Khu 5 - Tết Mậu Thân 1968

.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do vị trí chiến lược của vùng, Khu 5 là địa bàn gắn liền với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa(1), là nơi khởi nguồn quyết tâm và các quyết định chiến lược của Đảng ta. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân ở địa bàn Khu 5 tuy chưa giành được thắng lợi quyết định như mục tiêu đã đề ra, nhưng đã góp phần tạo nên một thế chiến lược mới cho chiến trường Khu 5 cũng như toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Kho xăng An Đồn bị cháy trong Tết Mậu Thân. (Ảnh tư liệu)
Kho xăng An Đồn bị cháy trong Tết Mậu Thân. (Ảnh tư liệu)

Dám đánh Mỹ và thắng Mỹ

Giữa tháng 3-1965, Mỹ đổ quân viễn chinh vào Đà Nẵng, tiếp đó là Quy Nhơn, Cam Ranh, Biên Hòa và toàn miền Nam, trực tiếp tham chiến, thực hiện “chiến tranh cục bộ”. Một câu hỏi lớn mang tính thời đại đặt ra trước Đảng và nhân dân ta: liệu chúng ta có dám đánh Mỹ hay không; và đánh thắng Mỹ bằng cách nào?

Vào đêm 26, rạng sáng ngày 27 tháng 5 năm 1965, một đại đội bộ đội địa phương Quân Giải phóng miền Nam tấn công đại đội 2, Sư đoàn 3, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại cứ điểm Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, tiêu diệt gọn đại đội quân viễn chinh Mỹ. Tiếp đến Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo thành công việc tổ chức các “vành đai diệt Mỹ” ở những nơi quân Mỹ đổ bộ vào như Hòa Vang, Chu Lai (Quảng Nam), An Khê (Gia Lai). Việc hình thành các “vành đai diệt Mỹ” là cách đánh Mỹ theo đường lối chiến tranh nhân dân của Việt Nam.

Đến tháng 8-1965, Quân giải phóng đánh thắng cuộc càn quét đầu tiên của quân Mỹ ở Vạn Tường (Quảng Ngãi), từ 19-10 đến 26-11-1965, Quân giải phóng Tây Nguyên giành chiến thắng vang dội trong chiến dịch Pleime (Gia Lai). Các trận đánh phủ đầu quân Mỹ ở đồng bằng Khu 5 cũng như ở Tây Nguyên, khẳng định rằng quân và dân miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh thắng hoàn toàn quân xâm lược Mỹ trong “chiến tranh cục bộ”.

Từ 10-3 đến 25-5-1966, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đà Nẵng, quần chúng nhân dân nổi dậy làm chủ Đà Nẵng 76 ngày đêm. Sự kiện Đà Nẵng năm 1966 chỉ ra khả năng trong điều kiện có sự hiện diện của quân đội viễn chinh Mỹ, quần chúng nhân dân vẫn tiến hành khởi nghĩa ở đô thị để giành chính quyền.

Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, bất ngờ

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ở Khu 5, Khu ủy và Quân khu ủy quyết định sử dụng lực lượng ba thứ quân tiến công liên tục, mạnh mẽ cả xuân và hè nhưng chủ yếu là trong mùa Xuân 1968, nhằm đánh sập ngụy quân, ngụy quyền, tiêu diệt nặng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ; kết hợp với những cuộc khởi nghĩa rộng rãi quy mô lớn và quyết liệt của quần chúng, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Để đạt được mục tiêu đó, Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu 5 đã thông qua phương án tổng tiến công và nổi dậy ở địa bàn Khu 5. Ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, sử dụng các đơn vị đặc công, bộ binh, biệt động, tự vệ bí mật đồng loạt đánh chiếm một số mục tiêu then chốt để hỗ trợ cho quần chúng ở nông thôn vào kết hợp với lực lượng quần chúng trong thành thị khởi nghĩa giành chính quyền. Lấy khởi nghĩa của quần chúng giành chính quyền là chính. Ở các thị xã Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, kết hợp giữa đòn tiến công của lực lượng vũ trang với lực lượng khởi nghĩa của nhân dân tại chỗ và từ nông thôn tràn vào, tiêu diệt địch, đánh sập bộ máy ngụy quyền và thành lập chính quyền cách mạng. Ở các thị xã Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột chủ yếu dùng đòn tiến công quân sự để giải phóng(2).

Từ ngày 2 đến ngày 12-1-1968, bộ đội chủ lực Khu 5 tấn công các cứ điểm vùng ven nhằm kéo lượng địch ra khỏi căn cứ và đô thị. Cụ thể: Sư đoàn bộ binh 2 mở chiến dịch tiến công ở khu vực tây Quế Sơn, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 3 sư đoàn 1 kỵ binh không vận và Lữ đoàn bộ binh 196 Mỹ. Ở Tây Nguyên, từ ngày 15 đến ngày 27-1-1968, sư đoàn bộ binh mở một đợt tiến công ở đường 18 bắc Kon Tum, thu hút và kìm chân phần lớn, lực lượng Sư đoàn bộ binh 4 Mỹ. Lực lượng vũ trang các tỉnh đánh phá một số sân bay, kho tàng, nổi lên là trận tiến công sân bay Đà Nẵng đêm 3-1-1968, phá hủy 67 máy bay, làm nổ hai kho đạn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở địa bàn Khu 5 bắt đầu vào đêm 30-1-1968 (sớm hơn giờ G của toàn miền một ngày) đã diễn ra đồng loạt và bất ngờ vào tận hang ổ của địch ở 10 thành phố và thị xã, 40 thị trấn trong toàn khu, làm cho địch choáng váng, hốt hoảng. Ở chiến trường đồng bằng, đêm 30-1-1968, ta đồng loạt tiến công vào Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang. Ở Đà Nẵng, quân giải phóng tiến công sở chỉ huy quân đoàn, đánh chiếm thị trấn Nam Ô, phá sập cầu Thủy Tú, cắt đường số 1 ở đèo Hải Vân, tiến công Sở chỉ huy trung đoàn bộ binh 51 ở Miếu Bông, cắt đường số 1 từ Vĩnh Điện đi cầu Đỏ. Ở Hội An, ta đánh chiếm khu công binh, giải phóng nhà lao, tiến công khu Lôi Hồ và kiểm soát được một nửa thị xã, trụ bám để đánh địch phản kích. Ở Quy Nhơn, ta đánh chiếm nhà ga, đài phát thanh, cầu Đôi. Ở Tuy Hòa, ta tấn công dinh tỉnh trưởng và sân bay. Ở Nha Trang, bộ đội đặc công tỉnh tấn công dinh tỉnh trưởng, sở chỉ huy tiểu khu và trụ lại đánh địch phản kích quyết liệt suốt ngày 31-1-1988. Đêm 31-1-1968, lực lượng vũ trang Quảng Nam, Quảng Ngãi, các Sư đoàn bộ binh 2 và 3 bắt đầu nổ súng tiến công. Ở Tam Kỳ, quân giải phóng tiến công khu ga, đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, tiến sâu vào trung tâm thị xã. Ở Quảng Ngãi, quân giải phóng đánh chiếm sân bay, cao điểm 45, tỉnh đoàn bảo an, ty cảnh sát, giải phóng nhà lao, tiến công khu thành cổ.

Hiệp đồng với các lực lượng tiến công vào đô thị, Sư đoàn bộ binh 2 tiến công tiêu diệt quận lỵ Duy Xuyên, giải phóng thị trấn Nam Phước (nam Đà Nẵng), cắt đường số 1, sau đó phát triển ra hướng nam Đà Nẵng, chặn đánh quyết liệt các tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Lỗ Giáng, Gò Nổi. Sư đoàn bộ binh 3 tiến công quận lỵ Phù Mỹ, phát triển xuống Tuy Phước, Trung đoàn bộ binh 10 đánh chiếm đèo Cù Mông, cắt đường số 1 giữa Bình Định và Phú Yên.

Ở Tây Nguyên, quân và dân ta đồng loạt tiến công và nổi dậy, mở đầu bằng cuộc tiến công đánh chiếm thị trấn Tân Cảnh hồi 0 giờ 30 phút ngày 31-1-1968. Ở thị xã Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Kon Tum, quân giải phóng tiến công các mục tiêu quan trọng; phối hợp với tiến công quân sự, huy động quần chúng đấu tranh trực diện với địch.

Đấu tranh trực diện với địch

Phối hợp với đòn tiến công quân sự, theo kế hoạch đã định, hàng vạn quần chúng ở các vùng nông thôn được huy động để tiến vào đô thị, với ý định kết hợp với quần chúng trong đô thị khởi nghĩa giành chính quyền. Với quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và quần chúng nổi dậy đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, bất chấp mọi hy sinh, ác liệt. Nhiều phân đội trụ bám đánh dịch phản kích đến người cuối cùng; nhiều đội ngũ quần chúng tay không, giương cao cờ cách mạng, vượt qua bom đạn sáp vào đấu tranh trực diện với địch.

Cùng với mũi tiến công quân sự, lực lượng quần chúng ở nông thôn được huy động kéo vào các đô thị, nhưng do địch đã dùng bom đạn thẳng tay đàn áp, ngăn chặn, nên lực lượng này không thể phối hợp với lực lượng nội thành thực hiện kế hoạch khởi nghĩa ở các đô thị.

Tuy lực lượng của ta tiến công và nổi dậy đều khắp, nhưng do phân tán lực lượng, nên đòn tiến công quân sự chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy. Mặc dù rất hoảng sợ trước khí thế tấn công của các lực lượng cách mạng, nhưng do lực lượng khối chủ lực và hệ thống chỉ huy của địch từ trên xuống dưới chưa bị đánh tê liệt nên chúng ráo riết tổ chức phản kích rất quyết liệt và dã man để chiếm lại những vị trí đã mất. Vì vậy, ngày 31-1-1968, quân giải phóng phải rút ra khỏi thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, các thị xã, thị trấn và chỉ tiếp tục bám đánh địch ở vùng ven. Ở một số thị xã như Kon Tum, Tam Kỳ, Quảng Ngãi đến ngày 1-2-1968, các đơn vị bộ đội ta cũng rút lui ra vùng ven.  

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Lực lượng vũ trang Khu 5 đã tiêu diệt và phá hủy một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Bộ máy kìm kẹp của chúng ở nông thôn bị vỡ từng mảng lớn, đại bộ phận nông thôn đồng bằng được giải phóng. Địch phải co lực lượng về giữ các thành thị và căn cứ, thế phòng ngự của chúng bị đảo lộn.

Tuy chưa giành được thắng lợi quyết định như mục tiêu đã đề ra, song cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân ở địa bàn Khu 5 góp phần vào thắng lợi oanh liệt có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, mở ra cục diện mới của cách mạng nước ta; tạo nên một thế chiến lược mới cho chiến trường Khu 5 cũng như toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quân và dân Khu 5 đã góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở địa bàn Khu 5 và trên toàn miền Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự như: kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, trong đó vai trò tạo thời cơ của đòn tiến công quân sự; vấn đề sử dụng lực lượng, trong đó vấn đề tập trung binh lực trong trận quyết định; vấn đề lựa chọn thời cơ và địa điểm quyết chiến, v.v…

Những bài học lịch sử này từ thực tiễn Tết Mậu Thân được Đảng ta vận dụng và phát huy có hiệu quả trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

PGS, TS Trương Minh Dục

(Học viện Chính trị khu vực 3)


(1) Từ sau Hiệp định Genève năm 1954, 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế chịu sự chỉ đạo của Khu ủy Khu 5. Từ tháng 4 năm 1966, Đảng và  Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định thành lập Khu Trị Thiên Huế (hoặc Khu Trị Thiên), để thuận tiện cho việc chỉ đạo, tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang ở khu vực.

(2) Quân khu 5 thắng lợi và những bài học trong kháng chiến chống Mỹ, t.1 (lưu hành nội bộ), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1981, tr.97, 98. Phần diễn biến trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở Khu 5 sử dụng tư liệu trong tài liệu này.

;
.
.
.
.
.
.