Vũ điệu A Lưới

.

Tháng sáu vừa rồi sau khi giao lưu tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung, chúng tôi có chuyến  tham quan A Lưới – Một huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế. A Lưới, cái tên nghe quen trong những năm chống Mỹ với lời bài hát: “Người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ - Đi đánh giặc vượt núi băng rừng – Dù gian lao em không nản chí …”. 

A Lưới có một gia đình được Nhà nước phong tặng ba Anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là: Hồ Vai và cháu của ông là nữ Anh hùng Kan Lịch.  Người thứ ba là A Nun, em trai Kan Lịch.

Vũ điệu giữa núi rừng A Lưới.
Vũ điệu giữa núi rừng A Lưới.

Lên đây tôi mới biết vì sao dân A Lưới bao gồm các dân tộc: Pa cô, Tà ôi, Cơ tu, Pa  hi và Vân kiều lại lấy họ của mình là họ Hồ. Vì gia phả của họ phần lớn để trong gùi và thời chiến phải chạy đi mất mát lưu lạc nhiều vì thế nhớ được tên còn họ thì mất.

Sau đó người A Lưới lấy tên Bác Hồ làm họ Hồ. Vì những ngày chiến tranh gian khổ hạt muối rất quý của Bác Hồ, của miền Bắc đã vào được đến đây cho da người A Lưới đỡ xanh bủng, hồng cầu đỏ hơn, nhiệt huyết cách mạng sục sôi hơn. Mỗi lần đặt họ Hồ cho một người là cả một thủ tục thắp hương trước ảnh Bác Hồ như một nghi lễ thiêng chứng nhận.

Trước lúc lên A Lưới, tôi ngồi với tiến sĩ y khoa Phạm Nguyên Tường bên quán gió bờ sông Hương. Ông bác sĩ, thi sĩ này đặc biệt rất mê A Lưới. Tường bảo: Tôi nhớ những lần vào A Đớt của huyện A Lưới trong những lần đi khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc. 

Vùng đất ấy có đến 16% dân số bị nhiễm chất độc  da cam. Hàm lượng dioxin trong gan, mật, ruột gà, vịt, heo, bò ở vùng này cao hơn mức cho phép. Vì thế lên đây ngại nhất nguồn nước bị ô nhiễm từ những ngày Mỹ cho máy bay rải chất độc hóa học. Năm xưa nơi đây là một chiến trường ác liệt. Những di tích lịch sử còn giữ nguyên vẹn ký ức một thời.

Bạn tôi kể về đồi A Bia còn gọi là đồi “Thịt băm”, đó chính là cao điểm có độ cao 937m so với mặt nước biển trong thung lũng A Lưới ở phía tây giáp ranh nước Lào. Nơi đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa bộ đội quân giải phóng và lính Mỹ.

Quả đồi này được mệnh danh là cái cối xay thịt đến nỗi lính Mỹ ám ảnh và gọi đây là “Hamburger” của chiến trường miền Nam Việt Nam. Đến giờ A Lưới vẫn còn lưu giữ những đường hầm địa đạo nối với những hang lớn.

 A Lưới tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ. Nơi đây chính là thượng nguồn của 5 con sông lớn. Chao ôi, 5 con sông xòe ra như năm ngón tay gợi mở thao thiết mà cuồn cuộn chảy. Trong đó có hai sông chảy sang Lào là A Sáp và A Lin. Còn ba con  sông chảy sang Việt Nam là Đakrông, sông Bồ và sông Hương. 

Vào Huế hội thảo lần này tôi có đến thăm nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và được ông tặng tuyển thơ trong đó có bài thơ “Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ”. Khi biết chúng tôi ngày mai lên A Lưới, nhà thơ bảo:

A Lưới hay lắm đó. Bí thư huyện là một nữ tiến sĩ văn hóa còn rất trẻ. Trẻ, dân tộc mà lại rất hiện đại. Lên đó thế nào cũng có chương trình giao lưu văn nghệ, nghe cô đó hát với vũ điệu trẻ trung thì thật tuyệt vời.

Rồi nhà thơ trầm ngâm khi kể về bài thơ như khúc hát của mình: Hồi ấy mình trong ban tuyên huấn của khu ủy ở chiến khu A Lưới. Những người mẹ dân tộc Tà ôi vừa địu con trên lưng vừa giã gạo, tỉa bắp, góp phần sản xuất lương thực cho kháng  chiến.

Và mơ ước con mình ngày mai khôn lớn được sống trong đất nước tự do. Tình yêu con thiết tha, đằm thắm và tình yêu Tổ quốc sâu nặng đan xen nhau làm một… Bây giờ đi giữa A Lưới tôi càng thấm thía tâm hồn lãng  mạn và phóng khoáng của người dân nơi đây. Hãy nghe họ ví von trong bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm: “Mặt trời của bắp thì nằm trên núi/Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng”. 

Nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang ở tạp chí Sông Hương kể cho tôi nghe những dấu ấn của mùa lễ hội ở A Lưới. Lễ hội  ở đây gắn với mùa màng, thiên nhiên. Ví như mùa lễ hội Aza hay còn gọi là Tết mừng cơm mới – Lễ tri ân cây lúa.

Là cái Tết khi đồng bào kết thúc vụ mùa, tiễn đưa năm cũ đón chào năm mới. Lễ hội Aza một năm tiến hành một lần để cầu may nương rẫy xanh tươi, mùa màng bội thu. Đây cũng là Tết đoàn tụ xum vầy một nhà. Mâm cúng bao gồm lúa và nếp là lễ vật chủ đạo được nấu thành cơm hoặc làm bánh bên cạnh khoai, sắn, môn, ngô; thịt dê, lợn, gà, vịt hoặc thú rừng săn bắn được luộc hoặc nướng lên.

Đặc biệt hầu như nhà nào cũng cố gắng săn được một con chuột rừng để dâng lên các Giàng. Từ chuột rừng, họ làm món A Dút hay còn gọi là A Lạp là món trộn thịt chuột với nếp, sắn và đọt chuối với một vài gia vị khác. 

Nhân nói chuyện ẩm thực, hôm liên hoan ở A Lưới, chúng tôi được uống một loại rượu khá đặc biệt của đồng bào nơi đây đó là rượu Đoác. Cây đoác là cây họ dừa mọc khá nhiều ở các ngọn núi cao ở A Lưới giống như cây thốt nốt ở Campuchia.

Rượu Đoác có màu như nước vo gạo, sủi bọt. Thường mỗi cây đoác 3 – 5 năm tuổi mới cho rượu uống được. Mỗi cây lấy được từ 20 – 25 lít rượu. Tôi nghĩ đây cũng là một chất men say cội nguồn để tạo hưng phấn cho những vũ điệu hồ hởi rộn ràng mà sinh động phóng khoáng của người dân A Lưới. 

Những tấm vải thổ cẩm của người A Lưới với các hoa văn đường nét hài hòa, tinh xảo, lối phối màu mang một nhịp điệu sắc thái riêng. Nghề dệt được gọi là dệt Zèng, do phụ nữ đảm nhiệm, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mọi cô gái lớn lên đều phải biết dệt tấm  Zèng để khi đến tuổi lấy chồng tặng người trong gia đình nhà chồng.

Nguyên liệu để dệt là những sợi bông khai thác  từ thiên nhiên nhuộm với nhiều sắc màu lấy từ vỏ cây hay củ nâu. Các loại hoa văn mô phỏng những con suối, dốc cao, cây cỏ chim rừng, đồ vật, những ngôi sao trên trời, mang ý khát khao sự giao hòa trời – đất và con người. Đỉnh cao của nghệ thuật dệt  Zèng ngoài những sáng tạo hoa văn độc đáo đủ  các sắc màu là kỹ năng chèn cườm kết hợp với hệ sắc màu trên nền vải.

Chèn cườm là công đoạn phức tạp đòi hỏi nghệ nhân có tay nghề cao.  Năm 2016, “Nghề dệt Zèng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  Khi đến đây tôi bắt gặp những nhóm người cùng ngồi dệt với nhau dưới sự hướng dẫn của những nghệ nhân cao tuổi. Họ vừa dệt vừa hát dân ca. Tiếng con xa quay, tiếng thoi dệt  hòa chung thành một âm điệu, âm vang A Lưới…

Chiều xuống dần, núi rừng A Lưới bạt ngàn xanh sắp thiêm thiếp vào đêm tăng thêm vẽ bí ẩn hoang sơ và gợi mở. Tôi bỗng nghe tiếng reo hò vui vẻ trong sân nhà văn hóa. Thì ra những người đẹp của núi rừng A Lưới bất ngờ xuất hiện như các cô tiên trong truyện cổ tích.

Họ như những tiên nữ trẻ măng, hồn nhiên với những bộ váy áo muôn màu hoa văn được cắt khéo léo từ những tấm thổ cẩm dệt  Zèng bó gọn thon thả những tấm lưng eo thắt. Tất cả đều vai trần tóc búi gọn và cổ đeo những vòng cườm xinh xắn.

Các cô là những diễn viên múa nghiệp dư ở các đội văn nghệ về đây tụ hội. Họ kéo tôi vào cùng chụp ảnh bên chiếc trực thăng của bảo tàng. Đêm giao lưu có đốt lửa trại chưa đến, nhưng vũ điệu A Lưới của họ đã bắt đầu hồ hởi, chân tình, mộc mạc, đắm say, làm tôi thấy ngây ngất giữa núi rừng.

Bút ký Nguyễn Ngọc Phú
 

;
.
.
.
.
.
.