Những nghề hiếu nghĩa

.

Người ta nói “tang gia bối rối không tránh khỏi sơ suất” nên những chuyện như lo hương đèn, đến mai táng rồi xây lăng mộ cho người đã khuất nhiều năm qua giúp các gia đình có việc tang được chu toàn hơn nhờ vào dịch vụ mai táng, xây  mộ. Những dịch vụ này ngày càng nở rộ và chuyên nghiệp hơn.

Anh Vũ Quân (bên phải) (Cơ sở đá granite Huy Cường) lắp ráp phần nắp mộ. Ảnh: Mai Hiền
Anh Vũ Quân (bên phải) (Cơ sở đá granite Huy Cường) lắp ráp phần nắp mộ. Ảnh: Mai Hiền

Bên cạnh những cơ sở làm dịch vụ mai táng đã có tiếng nhiều năm nay ở Đà Nẵng như: Ban Nghĩa trang thành phố (66 Đống Đa, quận Hải Châu), Thiện Tâm (705 Trường Chinh, quận Cẩm Lệ),… thì hiện nay, nhiều cơ sở nhỏ tuy mới xuất hiện nhưng tạo được uy tín nhờ sự chuyên nghiệp, chu đáo, tận tình.

Hoạt động từ tháng 10-2015, sau 3 năm, dịch vụ mai táng Thọ Mai (K67/27B Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) cùng tên bà chủ Nguyễn Thị Như Nguyệt ngày càng được nhiều người biết đến. Từng có khoảng thời gian 20 năm làm công tác đoàn thể ở một công ty thủy sản, bà Nguyệt lúc nào cũng lo, nghĩ, quan tâm đến đời sống của anh em nhân viên. Dần rồi thành thói quen. Đến lúc giám đốc công ty qua đời, lúc ấy chưa có dịch vụ mai táng, bà phụ gia đình lo cho đám tang được chu toàn. Rồi bà bén duyên với cái nghề làm dịch vụ mai táng lúc nào không hay.

Một khi đã chọn cái nghề này thì xác định làm việc 24/24 giờ, gia chủ gọi là đến ngay. Bà Nguyệt cười bảo: “Chồng tôi hay nói vui, tôi gọi bà ấy không dậy, chứ nhà ai có người mất thì gọi lúc 1 - 2 giờ sáng bà ấy cũng chạy đến liền”. Các cơ sở đều phục vụ trọn gói nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của gia chủ. Từ chuyện dựng rạp, lo bàn ghế, ly tách, nước nôi, quạt, chiêng, trống, cờ, hòm, đồ tẩm liệm, đồ tang, thợ liệm cho đến xe đưa tang, xe chở tang quyến, quay phim, chụp ảnh… và cả chuyện cho nhân viên túc trực, phụ nấu ăn cho người nhà. Dịch vụ mai táng trọn gói có nhiều mức giá khác nhau tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Nhà nào kinh tế khó khăn thì bà Nguyệt cố gắng tìm mọi biện pháp tiết kiệm, tư vấn để họ có sự lựa chọn phù hợp túi tiền. Theo bà Nguyệt, “đây là nghề hiếu nghĩa ở đời nên khi làm phải tận tâm, tận tình từ trong bếp ra đến bàn thờ linh. Tất cả các khâu đều cần phải chu đáo”. Một tháng, dịch vụ Thọ Mai nhận dao động từ 10 đến 15 đám.

Dịch vụ xây lăng, mộ cũng ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Chỉ cần một cuộc gọi, bên xây lăng, mộ sẽ đến trao đổi với gia chủ về mẫu thiết kế rồi thi công; gia chủ chỉ việc chi tiền.

Làm nghề xây lăng mộ hơn 40 năm, ông Võ Ngọc Long (60 tuổi, ngụ tổ 22, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) chưa từng nghĩ đến việc sẽ lập một bảng hiệu, đặt một cái tên để nhiều người biết đến nhưng khách hàng vẫn chủ động tìm đến ông. Thời gian, kinh nghiệm cùng sự chu đáo, tỉ mỉ trong mỗi ngôi mộ ông xây đã tạo nên tiếng tăm cho ông.

Trước khi thi công, ông đều phải thiết kế trước, tư vấn cho gia chủ tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Có lăng xây dựng giá đến tiền tỷ, có lăng dao động 200-300 triệu đồng. Nhanh thì mất 1 tháng, lâu lắm thì đến tận 3 tháng mới xong một cái lăng. Ông Long chia sẻ: “Xây lăng là một nghề cần năng khiếu bởi trong quá trình thi công, bên cạnh xây dựng là có cả đắp, chạm, điêu khắc và vẽ”. Ông bảo kinh nghiệm mình có được truyền lại từ những lần theo ông nội, theo bố đi làm ngày trước, rồi ông tự mày mò, học hỏi thêm mỗi ngày.

Việc trang trí lăng mộ không chỉ đòi hỏi ở người thợ xây có năng khiếu và sự hiểu biết về các họa tiết được dùng để trang trí lăng. Hiện những họa tiết được dùng phổ biến như: tứ linh (mai-lan-cúc-trúc hoặc canh-triều-ngư-mục), long-lân-quy-phụng, cầm-kỳ-thi-họa. Với những lăng nhỏ thì chỉ mỗi ông đảm nhận; lăng lớn, cầu kỳ thì gọi thêm thợ nề phụ một tay.

Dịch vụ làm bia, mộ khá phổ biến ở Đà Nẵng, đặc biệt là sự ra đời của bia đá, mộ đá vào khoảng 20 năm trở lại đây. Chính vì vậy hầu hết các cơ sở đá granite ở Đà Nẵng đều có dịch vụ làm bia, mộ như: Cơ sở đá granite Thế Hiệp (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), cơ sở đá granite Huy Cường (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang)…

Anh Nguyễn Thế Hiệp, chủ cơ sở đá granite Thế Hiệp cho hay: “Lúc trước phải đem vật tư lên nghĩa trang để xây nhưng giờ được gia công tại xưởng, chỉ việc đem lên nghĩa trang rồi lắp ráp”. Ngày trước, phần chữ khắc lên bia được làm thủ công nhưng hiện nay thì dùng máy bắn hơi để khắc. Mộ cũng được chia thành hai loại chính: mộ tươi (mộ cho người vừa mất), mộ di dời. Mộ tươi dao động từ 10,5 triệu đồng đến 10,8 triệu đồng. Mộ di dời thì còn tùy thuộc vào kích thước mà gia chủ yêu cầu, giá dao động từ 1,2 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng. Anh Hiệp chia sẻ: “Bia, mộ thì nhìn chung chỗ nào cũng có thể làm được nhưng hơn nhau ở tay nghề và kinh nghiệm”. Nhà anh Hiệp vốn làm dịch vụ bia, mộ đá đã được 18 năm nay. Sau khi bố mất, anh nối nghiệp đến nay cũng được gần 7 năm.

Anh Vũ Quân, thợ chính tại Cơ sở đá granite Huy Cường cho biết thêm: “Cái nghề này khá là vô chừng. Ví như năm nay, nhiều người xem được ngày, giờ phù hợp nên di dời mộ. Từ đầu năm 2018 đến nay, tính cả mộ tươi và mộ di dời thì cơ sở Huy Cường nhận gần 300 cái. Cũng có lúc chỉ lai rai”.

Với anh Quân, nghề này không cực cũng không sướng, quan trọng là cái tâm, cái duyên với nghề. Anh Quân kể, với những miếng đá bị lỗi thì anh sẽ thay ngay, không lắp vào mộ vì cảm thấy có lỗi với gia chủ, với người đã khuất.

Khi tang gia bối rối, những dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp chính là sự hỗ trợ cần thiết, để việc hiếu nghĩa, tang ma của mỗi nhà thêm được vẹn toàn…

MAI HIỀN

;
.
.
.
.
.
.