Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ: Khát vọng từ đất & lửa!

.

Nghe tiếng “đất nung Lê Đức Hạ” từ lâu nhưng chưa một lần ghé tới cơ sở sản xuất của ông, dù đã đi ngang qua đây rất nhiều lần. Thế rồi mảnh đất Cầu Mống không chỉ nổi tiếng với thương hiệu bê thui, Phú Chiêm thơm lừng tô mì Quảng, Phước Kiều rộn rã nghề đúc đồng mà đất nung của Lê Đức Hạ ở làng Đông Khương cũng đã góp phần làm cho các làng nghề truyền thống của xã Điện Phương, thị  xã Điện Bàn, Quảng Nam thêm đa dạng, phong phú.

Nghệ nhân Lê Đức Hạ đang tạc tượng trong xưởng gốm của mình.Ảnh: Thái Mỹ
Nghệ nhân Lê Đức Hạ đang tạc tượng trong xưởng gốm của mình.Ảnh: Thái Mỹ

Một chiều đầy nắng rát bỏng, tôi bước vào nơi làm việc của nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ mới vỡ vạc được mức độ bận rộn của ông. Để không uổng phí thời gian vàng ngọc, ông bảo tôi hết sức thông cảm để ông vừa khắc vẽ bức tượng vũ điệu Chămpa trên khuôn đất sét đã được nhào nặn rất kỳ công, vừa chuyện trò.

Đôi bàn luôn miệt mài với công việc, ông xen kẽ chuyện đời, chuyện nghề của mình và bao ký ức xa xôi của những tháng ngày thiếu thốn, gian khó lại ùa về như mạch nước tuôn chảy. Hóa ra, để có được thương hiệu “Đất nung Lê Đức Hạ” của ngày hôm nay, không chỉ có niềm khao khát, say mê với đất mà sự thành công ấy còn có cả nghị lực cộng với bao giọt mồ hôi chát mặn…

Sau ngày giải phóng ông đi bộ đội, năm 1982 xuất ngũ về địa phương. Vốn có ý tưởng gắn bó với đất và lửa từ lâu nên ông dành dụm tất cả tiền bạc dựng cái lò gốm nho nhỏ bên bờ sông Thu Bồn dạt dào yên ả. Sản phẩm đất nung của ông làm ra được nhiều người gần xa tới xem, trầm trồ khen đẹp nhưng lại… chẳng có ai mua.

Đồng vốn ban đầu được ném vào lò bị “đốt cháy” cạn kiệt và đến năm 1985 thì cái lò nung đất sét không còn đỏ lửa nữa.  Quanh quẩn bên lũy tre làng, lại không nghề nghiệp, ông ra Đà Nẵng xin làm tại một tiệm chụp ảnh để kiếm sống qua ngày.

Tuy có nghề mới nhưng trong tâm khảm ông luôn nghĩ về sự thất bại đầu đời và hình như số ông sinh ra đã có duyên nợ với cái nghề chẳng mấy an nhàn này. Những lúc rảnh rỗi, Lê Đức Hạ mang cả túi đất sét dẻo quánh đã chuẩn bị sẵn vào phòng làm ảnh nhào nặn các hình tượng mi-ni.

Rồi vợ ông chẳng may bị tai nạn, phải vào bệnh viện điều trị, ông phải theo nuôi dưỡng, chăm sóc. Đêm đêm, vợ và các bệnh nhân trong phòng chìm vào giấc ngủ thì ông lại lôi túi đất sét ra nặn hình các con vật, chai, lọ xinh xắn.

Sáng ra, từ bệnh nhân đến y bác sĩ ngắm nghía các bức tượng của ông ai cũng gật đầu thích thú. Một lần tình cờ ông gặp nhà thơ Ngân Vịnh tại Đà Nẵng. Trong lúc hàn huyên, nhà thơ Ngân Vịnh cầm bàn tay ông  xem chỉ như thầy tướng số.

Nhà thơ phán rằng ông phải về quê lập nghiệp chứ đừng bôn ba, đây đó cho mệt. Phải quay lại với nghề cũ đi. Tiền bạc là chính đôi bàn tay này đây chứ ở đâu nữa mà tìm. Tuy nhà thơ Ngân Vịnh nói thế nhưng đã một lần dựng lò trắng tay làm ông  băn khoăn, do dự mãi. Cuối cùng ông cũng rời cái nghiệp làm thuê nghề ảnh trở về quê dựng lại cái lò gốm.

Thị trường sành sứ thời cơ chế bao cấp tiêu thụ hết sức khó khăn. Mẻ hàng gốm đỏ au đầu tiên xuất lò với niềm hy vọng tốt đẹp nhưng cũng chẳng có ai để mắt tới. Hy vọng bao nhiêu đã làm cho ông thất vọng bấy nhiêu.

Buồn bã, chán chường, Lê Đức Hạ quyết định đập bỏ lò gốm sang một bên để nuôi heo, còn vợ đi buôn gà ở các chợ. Trong chuồng đã có đàn heo nhung nhúc nhưng lúc nào đầu óc ông cũng nghĩ tới gốm. Nhiều lúc miên man theo bao dòng suy tưởng, heo đói rả họng kêu eng éc ông mới sực tỉnh ra lật máng cho chúng ăn.

Tình yêu đất sét vẫn luôn âm ỉ và có lúc như bùng cháy dữ dội đã thôi thúc ông nhào nặn trở lại. Lần này, ông  dựng một cái lò rất nhỏ để nung tượng các con vật rất gần gũi với đời sống và các bình lọ cắm hoa.

Mẻ hàng mới lại ra đời, ông mang các sản phẩm ấy trưng bày bên… chuồng heo để ngắm chơi. Thấy hàng quá đẹp, vợ ông gom lại mang ra Đà Nẵng chào bán tại các cửa hàng non bộ thì được họ mua hết ngay và còn đặt tiếp hàng, hứa sẽ bao tiêu tất cả sản phẩm mỗi khi xuất lò.

Thế là từ đó (năm 1994) chuồng heo bị đập bỏ, vợ cũng thôi buôn gà để ở nhà với ông mở rộng quy mô sản xuất. Đơn đặt hàng của khách tới liên tục, không đủ hàng giao nên ông phải thuê người, bày cho họ cách làm.

Xưởng gốm của ông rực lửa suốt đêm ngày. Đến đây, ông nhớ lại những lời của nhà thơ Ngân Vịnh đã nói thấy đúng quá. Cuộc đời và cái nghề gốm của ông dần dần phát triển, lớn lên từ đất.

Để giữ vững thương phẩm của mình, ông luôn nghĩ các mẫu mới để chinh phục khách hàng. Chính vì vậy, sản phẩm của ông bán rất chạy tại hai trung tâm du lịch Mỹ Sơn và Hội An. Hơn 30 cửa hàng  ở các tỉnh miền Trung thường xuyên lấy sỉ hàng của ông.

Tuy đã có hàng trăm mẫu mã mới ra đời nhưng ông vẫn luôn tìm tòi, khám phá và không bao giờ cho phép mình dừng lại. Theo ông, làm tượng chân dung khó nhất. Pho tượng chân dung đầu tiên của ông là nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, vì ca khúc “Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng” của nhạc sĩ là niềm an ủi, động viên, tiếp thêm sức mạnh và sự bền bĩ để ông đạp qua thách thức đi tới thành đạt.

Tiếp đó là tượng nhà thơ Bùi Giáng, tượng các danh nhân đất Quảng. Biết ông nhào nặn tượng rất giống nên nhiều người tới đặt tượng người thân trong gia đình, đây là mặt hàng mới nhất của ông. Bây giờ, cơ sở sản xuất gốm của ông đã cho ra thị trường hơn 300 mẫu sản phẩm, đa dạng nhất là các mặt hàng trang trí nội, ngoại thất như các loại đèn vườn, đèn trụ, đèn áp tường, đèn treo… hấp dẫn, được thị trường ưa chuộng.

Bên cạnh đó, sự sáng tạo của ông còn thể hiện qua tác phẩm về ngôi nhà gạch toạ lạc bên cạnh xưởng gốm. Ngôi nhà kỳ thú, mang đậm bản sắc văn hóa Chămpa có một không hai này đã được tạp chí kiến trúc danh tiếng của Mỹ Archdaily đánh giá là công trình có lối kiến trúc độc đáo và thú vị. 

Lê Đức Hạ đã thổi những khát vọng, sự mê muội từ cái hồn cốt của mình vào đất và lửa để nó hóa thành những sản phẩm đầy sinh động. Chính điều đó đã làm cho các dòng sản phẩm gốm của ông đoạt các giải “Tinh hoa Việt Nam” tại Ngày hội làng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm văn hóa Festival Huế; Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng như danh hiệu cao quý: Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ!

THÁI MỸ

;
.
.
.
.
.
.