buổi chiều, tầm 15 - 18 giờ.

Theo lời của bà con buôn bán tại chợ Mới Ba Xã, trước đây, việc buôn bán của chợ rất phát triển, đầy ắp người bán kẻ mua. Một trong những lý do đem đến sự sống động của chợ chính là địa điểm chợ được đặt ở bên quốc lộ 1A, ngay ở cửa ngõ ra vào chính của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Với vị thế đắc địa, chợ trở nên sôi động và dần dần ăn sâu vào tâm trí không chỉ của người dân địa phương mà còn của những ai thường xuyên qua lại khu vực này. Có thể đó là hàng trăm công nhân từ Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc sau khi đi làm về thì tiện đường ghé chợ để chuẩn bị cho bữa cơm chiều, hay hàng trăm tài xế khi di chuyển qua lại trạm thu phí gần chợ thường cho các phụ xe tranh thủ mua các mặt hàng thiết yếu.

Ông Trần Dũng, Phó Ban Quản lý chợ Mới Ba Xã cho hay: “Trước kia, tuy chợ Mới Ba Xã cũ buôn bán rất tốt nhưng vì chợ nằm ngoài quốc lộ 1A nên gây mất trật tự an toàn giao thông. Chợ cũ có diện tích khá nhỏ mà số người đi chợ quá đông nên hay xảy ra các tệ nạn xã hội như móc túi, trộm cắp. Để giải quyết vấn đề này chính quyền địa phương đề xuất di dời chợ cũ đến địa điểm mới”.

Chợ Mới Ba Xã là một trong 16 chợ nông thôn trên địa bàn thành phố, được UBND huyện Hòa Vang đầu tư xây dựng. Vào đầu năm 2017, UBND xã Hòa Phước đã thực hiện việc di dời chợ Mới Ba Xã về khu tái định cư Giáng Nam 2, xã Hòa Phước.

Chợ Mới Ba Xã như được khoác lên một chiếc áo khang trang hơn, cơ sở hạ tầng cũng đã được nâng cấp lên để phục vụ cho bà con được tốt hơn. Điều này không chỉ giúp cho việc buôn bán thuận lợi mà còn tạo ra điểm nhấn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Gương mặt chợ đổi thay không chỉ tập trung ở các quận trung tâm thành phố mà còn trải rộng ra các khu vực lân cận.

Ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết: “So với chợ cũ, chợ mới rộng hơn, sạch hơn và an ninh tốt hơn. Được quy hoạch ngay từ đầu, nên các tiểu thương đảm bảo mặt hàng được bày bán ở chợ phong phú.

Vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chú trọng, giám sát kỹ. Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm của xã đi kiểm tra hằng tháng, hằng quý. Với những gian hàng đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần”.

Theo lời của những người đi chợ, vì đa phần tiểu thương, người mua là dân địa phương nên việc mua bán diễn ra vui vẻ, thoải mái. Giá cả ở chợ theo giá cả chung của thị trường, không có tình trạng “chặt chém”. Bà Lê Thị Hai (sinh năm 1940, thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước), cười nói: “Bà đi chợ gần như mỗi ngày. Bà thấy giá cả ở chợ bình dân, hợp với túi tiền. Bà hay mua cá, thịt và thấy tươi, ngon. Người bán với người mua gần gũi thân thiện”.

Theo ông Trần Dũng, thực phẩm sống ở chợ được lấy tại trại giết mổ của Hòa Phước, có đóng dấu kiểm dịch. Các mặt hàng được bày bán ở chợ đa phần được lấy từ chợ Đầu Mối Hòa Cường và người dân địa phương tự sản xuất. Khách hàng đến chợ chủ yếu là dân địa phương. Dân ở các xã lân cận cũng có ghé chợ nhưng rất ít, không đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1945, thôn Quá Giáng 1, xã Hòa Phước), một trong những tiểu thương lão thành ở chợ Mới Ba Xã, chuyên bán trầu cau cho hay: “Dù không thể nào đông như chợ cũ nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập hằng ngày. Tính từ lúc chợ cũ đến khi dời sang chợ mới thì bà đã bán được 30 năm. Chợ mới sạch sẽ, khang trang hơn nên hài lòng lắm”.

Đối với bà con, việc di dời chợ như thể thay đổi một thói quen sinh hoạt hằng ngày để bắt đầu lại với bao điều mới mẻ. Bên cạnh những lợi ích trông thấy, thì việc chuyển qua chợ mới ít nhiều đọng lại những tiếc nuối trong lòng người dân.

Theo bà Huỳnh Thị Bình (sinh năm 1969, thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước), một người hay đi chợ chia sẻ, khi chuyển qua chợ mới, không khí mua bán không còn như xưa nữa. Người đi chợ vơi đi ít nhiều so với chợ cũ vì lý do nghịch đường.

Bà Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1971, thôn Bồ Mưng 2, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), một tiểu thương bán đồ dùng gia đình cho biết: “Một số người chưa biết chợ Mới Ba Xã đã được chuyển đến đây; bên cạnh đó một số công trình thi công ảnh hưởng đến việc đi lại, khi trời mưa thì đường sá lầy lội khiến mọi người rất ngại đi chợ Mới Ba Xã, nên tìm đến những chợ khác thuận tiện cho việc đi lại hơn”.

Sau một năm đi vào hoạt động tại địa điểm mới,  tuy vẫn còn những khó khăn, trắc trở ban đầu, nhưng với một khu chợ khang trang, sạch đẹp, hòa chung với xu hướng văn minh thương mại của cả thành phố, chắc chắn việc nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân địa phương sẽ luôn được chú trọng.

Chợ Mới Ba Xã có tổng diện tích hơn 11.000m2 với tổng kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng, trong đó 50% do tiểu thương đóng góp. Chợ gồm 2 khối chợ khô, chợ ướt và khu nhà làm việc của Ban quản lý chợ. Ngoài ra, chợ Mới Ba Xã còn có các công trình tiện ích khác như: hệ thống chiếu sáng, công trình vệ sinh, trang bị đầy đủ dụng cụ phòng cháy chữa cháy, nước sạch.

Việc xây dựng và đưa vào hoạt động chợ Mới Ba Xã có ý nghĩa rất quan trọng, vừa tạo điều kiện thuận tiện cho việc giao thương buôn bán của người dân, vừa là bước tiến mới để xã Hòa Phước đáp ứng tiêu chí chợ nông thôn mới, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển thương mại, dịch vụ của xã nhà.

MAI HIỀN

;
.
.
.
.
.
.