Đám tang văn minh

.

Khi Đà Nẵng nỗ lực hướng đến “Thành phố môi trường”, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị… thì đây đó trên địa bàn thành phố vẫn có những đám tang còn phảng phất ít nhiều hình thức của nếp sống cũ.

Một gia đình tổ chức lễ hỏa táng tại An Phước Viên, nghi thức tang lễ văn minh này vẫn chưa được nhiều gia đình lựa chọn.  (Ảnh do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh Chi nhánh Đà Nẵng cung cấp)
Một gia đình tổ chức lễ hỏa táng tại An Phước Viên, nghi thức tang lễ văn minh này vẫn chưa được nhiều gia đình lựa chọn. (Ảnh do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh Chi nhánh Đà Nẵng cung cấp)

Hình ảnh phản cảm nhất trong đám tang, làm lu mờ hình ảnh văn minh đô thị, trở thành lực cản cho nỗ lực xây dựng “Thành phố môi trường” là việc rải vàng mã trên suốt chặng đường từ nơi tổ chức lễ tang đến nghĩa trang.

Hãy hình dung một đường phố văn minh, hiện đại có đông đúc người qua kẻ lại (trong đó có cả người nước ngoài) thì đùng một phát đoàn xe tang đi qua với nhạc đám ma mở hết âm lượng và giấy vàng mã bay loạn xạ như lá khô gặp gió...

Để hạn chế hình ảnh phản cảm này, hơn 15 năm trước, hội đồng các gia tộc phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đưa nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào nội dung sinh hoạt của 4 lễ hội đình làng trên địa bàn gồm Hòa Mỹ, Trung Nghĩa, Hòa Phú và Phước Lý.

Đến nay, bà Hồ Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cho biết, có đến trên 90% các đám tang ở Hòa Minh không để quá 48 giờ, không rải vàng mã trên đường từ nhà đến nghĩa trang, không tổ chức rình rang, tốn kém (trừ một số người thuộc 10% trên).

Trong khi nhiều nơi trầy trật thực hiện đám tang văn minh thì nhờ đâu mà Hòa Minh làm được? Ông Trần Văn Hoa, Trưởng Hội đồng các gia tộc làng Trung Nghĩa, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu và phường Hòa Minh, trả lời câu hỏi của phóng viên bằng cái cười tưởng là xuề xòa nhưng rất ý nhị: là nhờ chúng tôi biết “cột” họ vào một số thỏa thuận.

Mỗi khi trong làng có người qua đời, ông Hoa cho biết, bao giờ cũng có bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận, đại diện hội đồng các gia tộc cùng đến thăm, bàn bạc với gia đình và đại diện cơ sở dịch vụ mai táng về 2 nội dung trong tổ chức đám tang.

Thứ nhất, gia đình không sắm bàn trầu cau rượu (xưa là thế, ngày nay còn có thêm thuốc lá) mang ra thưa với làng rằng nhà có người qua đời, nhờ làng quan tâm giúp đỡ (lễ này không cần thiết, chỉ cần thưa một tiếng là đủ). Thứ hai, tuyệt đối không được rải vàng mã trên đường.

Mặt sau Thư chia buồn của UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L
Mặt sau Thư chia buồn của UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L

Nếu gia đình tán thành hai nội dung trên thì làng sẽ đứng ra làm lễ cáo Thành hoàng trước khi nhập liệm, cáo Đạo lộ trước khi di quan. Ngoài ra, làng còn cho mang chiêng trống, kiểng cổ, cờ xí, trang phục âm công... đến phục vụ đám tang chu đáo.

Còn ngược lại thì gia đình tự lo liệu, làng không ngó ngàng chi tới. Thường thì hầu hết các gia đình, nhất là những người ở các nơi khác đến sống ở làng, không rành rẽ các lễ cúng tế, phẩm vật trong đám tang nên bao giờ cũng “gật”.

Ông Hoa kể, cũng có trường hợp đã nhất trí hết rồi, nhưng trên đường đưa tang gia đình lại “lén” rải vàng mã. Để chấm dứt hiện tượng “xé rào” này, làng đề nghị Công an phường mời cơ sở dịch vụ mai táng đến xử phạt vi phạm hành chính về ô nhiễm môi trường. Thế là từ đó trở đi không còn vàng mã bay tá lả trên đường nữa.

Cùng với đó, theo lời bà Thùy Linh, địa phương còn vận động gia đình không mở âm lượng nhạc đám ma quá lớn và nghỉ nhạc trước 21 giờ để không làm phiền hàng xóm. Nhờ đó, đám tang ở Hòa Minh ngày một trở nên văn minh hơn.

Từ năm 2015, phường Hòa Minh thực hiện Thư chia buồn, mặt sau ghi “Một số điều lưu ý khi tổ chức lễ tang” trích Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21-1-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Công dân đến phường khai tử cho người thân; khi hồ sơ xong, UBND phường cử cán bộ đến tận nhà trao Thư chia buồn và giấy Chứng tử.

Ma chay là một trong nhiều nội dung mà cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống Văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận khởi xướng, chủ trì và phối hợp vận động toàn dân thực hiện từ năm 1995. Tại Đà Nẵng, cuộc vận động được lồng ghép với các chương trình mục tiêu của thành phố như “Thành phố 5 không 3 có”; “Thành phố 4 an”...

Ở huyện Hòa Vang, nơi vẫn còn nhiều thôn, xóm giữ nếp sống làng quê, việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đặc biệt là lễ tang, cũng được các địa phương chú trọng trên cơ sở giữ lại cái gì và loại bỏ cái gì để không phá vỡ nếp sống từ bao đời nay của bà con.

Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Năm văn hóa, văn minh đô thị” đã giúp người dân nhận thức được sự lãng phí và tốn kém trong tang lễ. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin (VH-TT) huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân cho biết, nhiều mô hình có hiệu quả thiết thực đã xuất hiện trên địa bàn huyện. Xã Hòa Bắc thực hiện “Đám tang 3 không” (không dàn nhạc; không rượu bia, thuốc lá; không hạt dưa).

Tương tự, xã Hòa Tiến áp dụng mô hình “3 không trong ma chay” (không rải vàng mã; không uống rượu, đánh bài; không thuê nhạc công). Hai hình thức “3 không” này giúp tiết kiệm trung bình 10 triệu đồng cho mỗi đám tang. Thôn Quang Châu (xã Hòa Châu) không rải vàng mã ngay tại đám tang...

Về cách thức tổ chức lễ tang ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng nhận định: “Đà Nẵng tuy có tuyên truyền, vận động nhưng nội dung về ma chay chưa được chú trọng đúng mức; chưa có chế tài đối với các trường hợp vi phạm; vẫn còn nặng tâm lý “nghĩa tử là nghĩa tận” nên có nhiều trường hợp để quá lâu, nhất là các trường hợp có con cháu ở xa, như ở nước ngoài chẳng hạn. Đây là vấn đề cần nghiêm túc vận động thực hiện trong thời gian tới”.

"Theo tôi, một đám tang văn minh là một đám tang không có hủ tục, không mê tín dị đoan, không làm ảnh hưởng đến môi trường sống, không gây phiền hà đến người sống... Ở đám tang luôn thể hiện sự tiếc thương, quý mến người qua đời, đoàn kết với họ hàng, láng giềng...

Tất nhiên, hơn ai hết, là tổ chức đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động của mình để nếp sống văn hóa, văn minh của nhân dân thành phố, trong đó có ma chay, cưới xin... được thực hiện tốt."

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đăng Hải

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.