Những người canh "giấc ngủ"...

.

Chăm chút những phần mộ liệt sĩ, dọn vệ sinh, trồng và chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên nghĩa trang... là những công việc thường nhật của người quản trang, nhìn có vẻ nhẹ nhàng nhưng không phải ai cũng làm được.

Chăm sóc, làm đẹp nghĩa trang là công việc thường nhật của những người quản trang. Đối với ông Nguyễn Văn Nhâm, quản trang không chỉ là công việc mà còn là một nghĩa cử, một vinh dự và tự hào. TRONG ẢNH: Ông Nhâm đang chăm sóc mộ phần và vườn cây tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Ảnh: T.T
Chăm sóc, làm đẹp nghĩa trang là công việc thường nhật của những người quản trang. Đối với ông Nguyễn Văn Nhâm, quản trang không chỉ là công việc mà còn là một nghĩa cử, một vinh dự và tự hào. TRONG ẢNH: Ông Nhâm đang chăm sóc mộ phần và vườn cây tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Ảnh: T.T

Hơn nửa đời người gắn bó với nghĩa trang

Nối nghiệp cha, từ năm 19 tuổi (năm 1979), chàng trai Nguyễn Văn Nhâm (quê xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bắt đầu với công việc chăm nom Nghĩa trang Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, thuộc biên chế của Ban Nghĩa trang (Ty Thương binh, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ).

Sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương năm 1997, anh Nhâm được phân công làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) thành phố Đà Nẵng (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cho đến nay.

Vậy là ngót 40 năm anh Nhâm gắn bó với công việc quản trang lắm nhọc nhằn. Riêng 21 năm gắn với NTLS thành phố, đối với anh Nhâm, công việc mỗi ngày anh làm còn mang một ý nghĩa khác, rất đỗi thiêng liêng và tự hào. Gắn bó bằng cả tấm lòng, bằng sự biết ơn, không quá khó để anh Nhâm thuộc lòng tên tuổi, câu chuyện của gần 700 mộ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang an nghỉ nơi nghĩa trang thiêng liêng này.

Những hàng cây trong khuôn viên NTLS thành phố những ngày cuối tháng 7 xanh tươi, rợp bóng như che chở, vỗ về giấc ngủ các liệt sĩ đang an nghỉ. Những mộ phần, lối đi khắp nghĩa trang sạch bong, làm nổi bật lên màu hồng rực rỡ của các lọ hoa sen nhựa được xếp đặt cẩn thận, ngay ngắn trên mỗi ngôi mộ.

“Cứ sau mỗi trận mưa, ngoài việc quét dọn khuôn viên nghĩa trang, lau dọn các phần mộ, mất nhiều công sức nhất là rửa các bình hoa sen này. Chỉ cần bị kẹt chút bụi bẩn, sen sẽ không thắm, lá sen không xanh như thế này”, anh Nhâm nói.

Cùng chăm chút NTLS thành phố với anh Nhâm còn có hai quản trang viên khác. Cả tổ quản trang có 3 người, nhưng mỗi dịp lễ lạc, nhất là dịp 27-7 này, Ban nghĩa trang phải cử thêm lực lượng dân quân tự vệ các phường, xã lên giúp sức dọn dẹp, làm đẹp nghĩa trang trước, trong và sau những cuộc thăm viếng dày đặc…

Như một sự tri ân

Đến NTLS phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), nơi an nghỉ của hơn 900 liệt sĩ, đập vào tầm mắt chúng tôi là khoảng không gian xanh mướt cỏ cây, hoa lá. Một cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố nói rằng, có thể thấy công việc của người quản trang qua dáng vẻ của các nghĩa trang. Một nghĩa trang xanh, sạch, đẹp không thể thiếu bàn tay tận tụy của những quản trang tâm huyết.

Thương binh 2/4 Hồ Sỹ Lượng (67 tuổi) là một quản trang như thế. Là du kích xã những năm trước xuân Mậu Thân 1968, sau Mậu Thân, ông Lượng vào bộ đội Khu 3 Hòa Vang, đến cuối năm 1970 không may bị thương, bị địch bắt rồi giam ở nhà tù Phú Quốc cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1973.

Ra tù, ông Lượng tiếp tục tham gia chiến đấu ở Mặt trận 4 Quảng Đà cho đến ngày đất nước giải phóng. Hòa bình, ông tiếp tục cống hiến cho nhiều hoạt động của địa phương, như nhiệt tình đảm nhận công tác Hội Cựu chiến binh xã, Hội Tù yêu nước, kiêm quản trang NTLS phường gần 6 năm nay.

Để bảo đảm công việc, ông Lượng cùng vợ thường bắt đầu các công việc quét dọn, vệ sinh nghĩa trang từ 4 giờ sáng mỗi ngày. Năm nay, ông Lượng vừa xin rút khỏi hoạt động của Hội Cựu chiến binh, chỉ làm quản trang kiêm Chủ tịch Hội tù yêu nước phường Hòa Quý.

Có điều chắc chắn là, dù làm công tác gì, suốt mấy năm nay, NTLS phường Hòa Quý chưa một ngày thiếu bàn tay chăm chút của quản trang, cựu chiến binh Hồ Sỹ Lượng.

Trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, thấm hiểu những đau thương, mất mát vì độc lập, bình yên ngày hôm nay, ông Lượng sống, làm việc theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bằng cả trái tim, nhiệt huyết tuổi trẻ của chính mình trong quá khứ, bằng sự trân quý giá trị độc lập tự do hôm nay.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lượng kể rành rọt và bày tỏ rất cảm kích với những việc như: từ năm 1980, chính quyền và nhân dân Hòa Quý bắt tay xây dựng NTLS của xã với diện tích gần 8.000m2, biến nơi đây thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc cho các thế hệ trẻ trên mảnh đất Hòa Quý anh hùng.

Năm 2014, với nguồn kinh phí từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của Trung ương và địa phương, NTLS phường được nâng cấp, mở rộng lên 13.300m2 và xây dựng thêm sân hành lễ, 2 nhà bia và hàng rào xung quanh...

Đến năm 2016, từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của Trung ương và địa phương, NTLS Hòa Quý được nâng cấp toàn diện. Toàn bộ 902 ngôi mộ trong nghĩa trang được ốp đá granite, các lối đi đều được lát bê-tông khang trang... “Việc của tôi bây giờ chỉ là góp phần công sức rất nhỏ bé trong rất nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống của cả đất nước này”, ông Lượng xúc động nói khẽ.

Cũng là một cựu chiến binh tiếp tục cống hiến trong thời bình, quản trang Phạm Viết Tình (sinh năm 1954, người thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến) nức tiếng gần xa bởi “sự tận tụy” và “khiếu thẩm mỹ” trong việc trông coi NTLS xã Hòa Tiến - nơi an nghỉ của 1.260 liệt sĩ gần 10 năm nay.

Ông Tình là thương binh 4/4, từng là lính trinh sát huyện Hòa Vang trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Khác quản trang Văn Nhâm, quản trang Hồ Sỹ Lượng, trong NTLS xã Hòa Tiến có phần mộ của cha, của anh ông Tình đang yên nghỉ cùng những đồng đội thân yêu. Vì vậy, đối với ông Tình, việc chăm nom nghĩa trang là niềm hạnh phúc vì được gần gũi, chăm lo “giấc ngủ” mỗi ngày của người thân và đồng đội.

Bên cạnh việc chăm sóc, làm đẹp nghĩa trang, ông Tình còn là một “hướng dẫn viên” thực thụ đối với người đến thăm NTLS xã Hòa Tiến. Ông Tình vui vẻ dẫn chúng tôi đi vào thắp hương các phần mộ liệt sĩ trên con đường lát bê-tông sạch đẹp, hai bên là những cây xanh đang tỏa bóng mát được tỉa tót gọn gàng.

Ngoài những chia sẻ về công việc thường nhật, ông kể những câu chuyện về tên tuổi liệt sĩ, vị trí ngôi mộ, quê quán, địa điểm các anh được quy tập về. Thậm chí ông còn quen mặt từng người thân đến viếng thăm.

Theo ông Tình, do ngày ngày gần gũi chăm sóc, lau chùi trên phần mộ, đọc tên, quê quán nhiều lần rồi nhớ, thuộc lúc nào không hay. Khi người thân của các liệt sĩ hỏi, ông có thể dẫn ngay đến vị trí các liệt sĩ an nghỉ.

Ông Tình còn dành tình cảm đặc biệt đối với những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, tích cực tìm hiểu, nghe ngóng thông tin để cung cấp cho người thân họ có dịp đến tìm. Có rất nhiều gia đình từng tới đây để tìm người thân của mình.

Có nhiều gia đình đã tìm được phần mộ, nhưng cũng không ít trường hợp phải ngậm ngùi ra về trong nước mắt. Những vui buồn của gia đình thân nhân liệt sĩ, đối với ông Tình cũng chính là câu chuyện của mình, của công việc quản trang của mình.

Không riêng ông Tình, ông Lượng, ông Nhâm…, hiện không ít người đã tình nguyện đến với công việc quản trang bằng cái tâm với người đã khuất, bằng đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp. Quản trang đối với họ hơn cả công việc, đó còn là một nghĩa cử, một vinh dự và tự hào.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.