.

Giá của niềm tin

.

Chính cái sự làm mất lòng tin của người trước đã làm cho người sau bị nghi ngờ về sự tử tế.

Đổi, bán mũ bảo hiểm với giá hỗ trợ là một trong những nghĩa cử cao đẹp của chính quyền Đà Nẵng trong việc kiến tạo niềm tin trong nhân dân.
Đổi, bán mũ bảo hiểm với giá hỗ trợ là một trong những nghĩa cử cao đẹp của chính quyền Đà Nẵng trong việc kiến tạo niềm tin trong nhân dân.

Đổ xăng, trà chanh và chuyện tử tế

Hôm rồi đổ 50 nghìn xăng ngay cây xăng gần nhà. Lôi trong túi ra chỉ còn 36 nghìn đồng, tôi bèn “bỏ nhỏ” với cậu nhân viên bán xăng có lẽ tuổi cũng xấp xỉ con trai mình: Cháu ơi, chú bỏ quên cái bóp ở nhà, cho chú gửi trước 35 nghìn rồi chạy về lấy tiền trả đủ nha? Trong lúc cậu đang liếc tôi từ đầu đến chân thì tôi tranh thủ “bồi” thêm: Con người quý chứ 15 nghìn đồng không quý đâu, cháu ơi. Cậu gác cái vòi bơm lên cây xăng, nói ỡm ờ: Người quý hay tiền quý, ai biết được…

Tôi cảm thấy bị xúc phạm, sự xúc phạm có giá… 15 nghìn đồng.

Không ít người bị rơi vào tình huống oái oăm đó. Một anh bạn bảo con anh cũng từng bị thế ngay ở cây xăng này. Nó đi chiếc xe máy có giá gấp ba lần xe tôi mà vẫn bị cậu bán xăng ném cho cái nhìn “chưa biết người quý hay tiền quý”. Nó moi hết các túi, lục các ngăn cặp, cả trong cốp xe thì, may quá, vừa đủ tiền. Tôi thì chờ một lát không gặp ai quen, đành “lén lút” chạy xe về và chưa đầy 7 phút sau đã xóa được “nợ” và cả cái nhìn không mấy thiện cảm của cậu bán xăng.

Chạy xe trên đường, tôi nghĩ có lẽ không nên trách gì cậu ta cả. Hẳn là cậu đã gặp một vài trường hợp người đổ xăng thiếu tiền nhưng “một đi không trở lại”. Chính cái sự làm mất lòng tin của người trước đã làm cho người sau bị nghi ngờ về sự tử tế.

Gần 30 năm trước, chuyện tử tế đã được đạo diễn Trần Văn Thủy thể hiện trong một bộ phim tài liệu cùng tên. Đạo diễn đặt ra câu hỏi “Thế nào là sự tử tế?” và cất công đi tìm câu trả lời bằng những cảnh quay thực tế thông qua nhiều con người, hoàn cảnh sống khác nhau. Theo đạo diễn, ông làm Chuyện tử tế vì ông nghĩ con người phải biết sống tử tế với nhau, nhất là trong hoàn cảnh có rất nhiều người bất hạnh trên sự vô lý.

Đà Nẵng, hơn một năm qua, đã mọc lên nhiều quán “trà chanh chém gió” theo kiểu Hà Nội, tập trung ở một số tuyến đường sầm uất như Nguyễn Văn Linh, Trần Phú... “Trào lưu” mới này thu hút mạnh giới trẻ và tạo nguồn doanh thu đáng kể cho các hàng quán.

Nguyên liệu để pha trà chanh gồm nước khoáng, chanh, đường, lá bạc hà, trà trắng túi lọc. Tuy nhiên, một chị giáo viên tối về bán thêm mặt hàng “hot” này cho biết, nếu chế biến đúng “bài bản” như thế sẽ lãi không cao. Trên thị trường hiện có các loại hương liệu có xuất xứ từ Trung Quốc đã tẩm sẵn, trong đó, bột hương chanh giá chỉ 110 nghìn đồng/kg. Cứ 1kg bột cho ra 1.000 ly trà chanh, thêm ít chanh tươi cắt lát mỏng bỏ vào cho đẹp và khoảng 3kg đường là đã có thể thu vào gần 5 triệu đồng. “Trong khi người ta dùng hương liệu tiền vô như nước thì mình bán trà chanh nguyên chất, chấp nhận lãi ít để khách được an toàn sức khỏe. Thế nhưng việc mình làm đâu có ai biết. Bạn bè thân chúng nó bảo sao mày dại thế?...” - chị phân trần.

Đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện bộ phim Chuyện tử tế trong điều kiện hết sức thiếu thốn và khó khăn, bởi trước đó bộ phim Hà Nội trong mắt ai của ông do phản ánh chân thực cuộc sống thời bao cấp khó khăn và những suy nghĩ sâu sắc của ông về xã hội đã khiến bộ phim bị cấm chiếu ngay khi chiếu duyệt lần đầu tiên. Vậy mà, ngày nay, khi cuộc sống đã ngày một sung túc hơn, vẫn có không ít người vì siêu lợi nhuận (như bán “trà chanh chém gió”) mà đánh mất đi sự tử tế của mình.

Niềm tin công dân

Báo Đà Nẵng điện tử (baodanang.vn) hôm 15-6 vừa qua đăng bài “Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về hiến máu nhân đạo” với những thông tin thú vị. Rằng tỷ lệ dân số Đà Nẵng hiến máu nhân đạo đạt 3%, đứng đầu cả nước. Rằng đã có 44% người tham gia hiến máu nhắc lại. Rằng trên 40 nghìn lít máu được hiến trong 10 năm qua, giúp cứu sống hàng ngàn mạng người. Tác giả bài báo gọi những người hiến máu nhân đạo “trên từng cây số” này là những “người hùng” bình dị, tôi thì gọi các vị là những người rất tử tế. Vâng, rất tử tế, bởi các vị đã cho đi (mà không hề mong được nhận lại) một “báu vật” được xem là một dược phẩm vô giá cứu sống con người mà chưa có một thứ thuốc nào thay thế và chưa có một nhà máy nào bào chế được.

Một đồng nghiệp kể, 10 năm trước chị rời quê nhà Quảng Trị vào Đà Nẵng làm việc. Một tối đang đi trên đường Hàm Nghi thì lốp xe bị thủng, chị đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì có một anh đi xe máy đến hỏi xe bị làm sao, rồi anh đi quanh tìm chỗ vá xe. Khuya quá, tìm không ra chỗ vá xe, anh đón một chiếc xích lô (loại màu đỏ của đội xích lô du lịch vừa mới thành lập), rồi bảo ông chở xe chị về nhà. Ông xích lô càu nhàu vì xích lô chỉ chở người, nay phải đèo xe máy, thế là anh thanh niên bảo: Ông phải giúp đỡ người ta đi, ông là công dân Đô thị loại 1 mà! Anh ấy theo đến tận cổng nhà chị, gỡ xe máy xuống khỏi xe xích lô. Chị chỉ kịp nói cảm ơn, chưa hỏi anh tên gì thì người tử tế đó đã mất hút giữa màn đêm.

Chị giờ đã neo cuộc đời mình ở Đà Nẵng và chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Mãi đến giờ chị vẫn còn nhớ câu nói đầy ấn tượng của anh thanh niên với người đạp xích lô ngày nào. 10 năm qua, người Đà Nẵng trở thành công dân Đô thị loại 1. Nhiều nghĩa cử cao đẹp, với Đà Nẵng là chuyện rất bình thường, nhưng với một số nơi khác lại là chuyện bất bình thường. Vì sao? Chị bảo, bởi công dân Đà Nẵng tin vào những gì tốt đẹp trong mỗi con người và đó là cái giá để có được sự tử tế…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.